Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2015-08-28
Công an giữ trật tự tại phiên xử LS Lê Quốc Quân hôm 18/2/2014-AFP photo
Một số nhà hoạt động tại Việt Nam hôm nay sau khi đến thăm cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật mới mãn án tù vào ngày hôm qua bị chặn đánh trên đường trở về.
Gia Minh hỏi chuyện một trong những nạn nhân là chị Trần Thị Nga vào lúc11 giờ sáng ngày 28 tháng 8 và chị kể lại sự việc:
Chúng tôi là những người bạn đến nhà Trần Minh Nhật để đón anh ra tù vào ngày 27 tháng 8 năm 2015; hôm nay chúng tôi đón xe để về nhà thì trên đường từ nhà Trần Minh Nhật đến xã Nghĩa Thắng, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi bị một lực lượng công an tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà đi theo chúng tôi và dừng chúng tôi lại tại xã Nghĩa Thắng. Họ mặc thường phục và trèo lên xe đánh chúng tôi. Bên ngoài họ mặc thường phục nhưng bên trong vẫn là quần áo công an xã. Trong số những người đánh chúng tôi hôm nay, hôm qua tại ủy ban nhân dân xã chúng tôi có quay phim, chụp ảnh được mặt của những người đó. Hôm qua tại ủy ban xã họ cùng đàn áp mẹ, chị và em gái của Trần Minh Nhật khiến bị ngất xỉu ngay tại ủy ban xã.
Chính những người công an- những người thi hành nhiệm vụ, thi hành pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách trắng trợn như thế là không thể chấp nhận được.
- Chị Trần Thị Nga
Chúng tôi có 3 đoàn đi theo ba hướng khác nhau: một đoàn đi Daklak đến giờ này chưa bị vấn đề gì, một đoàn đi Sài Gòn trên nửa đoạn đường cũng bị công an giả dạng côn đồ đánh đập rất dã man, trong đó có cô giáo Bích Hạnh và cháu bé cũng bị đàn áp trong đoàn đó; còn đoàn chúng tôi gồm 10 người, trong đó có giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn, cựu tù nhân Trương Minh Tam và tôi là Trần Thị Nga, những người bị đánh nhiều nhất. Họ đánh và lục đồ của chúng tôi.
Khi chúng tôi bị đánh có một số người dân ở đó ra hỗ trợ chúng tôi và nói họ biết những người đánh chúng tôi: đó là công an huyện Lâm Hà. Tôi có quay phim người nhân chứng xác nhận điều đó."
Chính quyền vi phạm pháp luật
Gia Minh: Tình hình đến lúc này thế nào rồi? Họ vẫn cho mọi người đi?
Chị Trần Thị Nga: Sau khi họ đánh chúng tôi và người dân đi đường vào can thiệp thì lực lượng công an giả dạng côn đồ đã bỏ đi. Hiện nay một số người vì công việc nên phải về nhà, còn chúng tôi đang trên đường đến một hiệu thuốc hoặc một chỗ để chăm sóc vết thương cho bạn Chu Mạnh Sơn vì bị chảy máu rất nhiều và dưỡng sức một chút rồi chúng tôi mới có quyết định làm gì tiếp. Nhưng đặc biệt chúng tôi cần phải đưa vụ việc công an giả dạng côn đồ đánh chúng tôi như thế này thứ nhất ra công luận, ra quốc tế và đặc biệt ra pháp luật của Việt Nam. Chính những người công an- những người thi hành nhiệm vụ, thi hành pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách trắng trợn như thế là không thể chấp nhận được.
Gia Minh: Bản thân chị cũng từng có những lần bị đánh như vậy và việc khiếu nại trước hết với cơ quan công quyền ra sao và được trả lời như thế nào?
Chị Trần Thị Nga: Ngày 25 tháng 5 năm 2014, khi tôi đang bế con trên tay và đặc biệt đang cho con bú, thì tôi bị 5 công an dùng hung khí là những tuýt khung sắt đánh tôi gãy chân. Hình ảnh những người đánh tôi đều có quay phim, chụp ảnh được những tên côn đồ đó. Tôi đã làm đơn gửi công an Thành phố Hà Nội cũng như nơi tôi bị đánh là công an huyện Thanh Trì, và Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao. Ông Nguyễn Duy Thuần, vào năm 2014, sau khi xem đơn cũng như các bằng chứng video, hình ảnh những kẻ đánh tôi, ông ta nói không nhận đơn củng như bằng chứng vì ‘tôi đi đấu tranh nhân quyền công an đánh cho là phải’.
Phía công an huyện Thanh Trì và công an Hà Nội đưa cho tôi quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì không xác minh được hung thủ. Tôi hỏi tại sao không xác minh được hung thủ khi mặt được cung cấp đầy đủ, chính người công an thụ lý hồ sơ của tôi nói ngay tại công an huyện Thanh Trì rằng ‘mày câm mồm đi, mày có biết bố mày đánh mày không’.
Vì sao họ dùng vũ lực?
Gia Minh: Sự việc đã xảy ra với bản thân chị và lại tiếp tục xảy ra, thì chị thấy tiếp tục cách khiếu nại, làm đơn gửi chính quyền như vậy có hữu hiệu không?
Chị Trần Thị Nga: Tôi biết những việc làm của ngành công an vi phạm pháp luật đối với bản thân chúng tôi. Điều đó cho thấy chính ngành công an và chính quyền cộng sản hiện nay họ đang thua về pháp lý nên họ dùng vũ lực với chúng tôi liên tục như thế. Việc họ đánh đập tôi và trả lời không thụ án hồ sơ vụ án như vậy, tôi thấy việc làm của tôi vẫn có giá trị vì vào tháng 7 năm 2015, Liên Hiệp Quốc có làm việc với chính phủ Việt Nam về quyền của người phụ nữa và trẻ em.
Khi đó phó ban Liên Hiệp Quốc về quyền phụ nữ và trẻ em có lên tiếng chất vấn chính phủ Việt Nam về vụ án của tôi liên tục bị đánh và chính quyền Việt Nam nói không hề biết đến vụ việc của tôi. Lúc đó tôi cung cấp cho phái đoàn Liên hiệp quốc những bằng chứng về vụ việc ông Nguyễn Huy Thuần, Viện Kiểm sát Tối cáo trả lời và những bằng chứng, những giấy tờ, công văn bên phía công an, cũng như Viện Kiểm Sát trả lời tôi về vụ án đó. Cho đến nay phía chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời cho Liên Hiệp Quốc vè vụ việc của tôi.
Chính ngành công an và chính quyền cộng sản hiện nay họ đang thua về pháp lý nên họ dùng vũ lực với chúng tôi liên tục như thế.
- Chị Trần Thị Nga
Tôi thấy chúng tôi làm vấn đề pháp lý mặc dù công an, tòa án có vụ trả lời tôi là ‘chị không được phép kiện công an vì công an là cơ quan hành chính của nhà nước, công an có quyền cướp tài sản, đánh đập người dân nhưng người dân không có quyền khiếu kiện.’ Đó là câu của chánh án tòa án Phủ Lý và tôi có ghi âm được.
Gia Minh: Tất cả những hành động bị sách nhiễu, đánh đập đến thương tích như vừa qua đối với nhiều người hoạt động và bản thân chị có tác động gì?
Chị Trần Thị Nga: Là con người chúng tôi bị đánh đập thương tích, đó là những vết thương trên cơ thể, và cũng có thể nói đó là những vết thương về tâm hồn; bởi vì một con người không ai muốn cơ thể của mình bị hành hạ và tâm hồn của mình bị căng thẳng. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã dùng vũ lực để đàn áp người dân cũng như chúng tôi những người dám dấn thân đâu tranh cho công lý và sự thật mà không lên tiếng nói lên sự thật này thì còn nhiều người dân Việt Nam còn bị đánh đập, bị cướp đi quyền của mình. Tôi thấy mình cần phải lên tiếng không phải để bảo vệ quyền căn bản của mình mà bảo vệ quyền căn bản của những đứa trẻ, những người già không đủ khả năng để bảo vệ quyền của họ.
Gia Minh: Xin chân thành cám ơn chị Trần Thị Nga.
No comments:
Post a Comment