Theo VOA-21.09.2015
Những ngày này Hà Nội bỗng dịu mát. Sau vài cơn mưa dông dai dẳng đầu thu, tiết trời cứ se lạnh man mác. Mọi người ra đường bắt đầu mặc thêm áo gió. Nhìn những ông cụ bà cụ lom khom chầm chậm đi bộ quanh hồ Gươm, lòng cứ dấy lên cảm giác buồn khó tả. Tôi lúc nào cũng có một sự thương cảm đặc biệt dành cho người già, khác với bạn bè tôi, họ khoái con nít hơn. Giả sử có người ăn xin hay bán kẹo trên đường, tôi thường sẽ giúp đỡ họ nếu là người già cả.
Vài tháng trước tôi có dịp vào Sài Gòn làm việc. Nơi tôi ở trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đông đúc sầm uất nhất thành phố, đủ mọi tầng lớp người qua lại. Tôi đã đi qua nhiều thành phố tại nhiều nước, những người già, nghèo khổ, vô gia cư lang thang cũng từng thấy, nhưng vẻ khổ sở, xơ xác đến chạnh lòng thì có lẽ chỉ thấy được trên con phố này. Có cụ già cụt chân, quần áo rách rưới, lem nhem, hai bàn tay xỏ đôi dép tổ ong, lê từng bước. Đến các nhà hàng có người ngồi ăn, cụ cứ thế “quỳ” dưới chân bàn xin từng đồng. Chủ quán thấy thế hờ hững như đã quen, khách hàng thì ái ngại nhìn, đưa cho vài đồng tiền lẻ. Ngày nào cũng thấy ông lê đi cả dọc phố dài từ sáng đến tối mịt. Chả ai rõ ông đi đâu về đâu. Đi qua ngã tư Tôn Đức Thắng - Pasteur, luôn luôn thấy có bà cụ già thật già ngồi vật vờ trên vỉa hè gần cây đèn xanh đèn đỏ, bên cạnh đặt một cái hộp con con để người đi đường dừng lại thấy thương thì bỏ tiền lẻ vào. Nhiều con đường khác còn thấy có bà cụ ngồi quỳ khoác áo tang trắng ôm mặt khóc rưng rức.
Vài tháng trước tôi có dịp vào Sài Gòn làm việc. Nơi tôi ở trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đông đúc sầm uất nhất thành phố, đủ mọi tầng lớp người qua lại. Tôi đã đi qua nhiều thành phố tại nhiều nước, những người già, nghèo khổ, vô gia cư lang thang cũng từng thấy, nhưng vẻ khổ sở, xơ xác đến chạnh lòng thì có lẽ chỉ thấy được trên con phố này. Có cụ già cụt chân, quần áo rách rưới, lem nhem, hai bàn tay xỏ đôi dép tổ ong, lê từng bước. Đến các nhà hàng có người ngồi ăn, cụ cứ thế “quỳ” dưới chân bàn xin từng đồng. Chủ quán thấy thế hờ hững như đã quen, khách hàng thì ái ngại nhìn, đưa cho vài đồng tiền lẻ. Ngày nào cũng thấy ông lê đi cả dọc phố dài từ sáng đến tối mịt. Chả ai rõ ông đi đâu về đâu. Đi qua ngã tư Tôn Đức Thắng - Pasteur, luôn luôn thấy có bà cụ già thật già ngồi vật vờ trên vỉa hè gần cây đèn xanh đèn đỏ, bên cạnh đặt một cái hộp con con để người đi đường dừng lại thấy thương thì bỏ tiền lẻ vào. Nhiều con đường khác còn thấy có bà cụ ngồi quỳ khoác áo tang trắng ôm mặt khóc rưng rức.
Tự hỏi chẳng lẽ không có một cơ quan đoàn thể nào đứng ra giải quyết những trường hợp như vậy, cứ để họ vất vưởng nay đây mai đó trên những góc phố nắng nôi bụi bặm? Những ngày đầu ở đây, tôi cứ nghĩ mãi về câu trả lời và đã từng hỏi một người già ăn xin rằng liệu cụ có muốn được giúp đỡ nếu có tổ chức, trung tâm từ thiện nào đến cưu mang mình không. Câu trả lời bất ngờ quá, họ cưu mạng cụ nhưng có cưu mang được con cụ còn ốm, còn đau nằm nhà không? Thì ăn xin, cũng như bán vé số, kẹo cao su, bây giờ đơn giản là một cái nghề để mưu sinh trong cuộc đời này. Và đã là cái nghề, thì cũng đủ thứ cạnh tranh từ “nhân sự” đến “địa bàn”. Chưa kể cũng có những “ông chủ” bảo kê, quản lý. Chỉ là một khúc phố ngắn Nguyễn Văn Đang, kẹp giữa đường bờ đê và Cách Mạng Tháng Tám, luôn luôn thấy quanh đi quẩn lại 1 ông lão tóc trắng mặc đồ bệnh nhân đi xin tiền chữa bệnh, một cặp con nít bé xíu dắt díu nhau líu lo bán kẹo cao su, đôi ba bà trung niên đội gánh bán túi xoài, chim cút…Chỉ trong một quãng phố ngắn mà ta nhìn thấy được phần nào số phận của nhiều thế hệ Việt, một cách sinh động nhất, trần trụi nhất, đang nai lưng bươn chải chỉ mong lo được đủ bữa cơm ngày hôm nay, còn chắt chiu được là may mắn.
Khó có thể đổ lỗi lên đầu ai, nếu nói đây là trách nhiệm của nhà nước thì lời nói chỉ như đang ném vào khoảng không vô định. Bản thân tôi nghĩ bởi dân tộc mình trong những ngày này đang thờ ơ quá, ích kỷ quá. Những số phận ngoài kia không phải là vấn đề của mình. Tâm lý “ăn xổi ở thì” không biết bao giờ mà trở thành lối sống của từng cá nhân. Thấy được cái lợi trước mắt thì cứ hưởng, cứ lấy, có dành dụm cũng là dành dụm cho đời mình, dành được ngần nào hay ho ngần ấy. Cứ thế mà lan ra thành cả hệ thống, dẫn đến một hệ lụy là tham nhũng. Cả đất nước là những vùng biển chết khép kín, không mở lòng, không chia sẻ, không một lần thả suy nghĩ về mai sau, để hành động vì những cá thể không phải là bản thân mình. Tôi vô cùng tâm đắc một câu nói mà nhạc sĩ Tuấn Khanh từng chia sẻ: “Một đời người đôi khi không đủ dài để dành dụm cho mai sau, nhưng cũng quá ngắn vì hối hả trong sự tham lam vô độ. Có những con người dành dụm lặng lẽ và khó nhọc như nhịp giọt mồ hôi rơi xuống, toả sáng trong cần lao. Và cũng có những con người dành dụm bằng nhịp chạy của đôi giày được đánh bóng, giẫy đạp trên lưng đồng loại mình, với mưu tính và quyền lực.”
Người già trên phố, biết đâu trong số họ có những người đã từng nghĩ về mai sau mà cầm súng ra chiến trường chiến đấu. Vậy thế hệ của chúng ta, đã có ai cúi mặt tự hỏi cả gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, đất nước như trong một đoạn phim quay chậm, hòn ngọc Viễn Đông xìn màu theo năm tháng với nạn trộm cướp ngày một tăng cao, già trẻ ăn xin đầy đường, và đáng báo động hơn là cả triệu con người vẫn cứ điềm nhiên chấp nhận một cuộc sống như thế quanh mình.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment