Quỳnh Hương (VNTB) Đã đến lúc cần coi lại cách chúng ta nhìn về “lợi nhuận” do đầu tư FDI mang lại, lợi nhuận, không phải từ một cơ sở nhà máy, hạ tầng phục vụ “lắp ráp, gia công”, mà phải đến từ việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa.
Samsung, gã khổng lồ công nghệ có nhà máy điện thoại tại Bắc Ninh (Việt Nam), và sản xuất ra sản phầm là “hàng Việt Nam”, báo infonet dẫn lời ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết.
Trong nội dung bài viết, còn cho biết, ông Quyền lấy dẫn chứng từ cuốn tài liệu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam xuất bản, trong đó nêu rõ “hàng hóa lắp ráp, sản xuất và dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam không phải hàng nhập khẩu là hàng Việt Nam”. Từ đó, đi đến một kế luận là: Samsung hay các doanh nghiệp FDI khác có những đóng góp quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam thì được coi là hàng Việt Nam.
Samsung hay “xuất khẩu tư bản”
Samsung – một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2015, doanh nghiệp này rót thêm 3 tỷ đô-la vốn đầu tư cho dự án Công ty Samsung Display Việt Nam với “mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình.” Và chính số vốn này đã khiến “vực dậy” dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các công ty công nghệ khác khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam, sự chuyển dòng vốn từ Hàn Quốc và Trung Quốc sang Việt Nam là nhờ vào chính sách ưu đãi và nhân công giá rẻ. Điều này dẫn đến việc, các doanh nghiệp như Samsung chủ yếu vẫn thực hiện “gia công, lắp ráp”, linh kiện vẫn phải nhập từ bên ngoài vào, và tất nhiên là sự chuyển giao công nghệ cho Việt Nam là cánh cửa hẹp. Nó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp Hàn Quốc này đặt nhà máy ở Việt Nam chính là sự tráo đổi nhưng bất ngang bằng, giá trị ưu đãi chính sách thuế, đất đai và lượng nhân công giá rẻ là “có” nhưng việc được chuyển giao công nghệ từ phía nhà đầu tư cho các doanh nghiệp chủ nhà (Việt Nam) là hiếm hoi, nếu như không muốn nói thẳng ra là “không có” – một thiệt thòi cho phía nước ta trong tráo đổi lợi ích đầu tư, chứ không đơn thuần chỉ nhìn một phía là đóng góp nền kinh tế Việt Nam thông qua thuế và việc làm.
Theo quan điểm Kinh tế Chính trị Mác – Lênin, thì Samsung chính là gương điển hình về xuất khẩu tư bản, với sự lợi dụng giá rẻ nhân công, ưu đãi đầu tư, và sự chi phối môi trường kinh tế đất nước còn đang kém phát triển như Việt Nam.
Vào năm 2014, báo chí dẫn kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012. TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thừa nhận, có sự “cân nhắc” thay vì quyết định là vì “Việt Nam vẫn hấp dẫn vì Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, rẻ và học nhanh – điều mà các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhỏ đều mong muốn có được khi tham gia đầu tư vào bất kể quốc gia nào”. Nhưng, lực lượng lao động giá rẻ, trẻ liệu có duy trì được lâu, khi theo dự báo của Tổng Cục thống kê, năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “dân số già”, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) không ngừng tăng. Trong khi đó, cải cách thể chế đang được tính toán, nhưng tốc độ triển khai chỉ thực sự “quyết liệt” trong các Diễn đàn Kinh tế mùa xuân và mùa thu được tổ chức hằng năm?
Cần phải nhắc lại, Việt Nam đang đi theo đường Trung Quốc trong việc trở thành “công xưởng” thế giới như cách mà nước bạn đã thực hiện cách đây 3 thập niên, tuy nhiên giá trị công xưởng đang bão hòa, và khi Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi” bằng việc xây dựng các tập đoàn công nghệ, đầu tư trong việc tạo ra chuỗi công nghệ làm nền tảng cho nội lực của nền kinh tế thứ hai thế giới, thì các doanh nghiệp FDI – vốn trước đó lợi dụng thị trường đông và nhân công giá rẻ giờ đây lũ lượt rời bỏ khỏi Trung Quốc và chuyển dần đến Việt Nam. Vấn đề cần nhấn mạnh là, trong khi Trung Quốc đối phó với sự dịch chuyển dòng vốn FDI bằng sự chủ động, thì Việt Nam ta đối phó nó bằng sự thụ động thông qua ưu đãi hết mình đối với khối doanh nghiệp này, điển hình nhất là Samsung, và với quan điểm hàng Việt Nam của ông Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thì tính chất “nuông chiều” (gần như lệ thuộc) trong ưu đãi càng được dịp tăng lên.
Cần phải xác định, hàng Việt Nam phải là sản xuất tại Việt Nam, bởi một doanh nghiệp Việt, và doanh nghiệp đó phải nắm lấy chuỗi công nghệ (tư liệu sản xuất) tức là “made by Vietnam” (tạo bởi người Việt) chứ không phải “made in Vietnam” (làm tại Việt Nam). Không cho phép bất kỳ ai, đặc biệt là các quan chức thương mại tiếp tục tìm cách phát triển kinh tế trong sự ưu đãi, nhất là những quan chức Bộ Công thương thông qua việc hạ bật chuẩn về mặt “hàng Việt Nam”, dựa trên các quan điểm chưa thực sự rõ ràng trong cuốn tài liệu “Người Việt dùng hàng Việt”. Bởi nó sẽ khiến cho Việt Nam rơi vào “bẫy hàng FDI”, khi hàng FDI hóa giá thành hàng Việt, và các chương tình hỗ trợ cho nền kinh tế nội địa bỗng nhiễn chắp thêm cánh cho khối hàng hóa “lắp ráp, gia công ở Việt Nam” vì nhiều vị quan chức mặc định nó là “hàng Việt”.
Ngay như cách GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng, “không nên phân biệt hàng của DN trong nước và FDI vì những sản phẩm đầu tư nước ngoài với điều kiện như cơ sở hạ tầng, điện, chi phí giao thông của Việt Nam; sản phẩm góp phần GDP, xuất khẩu của Việt Nam thì không có lý gì coi đó là hàng ngoại” là sai về mặt nguyên tắc nhận diện “hàng hóa”. Bởi như đề cập trên, hàng hóa sản xuất tại các công ty FDI được xem như sản xuất tại Việt Nam (chứ không phải hàng Việt Nam), và tất nhiên, nó đóng góp nhiều hơn cho “mẫu quốc” thay vì một nước mà nó đóng tại nhà máy, trong khi đó, cần phải nhận diện thẳng thắn là, nó (nhà máy Samsung) hoàn toàn không giúp ích gì cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nếu như nó không chuyển giao công nghệ, và điều này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Chỉ khi FDI chuyển giao công nghệ thì mới là “hàng Việt”
Rõ ràng, chúng ta thẳng thắn và công bằng với chính nền kinh tế Việt Nam, khi nhận diện nó là “hàng Việt Nam” hay “hàng được sản xuất tại Việt Nam”, nếu việc nhập hai khái niệm trên vào làm một, thì vô tình chúng ta sẽ làm lũng đoạn nền kinh tế ngay từ khái niệm thiếu rõ ràng, cân nhắc và bị hỏa mù bởi “lợi nhuận thuế và việc làm” từ FDI.
Trong một câu chuyện khác, ngành dệt may – một ngành chủ lực tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất, với việc hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, và 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành này được xuất vào các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn đang lúng túng thì các doanh nghiệp dệt may từ các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Trung Quốc đã nhanh chóng tìm cách “đầu tư vốn” (FDI) vào ngành này tại Việt Nam để xây nhà máy…. Nhằm tận dụng cơ hội từ TPP và nguồn lao động giá rẻ để sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam sau đó xuất ngược về nước họ. Như vậy, lợi nhuận tưởng chừng nảy sinh tại Việt Nam và được hưởng lợi thì thực tế, nó được xoay vòng và chuyển về “mẫu quốc”, trong khi đó việc chuyển đổi công nghệ bị các nhà đầu tư “bỏ qua”. Tương tự như cách Samsung đang tiến hành đầu tư tại Việt Nam.
Samsung được quan chức Việt Nam xem là "hàng Việt"?
|
Trong báo cáo kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra từ các năm 2010 - 2014”, cho biết: Khoảng 80% chuyển giao công nghệ thường đến từ các doanh nghiệp trong nước trong 5 năm qua, nếu xem xét cả doanh nghiệp trong cùng ngành và khác ngành. Và các công ty nước ngoài và các lĩnh vực khác chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Điều này cho thấy rằng, Việt Nam “thừa” ưu đãi, nhưng đổi lại “kỳ vọng” về sự chuyển giao công nghệ là con số quá khiêm tốn. Như vậy, chúng ta không có lý do gì để tiếp tục coi Samsung và các doanh nghiệp FDI là “hàng Việt Nam”, vì điều này sẽ tạo điều kiện vô cùng lớn cho họ trong tiệm cận PR sản phẩm, đánh vào lòng tự tôn của người Việt Nam, để đẩy mạnh lợi nhuận, và ở chừng mực nào đó cho thấy, ngân sách nhà nước dành cho chương trình người Việt dùng hàng Việt sẽ phục vụ cho sản phẩm FDI được đóng mác “Việt” .
Và cũng đến lúc cần coi lại cách chúng ta nhìn về “lợi nhuận” do đầu tư FDI mang lại, lợi nhuận đó không nên hướng tới một cơ sở nhà máy, hạ tầng phục vụ “lắp ráp, gia công”, mà phải đến từ tốc độ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa.
Và cũng đến lúc cần coi lại cách chúng ta nhìn về “lợi nhuận” do đầu tư FDI mang lại, lợi nhuận đó không nên hướng tới một cơ sở nhà máy, hạ tầng phục vụ “lắp ráp, gia công”, mà phải đến từ tốc độ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa.
No comments:
Post a Comment