Mặc Lâm, biên tập viên RFA, 2015-09-21
Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban công lý hòa bình của Hội đồng giám mục -File photo
Trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này Đức Giáo Hoàng Phăng Xi Cô (Francis) được giáo dân Việt Nam khắp nơi đổ về chào đón một cách nồng nhiệt, trong đó có phái đoàn đến từ Việt Nam gồm Tổng giám mục Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Ủy ban công lý hòa bình của Hội đồng giám mục.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã dành cho Mặc Lâm cuộc phỏng vấn xoay quanh những vấn đề mà giáo dân Việt Nam quan tâm nhất.
Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục không riêng gì Việt Nam mà giáo dân hầu hết khắp thế giới đều tỏ ra yêu quý đặc biệt với Đức Giáo hoàng Fransis bởi thái độ thân thiện, gần gũi người nghèo và đặc biệt quan điểm của ngài có vẻ cởi mở hơn các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Giám mục có chia sẻ gì về việc này.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Thực ra những phân biệt đó đại đa số giáo dân Việt Nam vẫn chưa phân biệt nhưng hầu hết giáo dân Việt Nam đều yêu mến Đức Thánh Cha, không phải chỉ Đức Thánh Cha này mà tất cả các Thánh Cha trước. Mỗi lần Đức Khâm sứ đi thăm một nơi nào đó thì luôn luôn giáo dân xin Đức Khâm sứ chuyển lời cầu nguyện của họ tới Đức Thánh Cha.
Giáo dân Vinh càng có một nét đặc biệt hơn trong sự gắn bó với Tòa thánh, với Đức Thánh cha. Có lẽ một số người họ đọc mạng nhiều thì họ mới phân biệt được sâu sắc khác biệt đó
Mặc Lâm: Vâng, Đức Giám mục là người chăn dắt giáo phận Vinh từ bấy lâu nay, qua việc nhà nước thả một số anh em thanh niên công giáo bị bắt trước đây, cũng như việc cho phép xây dựng các cơ sở của công giáo liệu có phải là một hành động hòa giải của nhà nước đối với giáo phận Vinh nói riêng và với giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung hay không?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi cũng nhận xét như vậy, cũng đồng ý với một số người qua cái động thái này. Trước đây vào cái ngày quốc khánh của Việt Nam thì thấy rằng trong số người được tha thì những tù nhân lương tâm hầu như vắng bóng nhưng hôm nay thì ta thấy rằng đó là một động thái mà anh làm truyền thông anh đã thấy.
Trong những năm vừa qua ở Vinh có vụ Tam Tòa đã đưa đến những xô xát đổ máu không cần thiết rồi sau đó có vụ Con Cuông và trong thời gian dài thì Trung Quán cũng là một nơi mà giáo dân luôn luôn đấu tranh để có một chỗ xây nhà thờ đề cử hành thánh lễ.
Rất nhiều lần giáo dân dựng lên một cái lều tạm nhưng lại bị phá đi, có những lần giáo dân đành phải đứng dưới mưa, giữa nắng để tham dự thánh lễ…thì hôm nay ba nơi đó đã được cấp đất: Tam Tòa, Trung Quán và Con Cuông. Riêng Trung Quán thì đã đặt viên đá đầu tiên thì đó là những điều chúng tôi nghĩ là cử chỉ rất đẹp và có lẽ trong tiến trình để công bố Luật Tín ngưỡng Tôn giáo thì có lẽ đây là động thái đáng trân trọng.
Mặc Lâm: Vâng, quay lại với chuyến công du của Đức Thánh cha sang Mỹ, và đức Giám mục hiện cũng đang có mặt tại Washington DC để diện kiến Đức Thánh cha. Ngài nghĩ thế nào về những điều mà một số người cho rằng Đức Thánh cha có vẻ cởi mở hơn, thông thoáng hơn trước vấn đề phá thai mà tất cả các vị tiền nhiệm đều cương quyết cấm đoán?
Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Tôi nghĩ rằng có một vài hiểu lầm hay có vài giải thích không đúng ý Đức Thánh cha và nhiều khi những giải thích đó gây hiểu lầm, hay những giải thích đó có vài ý tưởng xuyên tạc.
Thực sự ra quan điểm của Giáo hội, quan điểm của Đức Giê Su thì luôn luôn ngài phân biệt giữa “tội” và “tội nhân”. Đức Giê su đã đến trần gian này để cứu rỗi và chiến đấu chống lại tội lỗi. Để chiến đấu và chiến thắng chống lại tội lỗi ngài đã hy sinh chính bản thân ngài. Tuy nhiên thái độ của ngài đối với tội nhân rất từ bi nhân hậu.
Câu chuyện điển hình là câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” bị đưa ra để ném đá và người ta hỏi Chúa xử thế nào đối với thứ phụ nữ này. Đức Giê su đặt câu hỏi: “Ai không phạm tội, ai vô tội thì hãy ném đá người này trước đi”. Tức là tất cả chúng ta đều là tội nhân, đều phạm khuyết điểm nhưng nhiều khi chúng ta rất khắc nghiệt, gay gắt và cường điệu đối với những người tội nhân. Những tội nhân bị bắt quả tang như chuyện người phụ nữ đó.
Đức Giáo Hoàng hôm nay cũng đang thực hiện sự phân biệt đó một cách rõ nét.
Tôi nhớ sau Vatican II thì có một phong trào thần học nhấn mạnh đến lòng Chúa thương xót. Có những chuyện chúng ta không giải quyết được mà phải để cho lòng Chúa thương xót thôi. Cái hướng đi thần học đó lúc ấy chưa được chấp nhận và hôm nay tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang đặt nặng vai trò của lòng Chúa thương xót.
Tất cả đều do sự thương xót của Chúa thành thử trở lại chuyện phá thai thì đối với Giáo hội hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một tội. Bởi vì giết chết một con người, một bào thai, một mầm sống hơn nữa mầm sống ấy là mầm sống của chính bản thân mình, của đứa con của mình thì không thể coi như là một hành động gương mẫu và luôn luôn giáo hội sẽ kết án hành động đó.
Thái độ của những người vì hoàn cảnh đặc biệt, vì một lý do nào đó mà phạm tội (phá thai) thì Đức Giáo Hoàng muốn nới rộng lòng từ bi, hay đúng hơn cách xử lý chuyện đó. Trước đây để tha tội về phá thai thì phải là Giám mục hay một vài người đặc biệt được Giám mục cho phép. Năm nay đặc biệt trong “Năm thánh lòng Chúa thương xót” Đức Giáo hoàng muốn nới rộng biện pháp pháp lý, biện pháp hành chánh đó cho tất cả các linh mục và ngài cũng yêu cầu các linh mục nói cho tội nhân họ hiểu rằng vấn đề phá thai là một tội, là một vấn đề không thể chấp nhận được và kêu gọi ăn năn sám hối.
Nhưng đối với Giáo hội thì Giáo hội muốn người ta hưởng được lòng Chúa thương xót qua biện pháp nhanh chóng dễ dàng nhất. Thành thử ở đây phân biệt giữa hai cái “tội”, thái độ đối với tội và “tội nhân”. Đối với tội thì hôm qua cũng như hôm nay chúng ta không thể chấp nhận. Đức Giê su đã chết để chiến thắng tội lỗi nhưng đối với tội nhân thì ngài rất từ bi nhân hậu.
Đức Giáo Hoàng muốn đi trong đường hướng đó, chính vì vậy ngài mở năm thánh của “lòng Chúa thương xót”.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp.
No comments:
Post a Comment