Ðồng hương Việt Nam biểu tình trước Tòa Bạch Ốc chống ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Mladen Antonov/AFP/Getty Images)
Mặc dù không giữ một vai trò nào chính thức trong chính quyền, trên thực tế, ông Trọng lại là nhân vật lãnh đạo số một tại Việt Nam, và đây là lần đầu tiên một tổng bí thư đảng CSVN được tiếp trong Tòa Bạch Ốc.
Cuộc gặp gỡ giữa ông Trọng và ông Obama còn có sự hiện diện của Phó Tổng Thống Joe Biden.
Theo thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc, hai nhà lãnh đạo thảo luận sâu rộng về hợp tác song phương trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, thay đổi khí hậu, y tế công cộng, và an ninh.
Tổng Thống Obama được trích lời nói: “Việt Nam là một 'đối tác rất xây dựng' trong các lãnh vực này.”
Nhân quyền
Tuy nhiên, Tổng Thống Barack Obama cũng “thảo luận thẳng thắn một số vấn đề Mỹ quan tâm, ví dụ như nhân quyền và tự do tôn giáo,” theo bản thông cáo.
Hôm Thứ Hai, 6 Tháng Bảy, ngay lúc ông Trọng đặt chân xuống phi trường quân sự Andrews ở Maryland bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ, chín dân biểu Mỹ, năm người thuộc đảng Cộng Hòa và bốn người thuộc đảng Dân Chủ, đã gởi thư cho Tổng Thống Barack Obama yêu cầu ông nhắc ông Nguyễn Phú Trọng lắng nghe người dân, thả tù chính trị.
Các dân biểu Hoa Kỳ cáo buộc hệ thống độc tài độc đảng của đảng CSVN hiện nay là nguyên nhân của tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Các dân biểu cũng đề nghị Hoa Kỳ cần gởi một thông điệp rõ rệt tới những người đang cầm quyền ở Hà Nội rằng tôn trọng nhân quyền là yếu tố cần thiết để thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế và an ninh.
Nội dung bức thư cũng đề cập việc hoan nghênh mối quan hệ chặt chẽ hơn với người dân Việt Nam, và ghi nhận tiềm năng kinh tế và an ninh của đất nước này. Do đó, Mỹ cũng nên xem vấn đề nhân quyền là tối quan trọng và đưa lên hàng đầu trong quan hệ song phương.
Chín dân biểu này viết: “Trong khi danh sách các blogger và tù nhân lương tâm Việt Nam bị bắt giữ ngày càng gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là Hoa Kỳ cần gởi một thông điệp rõ rệt tới giới chức trách Hà Nội rằng tôn trọng nhân quyền là yếu tố cần thiết để thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế và an ninh.”
Các vị dân biểu cũng mạnh mẽ kêu gọi Tổng Thống Obama đòi hỏi ông Trọng phải thả ngay lập tức những nhà báo công dân, nhà hoạt động nhân quyền tiêu biểu như Hồ Ðức Hòa, Ðặng Xuân Diệu, Nguyễn Ðặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hào, Trần Thị Thúy, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Mục Sư Nguyễn Công Chính và Linh Mục Nguyễn Văn Lý.
Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) nói chuyện với ông Barack Obama trong Tòa Bạch Ốc. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Trong khi đó, đông đảo đồng hương Việt Nam có mặt trước Tòa Bạch Ốc để biểu tình phản đối ông Nguyễn Phú Trọng hôm Thứ Ba.
Ngay từ 8 giờ sáng, nhiều người đã tập trung tại công viên Lafayette trên đại lộ Pennsylvania, đối diện Tòa Bạch Ốc, hô to các khẩu hiệu “Ðả đảo Cộng Sản Việt Nam,” “Nhân quyền cho Việt Nam,” “Nguyễn Phú Trọng phải thả tù nhân lương tâm,” vân vân.
Người biểu tình từ nhiều nơi đổ về, từ California, Florida, Texas, Louisiana, Georgia, New Hampshire... và thậm chí từ Canada.
Họ cũng mang theo nhiều biểu ngữ mang những hàng chữ phản đối người đứng đầu đảng CSVN và yêu cầu Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Người biểu tình cũng mang hình một số nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Theo dự trù, ông Trọng đến Tòa Bạch Ốc vào lúc 10 giờ 30 phút sáng, và gặp hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vào lúc 11 giờ 10 phút.
Tuy nhiên, cho đến 11 giờ 30 phút, người biểu tình không thấy đoàn xe chở ông Trọng đi vào cổng trước của Tòa Bạch Ốc.
Sau đó, người biểu tình tuần hành một cách ôn hòa, theo vòng tròn, ngay trên đại lộ Pennsylvania, giữa Tòa Bạch Ốc và công viên Lafayette.
Thảo luận song phương
Trở lại bên trong Tòa Bạch Ốc, trong lời phát biểu của mình trước ông Trọng, ông Obama nhắc lại rằng Hiệp Ước Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có “nhiều khả năng đẩy mạnh trao đổi hàng hóa tiêu chuẩn cao trong đó có tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, và có thể tạo ra một thị trường lao động tăng trưởng mạnh và giàu có cho cả người Việt Nam lẫn người Mỹ.”
Ông Obama cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng trong việc giải quyết xung đột trên Biển Ðông và vùng Châu Á Thái Bình Dương một cách phù hợp với luật quốc tế” để bảo đảm “sự thịnh vượng và tự do hàng hải.”
Trong lời kết, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Tôi chắc chắn mong đợi có dịp đến thăm đất nước xinh đẹp của ông một lúc nào đó trong tương lai.”
Trong phần đáp từ, ông Trọng nói, qua một thông dịch viên, rằng cách đây 20 năm, ít người có thể tưởng tượng có một cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ và tổng bí thư đảng CSVN, theo thông cáo của Tòa Bạch Ốc. Ông Trọng cho rằng cuộc gặp gỡ này là “xây dựng và thẳng thắn,” và nói thêm rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã chuyển từ cựu thù thành bạn và đối tác, thể hiện sự “ủng hộ toàn diện hai dân tộc của hai quốc gia.”
Ông Trọng cũng nói rằng, hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ tiến triển hơn nữa trong “tất cả mọi mặt từ chính trị, hợp tác ngoại giao, cho tới trao đổi thương mại và đầu tư, giáo dục và huấn luyện, môi trường, sức khỏe, đáp ứng thay đổi khí hậu, hợp tác an ninh và quốc phòng, cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế,” theo bản thông cáo.
Phó Tổng Thống Joe Biden (phải) cụng ly với Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại buổi ăn trưa ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Thông cáo cho biết thêm, ông Trọng cũng nói rằng, “với một phong cách rất xây dựng, chúng tôi đã thảo luận về những khác biệt,” qua đề tài TPP và nhân quyền.
Ngoài các đề tài trên, ông Obama và ông Trọng cũng thảo luận và chia sẻ quan điểm về “những sự kiện mới xảy ra trên Biển Ðông và cùng nhau chia sẻ những quan tâm về các hoạt động không phù hợp với luật pháp quốc tế có thể làm cho tình hình phức tạp thêm,” cũng theo bản thông cáo.
Bản thông cáo cho biết, ông Trọng có nhắc lại lời mời tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và nói: “Tôi rất vui khi tổng thống vui vẻ chấp nhận lời mời.”
Thông cáo chung
Ngay sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa tổng thống Hoa Kỳ và tổng bí thư đảng CSVN ở Phòng Bầu Dục, hai bên đã đưa ra một thông cáo chung, đề cập đến mở rộng quan hệ đối tác song phương, gia tăng hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, và cho biết hai bên đạt một số thỏa thuận về TPP.
Sau đây là một số thỏa thuận để làm nền tảng cho sự hợp tác song phương trong tương lai:
-Mỹ và Việt Nam đồng ý tránh đánh thuế hàng hóa hai lần và tránh tình trạng trốn thuế, và tôn trọng thuế thu nhập của mỗi bên.
-Thực hiện một bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc Phòng Mỹ và Bộ Quốc Phòng Việt Nam về việc tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
-Thực hiện bản ghi nhớ giữa Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam liên quan đến chương trình ngăn chặn bệnh dịch lây lan để bảo đảm sức khỏe toàn cầu.
-Dự Án Kỹ Thuật và An Toàn Hàng Không Việt Nam giữa Cơ Quan Phát Triển và Thương Mại Hoa Kỳ với Cục Hàng Không Việt Nam; và
-Việt Nam đồng ý để Mỹ mở đại học Fulbright University Vietnam.
Theo AP, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia cựu thù, Hoa Kỳ đang rất muốn cải thiện thêm nữa quan hệ với Việt Nam.
Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng, Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục sang Châu Á của Tổng Thống Barack Obama, nhất là khi Trung Quốc ngày càng có tham vọng kiểm soát Biển Ðông, nơi có số hàng hóa trị giá $5,000 tỉ qua lại mỗi năm, cũng theo AP.
Hai tổng thống Bill Clinton và George W. Bush từng đến thăm Việt Nam trước đây, trong nhiệm kỳ thứ hai của họ, sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nối lại bang giao.
Sau cuộc gặp gỡ ở Tòa Bạch Ốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã sang Bộ Ngoại Giao dùng cơm trưa do Phó Tổng Thống Joe Biden khoản đãi và đọc một bài diễn văn tại đây.
Hôm Thứ Hai, ngay sau khi đáp xuống phi trường quân sự Andrews, ông Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ bàn giao chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner đầu tiên cho Vietnam AIRLINEStại phi trường National Ronald Reagan và thăm đài tưởng niệm Thomas Jefferson ở Washington, DC. (Ð.D.)
07-07-2015 7:38:26 PM
No comments:
Post a Comment