Friday, August 28, 2015

Nên tổ chức tuyển sinh Đại học, Cao đẳng như thế nào?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-08-28
000_Hkg4129865.jpg
Một sinh viên cầm cờ đảng cộng sản tại một cuộc diễu hành ở Hà Nội.-AFP photo

Trước đây, học sinh năm cuối của bậc trung học phổ thông muốn học tiếp Đại học phải trải qua hai kỳ thi: Tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh Đại học. Trong lúc kỳ thi tốt nghiệp PTTH bị coi là vô ích, kỳ thi tuyển sinh Đại học bị coi là quá căng thẳng và lãng phí.
Năm 2015, hai kỳ thi nói trên đã được Bộ GD&ĐT gộp lại làm một trong khuôn khổ một kỳ thi PTTH quốc gia. Theo cách tuyển sinh mới này sau khi các thí sinh có điểm rồi mới tham gia xét tuyển vào Đại học. Không chỉ thế, mọi năm thí sinh chỉ có một bộ hồ sơ, trượt là không có cơ hội thứ hai, thì năm nay các em được quyền rút hồ sơ, được thay đổi lựa chọn ban đầu.
Nhận xét về cuộc thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015, ông Hoàng Oanh, một chuyên gia giáo dục ở Hà nội ghi nhận:
“Cách làm này cũng tiến bộ hơn, gần giống như cách làm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Kết quả của kỳ thi năm nay phản ảnh gần với sự thật hơn về trình độ của học sinh, là những con số đã đáng tin cậy hơn. Điều đáng ghi nhận nữa của kỳ thi là cho học sinh sau khi biết điểm thi mới đăng ký vào khoa hay trường Đại học, Cao đẳng, như vậy, giúp các em được chủ động hơn.”
Tuy vậy, việc rất nhiều thí sinh đã phải chạy như con thoi từ trường này sang trường khác, chen chúc chờ đợi nộp và rút hồ sơ; nhiều phụ huynh đã phải bỏ công việc, mất ăn mất ngủ để cùng con tính toán điểm, lựa chọn trường. Bà Huệ ở Thái nguyên, một phụ huynh có con tuyển sinh vào Đại học năm nay cho biết:
“Thi đợt vừa rồi xong là phải bàn tán nhau xem là kế hoạch đăng ký (tuyển sinh Đại học) như thế nào, phải bỏ công bỏ việc để đưa các cháu đi chứ để các cháu đi một mình thế nào được? Tưởng là giảm tải nhưng chả giảm được tý nào, mà còn mệt mỏi hơn.”
Tưởng là giảm tải nhưng không giảm tải, tưởng là tiết kiệm tiền nong nhưng hóa ra không phải. Tôi không hiểu tại sao cho đến bây giờ họ vẫn nói đấy là cách tuyển sinh ưu việt giúp cho học sinh.
- Một Giáo sư 
Chính vì thế, nhiều người đánh giá nửa chặng đầu kỳ thi THPT quốc gia diễn ra suôn sẻ, nhưng chặng sau xét tuyển vào các trường Đại học lại phát sinh nhiều rắc rối, gây nên nhiều xáo trộn. Một Giáo sư thuộc Hội đồng Giáo dục Quốc gia, không muốn nêu danh tính nhận xét:
“Tưởng là giảm tải nhưng không giảm tải, tưởng là tiết kiệm tiền nong nhưng hóa ra không phải. Tôi không hiểu tại sao cho đến bây giờ họ vẫn nói đấy là cách tuyển sinh ưu việt giúp cho học sinh. Tôi nghĩ rằng cách tổ chức thi như thế này không giải quyết được bất cứ cái gì hết, mà chỉ rối rắm hơn thôi.”
Theo VnExpress cho biết, ngày 21/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên đã gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Nguyên do chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Tuy vậy, GS. Ngô Bảo Châu thì cho rằng cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Theo ông, nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.
Trả lời câu hỏi “Nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thế nào vừa phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đảm bảo chất lượng và sự công bằng?”
Nếu các trường Đại học có quyền tự chủ
Bộ GD&ĐT đã can thiệp quá nhiều, quá sâu vào quy trình xét tuyển của các trường đại học, là nguyên nhân gây ra rối rắm như vừa qua. Vị Giáo sư thuộc Hội đồng Giáo dục Quốc gia khẳng định:
tieu-de-716-1439542649-400.jpg
Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh minh họa
“Cái căn bản nhất như của phương Tây và các nước khác là quyền tự chủ là của trường Đại học. Cái quyền tự chủ là điều hết sức quan trọng, ví dụ như cùng một môn toán nhưng mục tiêu ra trường của mỗi trường là khác nhau. Vì vậy phải giao quyền tự chủ cho trường Đại học đó họ ra đề gì để phù hợp với nghề nghiệp đó.”
Nói về phương án tuyển sinh Đại học mới, ông cho biết:
“Các trường Đại học có mục tiêu đào tạo khác nhau lắm, cho nên phải để cho họ tự chủ, kể cả trong việc tuyển sinh. Vì họ đã có khả năng đào tạo 4 hay 5 năm gì đó với giáo trình giảng dạy của họ, thì họ cũng có thừa khả năng để tuyển sinh vào. Nếu chúng ta giao quyền tự chủ cho các trường Đại học trong công tác tuyển sinh thì sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề.”
Giải pháp giao quyền tự chủ cho các trường Đại học sẽ là nguyên nhân và mầm mống dẫn đến việc chạy điểm và gian lận trong tuyển sinh. Ông Hoàng Oanh cảnh báo:
“Nguời Việt Nam ta có câu tục ngữ: “Đừng thấy đỏ ngỡ là chín”. Hai tiếng “tự chủ” nghe rất hay, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay ở VN, không thể để cho các trường hoàn toàn tự chủ vì sẽ dẫn tới cảnh “tự tung tự tác”, các trường sẽ chỉ tự lo cho quyền lợi của các “nhóm lợi ích” trong trường. Khi ấy, không cần học lực, chỉ cần quen biết là có thể đỗ. Nên nhớ, trước năm 2002 tình trạng này đã từng xảy ra. Và chỉ nhờ có chấn chỉnh bằng kỳ thi “ba chung”, việc thi cử, tuyển chọn mới nghiêm túc hơn và chuyện “chạy cửa sau” đã khó thực hiện.”
Nếu chúng ta giao quyền tự chủ cho các trường Đại học trong công tác tuyển sinh thì sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
- Một Giáo sư
Bộ GD&ĐT vẫn phải giữ vai trò trung tâm trong việc quản lý trên cơ sở tổ chức một kỳ thi ba chung, đó là: Chung đề, chung thời gian và sử dụng chung kết quả thi. Còn lại việc tuyển chọn thì giao thẳng cho các trường Đại học chịu trách nhiệm. Ông Hoàng Oanh nhận định:
“Nên vẫn giữ cách tổ chức “hai trong một” như vừa qua, Bộ vẫn quản lý việc thi tuyển (ra đề thi, quản lý dữ liệu thi), đến khâu tuyển chọn thì giao cho các trường trên cơ sở kết quả thi do Bộ công bố. Các trường Đại học nhận đăng ký của thí sinh, mỗi thí sinh chỉ được nộp vào một trường để tránh hiện tượng “ảo” gây lộn xộn. Trường nào nhận đủ thì công bố điểm xét tuyển. Học sinh chưa trúng hoặc đã trúng tuyển nhưng muốn thay đổi nguyện vọng có thể rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Sau 1 thời gian thì Bộ tuyên bố kết thúc. Quá trình này, Bộ cần tăng cường kiểm tra để đảm bảo công bằng. Thế là đủ!”
Câu hỏi này đã được chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì bà Phụng đã từ chối trả lời.
Để có được một phương án tuyển sinh thật tốt và đạt hiệu quả trong các năm tới thì trước hết Bộ GD&ĐT phải có giải pháp về cán bộ. Ông Hoàng Oanh đề nghị:
“Trước hết, Bộ cũng như các trường Đại học, Cao đẳng, các Sở phải cải cách con nguời. Cán bộ phải được lựa chọn là những nguời có năng lực, tinh thông nghiệp vụ và liêm chính. Có như thế mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.”
Để có lực lượng cán bộ như đề nghị vừa nêu cần có thời gian đào tạo và hướng tuyển sinh mà Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam vừa áp dụng cũng cần nghiên cứu, chuẩn bị thật đầy đủ trước khi thực hiện tránh những bất cập như vừa qua.

No comments:

Post a Comment