Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Một chuyên gia về Việt Nam đã đặt câu hỏi đó trong một bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm nay 6/7, giữa lúc Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến công du chính thức tới Washington.
Giáo sư Carl Thayer trích các nguồn tin ngoại giao nói rằng Việt Nam đã dồn nỗ lực vận động để vượt qua được một số khó khăn về mặt nghi thức, Hà Nội kiên trì vận động để Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nghênh tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc, trong khi trong tư cách là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng không có người “tương nhiệm” trong hệ thống chính trị Mỹ.
Theo các nguồn tin ngoại giao thì Tổng Bí Thư Trọng sẽ được Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc, sau đó Tổng Thống Obama sẽ tham gia các cuộc thảo luận. Có tin nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ gặp bà Hillary Clinton, nhân vật có triển vọng nhất có thể được đề cử làm ứng viên của Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Giáo sư Thayer nhận định rằng cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí Thư Trọng và Tổng Thống Obama có ý nghĩa đặc biệt bởi vì cả hai nhà lãnh đạo đều sẽ rời chức vụ trong năm tới. Ông Thayer nói bất cứ sự đồng thuận nào mà hai ông đạt được trong lần gặp gỡ này sẽ đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Việt giữa lúc hai nước trải qua một giai đoạn chuyển tiếp chính trị, với thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất.
Năm 2013, Tổng Thống Obama và vị tương nhiệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Hiệp định Đối tác Toàn diện, và đây sẽ là văn kiện chủ yếu làm khung cho các quan hệ song phương.
Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, đại hội này sẽ thông qua chiến lược 5 năm tới.
Theo dự kiến Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ ghé thăm Washington sau khi đến dự phiên họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Chủ tịch Ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tới thăm thủ đô Washington.
Giáo sư Thayer nói trong bối cảnh hệ thống làm quyết định của Việt Nam luôn bị che giấu dưới màn bí mật, giới phân tích quốc tế bình luận về sự hiện diện của hai phe cánh trong Bộ Chính Trị, với một bên là phe bảo thủ, trong đó có Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, và phe cải cách, trong đó có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, là nhân vật được tin là đang tìm cách thắt chặt các quan hệ kinh tế và có thể quan hệ an ninh với Hoa Kỳ. Giáo sư Thayer nói có tin rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đang vận động chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội dảng sắp tới.
Theo Giáo sư Thayer thì sự khác biệt quan diểm trong các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị phức tạp hơn, không chia rõ rệt thành phe thân Trung Quốc hay phe thân Mỹ, mà sự khác biệt chủ yếu là trên sự đánh giá về cách xử lý các quan hệ với các cường quốc như thế nào để đừng phương hại tới các lợi ích của quốc gia.
Trong khi đó Việt Nam coi cuộc gặp giữa Tổng Thống Barack Obama và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như là một hành động công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam, và sẽ dọn đường cho những chuyến công du tương tự trong tương lai.
Báo Washington Post hôm nay đăng bài viết của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng chuyến công du Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “là tín hiệu cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với lựa chọn về thể chế chính trị của Việt Nam”.
Ông Quân thừa nhận là có sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị, nhưng điều quan trọng là hai nước đã “tìm cách để tiến bước theo cùng hướng, đó là một nền kinh tế thị trường, bảo vệ mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư, hòa bình và ổn định trong các vấn đề quốc tế”.
Hãng tin AP tường thuật rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một khó khăn chủ yếu, giữa lúc chiến dịch đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam tác động tới sự ủng hộ chính trị tại quốc hội Hoa Kỳ cho tiến trình thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà các chuyên gia cho là không những mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh của Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông.
AP dẫn lời ông John Sifton, đại diện của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ở Washington, nói rằng Tổng Thống Obama nên được hoan nghênh vì đã tiếp tục gây sức ép với Hà Nội, đòi phóng thích tù chính trị, tôn trọng quyền người lao động và tự do tôn giáo, nhưng ông nói vấn đề nằm ở chỗ những đòi hỏi đó đã không được đáp ứng đúng mức.
Ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận có những khác biệt quan điểm với Washington về vấn đề dân chủ, nhân quyền và thương mại, nhưng ông nói nên duy trì các cuộc đối thoại một cách cởi mở và xây dựng, để không cản trở các quan hệ song phương.
06.07.2015
Theo The Diplomat, The Washington Post,VOA
No comments:
Post a Comment