Hôm Chủ Nhật, 5 tháng Bảy, một ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng lên phi cơ sang Mỹ, trang mạng của chính phủ CSVN đăng tải bài trả lời phỏng vấn của ông Trọng với một số báo Mỹ, đều là cơ quan truyền thông nổi tiếng thế giới.
Trong đó, ông kêu gọi hai nước “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Mười 16 chữ vừa kể làm người ta nhớ lại “16 chữ vàng” mà lãnh tụ Trung Quốc Giang Trạch Dân đem ra 'dụ dỗ' cựu Tổng bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh rồi tiếp tục được tổng bí thư kế tiếp là Nguyễn Phú Trọng tuân thủ. Những chữ đó là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Việt Nam với Mỹ không phải là láng giềng vì nằm ở hai bên bờ Thái Bình Dương cách xa hơn chục ngàn cây số. CSVN với Mỹ là hai kẻ cựu thù. Mỹ là một nước dân chủ và tư bản ngược lại với nhà cầm quyền CSVN độc tài đảng trị nên ông Trọng kêu gọi “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Qua nội dung các câu hỏi và các câu trả lời, người ta thấy ông ngụy biện, dối trá về vấn đề nhân quyền trong sự cai trị hà khắc của chế độ. Ông nói với ký giả Mỹ rằng “Một số ý kiến chỉ trích về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua là thiếu khách quan và không có cơ sở.”
Bản phúc trình nhân quyền thế giới của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố cuối Tháng Sáu vừa qua, phần nói riêng về Việt Nam, nêu rất nhiều trường hợp cụ thể để chứng minh chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, không phải là “thiếu khách quan và không có cơ sở” như ông Nguyễn Phú Trọng cố cãi.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói ông và đảng cầm quyền không từ bỏ đường lối cai trị độc tài đảng trị và bám theo chủ nghĩa mác xít lỗi thời mà ông có dịp nhìn nhận cả trăm năm nữa không biết tới được thiên đường “xã hội chủ nghĩa” hay không.
Trong bài trả lời phỏng vấn, người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng lập lại chủ trương của đảng CSVN là “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Ông sợ Hoa Kỳ “diễn biến hòa bình” nên không quên rào đón trong bài trả lời phỏng vấn là muốn cùng với Mỹ “chung tay xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài” nhưng “trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Ông Nguyễn Phú Trọng hy vọng chuyến viếng thăm lịch sử của ông tại Washington DC là “góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước và tạo cơ hội để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương” mà theo ông, mặc dù “còn có những tồn tại khác biệt trên một số lĩnh vực như nhận thức về dân chủ, nhân quyền, thương mại…”
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trọng lập lại chính sách đối ngoại của Hà Nội là “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới...”
Điều này, ông bắn tiếng cho cả Mỹ và Trung Quốc biết rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục đu dây, chứ không phải ông sang Mỹ rồi bị Mỹ chèo kéo để theo Mỹ chống Trung Quốc.
Như tin đã loan, chuyến thăm Mỹ của phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào các ngày từ 6 đến 10 Tháng Bảy, 2015. Thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc nói Tổng Thống Barack Obama sẽ đón tiếp ông Trọng vào ngày Thứ Ba, 7, Tháng Bảy, 2015.
Ðây là lần đầu tiên, một tổng bí thư đảng CSVN được mời đến chính thức thăm nước Mỹ và thảo luận với tổng thống Mỹ ở Tòa Bạch Ốc như một thượng khách.
Chuyến thăm viếng của ông Trọng diễn ra sau ngay Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ và vài ngày trước dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao giữa hai kẻ cựu thù.
Việt Nam đã rất nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ toàn bộ lệnh cấm vận bán võ khí sát thương nhưng tới nay người ta mới chỉ thấy Washington gỡ bỏ lệnh cấm bán một số trang bị để Việt Nam nâng cao khả năng tuần tra biển. Nhiều viên chức Hoa Kỳ từng xác nhận, bãi bỏ thêm nữa lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam tùy thuộc vào tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam.
Lần đến Tòa Bạch Ốc vào ngày Thứ Ba, 7 Tháng Bảy tới đây của ông Nguyễn Phú Trọng, người ta tin ông sẽ lập lại lời kêu gọi đó và người ta chờ xem ông Obama nói gì về vụ này.
Một viên chức ngoại giao cao cấp không được nêu tên nói với thông tấn Reuters rằng, cuộc thảo luận giữa hai ông Barack Obama và Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc dự trù là “một cuộc thảo luận về triển vọng rất lớn.”
Chính vì thế mà Mỹ tiếp ông Trọng như tiếp một lãnh tụ quốc gia, không phải như tiếp một lãnh tụ đảng. (TN)
05-07-2015 3:16:49 PM
No comments:
Post a Comment