Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Tin tức về những biến cố liên quan đến Việt Nam trong thời gian gần đây đã gây cho nhiều người sửng sốt:
- Xôn xao dư luận về Đại tướng Phùng Quang Thanh vào cuối tháng 6-2015, là đi chữa bệnh tại nước Pháp hay bị các phe phái tranh giành quyền lực đưa ông Thanh an trí tại một địa điểm bí mật?!
- Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng từ ngày 7-7-2015 đến ngày 10-7-2015.
- Vụ thảm sát hãi hùng 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ vào lúc 2 giờ sáng ngày 7-7-2015, ở tỉnh Bình Phước.
- Vụ xe ủi cán bà Lê Thị Châm là dân oan ở tỉnh Hải Dương vào chiều ngày 10-7-2015 quá dã man, khi bà cùng đồng bào ngăn cản việc thi công khu công nghiệp...
Tin tức nóng bỏng và dồn dập là vậy, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn, nên người viết xin phép chỉ cùng thảo luận với bạn đọc về Đại tướng Phùng Quang Thanh và chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng mà thôi, vì lẽ hai người này đã/đang ảnh hưởng đến tình hình nước Việt hiện nay nhiều hơn.
I- Đại tướng Phùng Quang Thanh: Sinh năm 1949, đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương Việt Nam. Theo báo Tuổi Trẻ vào ngày 2-7-2015: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trị bệnh tại Pháp, phẫu thuật vào tối 30-6. Trong khi đấy, Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng lại đưa tin: “Sáng ngày 3-7-2015, tại Hà Nội, thực hiện các quyết định của thủ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh và Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy BTL Thủ đô Phạm Quang Nghị; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Tại hội nghị, Trung tướng Phí Quốc Tuấn đã tiến hành bàn giao chức vụ Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội cho Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng BTL Thủ đô Hà Nội. Trung tướng Lê Hùng Mạnh bàn giao chức vụ Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội cho Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết, nguyên Phó Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội.”
Nguồn tin cho biết việc thay thế Trung tướng Phí Quốc Tuấn và Trung tướng Lê Hùng Mạnh vì lý do cả hai nghỉ hưu, nhưng cả hai tướng Phí Quốc Tuấn và Lê Hùng Mạnh, tuổi nghỉ hưu sẽ vào cuối năm 2016 lại về vườn sớm hơn dự định. Điều này đã gây cho dư luận xôn xao, cho rằng nghỉ hưu chỉ là cái cớ mà Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội có trách nhiệm quan trọng là bảo vệ khu vực thủ đô Hà Nội, nơi đây là trung tâm đầu não của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, nên phe phái của 3X phải ra tay thay đổi BTL Thủ đô Hà Nội để giữ vững quyền lực của mình?!
Bài viết trước đây, người viết đã trình bày “Chiến Sĩ VNCH dù tử danh bất tử (Phần 1)” trong đấy Đại hèn tướng Phùng Quang Thanh đã từng nói: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”, với tư tưởng quỵ lụy quân Tàu của ông Thanh, tư cách của ông Thanh đối với quốc gia dân tộc không bằng một người lính đã sắt son bảo vệ tổ quốc, cho nên ông Thanh chết hay sống không quan trọng, mà suy gẫm từ nhân vật này cho thấy tình hình VN đang biến chuyển chăng?!
II- Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng: Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư CSVN, theo thiển kiến của người viết có hai điều cần lưu ý:
1- Về phía Hoa Kỳ: Chính quyền Hoa Kỳ đã sai lầm giúp nước Tàu là “Dưỡng hổ nhi họa” (nuôi hổ thì sau này hổ sẽ hại mình).
Mỹ giúp nước Tàu lần thứ nhất: Trong Đệ nhị Thế chiến (1939-1945), ngày 7-7-1937, Nhật bắt đầu xâm chiếm nước Tàu và chiếm đóng toàn khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Á. Hạm đội Nhật Bản do Đô đốc Yamamoto Isoroku chỉ huy đã tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Sau đấy, quân đội Hoa Kỳ, theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman, ngày 6-8-1945, thả quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima, đến ngày 9-8-1945, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” đã cho phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện và ký vào văn kiện đầu hàng ngày 2-9-1945, chính thức chấm dứt Thế chiến thứ hai. Trong 8 năm chiến tranh chống Nhật (1937-1945), cả Quốc Dân đảng và Tàu cộng đã hợp tác chống Nhật, được quân đội Mỹ tận tình giúp đỡ tại Hoa lục bằng cách cung cấp vũ khí, huấn luyện và cứu thương. Do Mỹ mà Nhật đầu hàng, người Tàu nhờ đấy mà khỏi bị Nhật đô hộ, nên người Tàu dù muốn hay không cũng đã mang ơn rất lớn với Hoa Kỳ.
Mỹ giúp nước Tàu lần thứ hai: Ngày 17-2-1972, Tổng thống Nixon lên phi cơ Air Force One, đến Hawaii ở lại hai ngày, rồi tới Thượng Hải. Mỹ trong vị thế một siêu cường số một, Trung cộng trong thân phận một cường quốc đông dân số, lúc đấy khoảng triệu người, nhưng yếu kém về kinh tế. Tổng thống Nixon đã ký kết thông cáo chung Thượng Hải đánh dấu bước khởi đầu bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung, mở ra một trang sử mới về quan hệ giữa hai nước, từ đấy Mỹ o ép hay bỏ quốc gia Đồng minh của mình là miền Nam Việt Nam. Ngày 26-5-1994, Tổng thống Mỹ là Bill Clinton tuyên bố công nhận quy chế “Đãi ngộ Tối huệ quốc (Most Favoured Nation: MFN) cho Trung cộng” là nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO. Và cũng từ đấy các hãng xưởng của Mỹ mở ra tại Hoa lục ào ạt, nhờ đấy nền kinh tế của Trung cộng bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Ngày nay, Trung cộng trở thành một siêu cường có thể ngang ngửa với Mỹ, lại tranh giành quyền lợi của mình quyết liệt với Mỹ, trong đấy có việc bành trướng đường lưỡi bò của Tàu ngạo ngược ở biển Đông đang/sẽ gây trắc trở cho sự vận chuyển hàng hải của các quốc gia trên thế giới, mỹ cũng chung số phận. Điều này, người Mỹ, chính quyền Mỹ có thấy hối hận việc hờ hững hay bỏ mặc cho quân Tàu chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 hay không?!.
Ngày nay, Mỹ thấy chỉ có đất nước Việt Nam về địa lý ảnh hưởng nhiều nhất với nước Tàu, chỉ có người Việt Nam mới chống trả quân Tàu nhiều nhất và bền bỉ nhất. Vì thế, Mỹ cần ve vuốt VN để tách VN ra khỏi Tàu cộng, dù VN hiện nay là một nước Cộng sản?.
2- Về ông Nguyễn Phú Trọng: Ông sinh năm 1944, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng CSVN (tháng 1-2011), được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
a- Ông Trọng từng được “Huy chương Kháng chiến chống Mỹ”.
Vào ngày 7-7-2015, hàng ngàn đồng bào hải ngoại đã biểu tình rầm rộ tại Washington DC, chống nhà cầm quyền CSVN đã/đang bán nước và chà đạp nhân quyền tại Việt Nam. Trước khí thế mạnh mẽ của đồng bào biểu tình, ông Trọng phải đi bằng cửa phụ mà không vào Tòa Bạch Ốc bằng cửa chính. Tuy nhiên, theo dõi ông Trọng nói chuyện với Tổng thống Obama, ông Trọng giữ được bình tĩnh không giống như những nhà cần quyền CSVN khác có vẻ gượng gạo, bối rối mỗi khi tiếp xúc với các vị nguyên thủ quốc gia của các nước tự do trên thế giới.
b- Ông Trọng đã từng nói trong chương trình truyền hình tối 25-2-2013, lời lẽ ngô nghê nhưng độc tài rõ rệt: “Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy! Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng nữa. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa, chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì nó là cái gì?! Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.
c- Bản tin VNEpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien-2207907.html) ngày 12-10-2011. Trong chuyến thăm Trung cộng vào ngày 11-10-2011, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tàu là Hồ Cẩm Đào đã ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước, trong đấy xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc: “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Nguyễn Phú Trọng chống Mỹ là thế đấy, độc tài là thế đấy, quỵ lụy Tàu cộng là thế đấy, nhưng thấy chiến lược của Mỹ “xoay trục về châu Á”, thì vào ngày 7-7-2015, trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ là Obama, ông Trọng lại phát biểu quay ngược 180 độ, không giống như tâm tư của ông đã suy nghĩ từ trước: “Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, chúng tôi cũng trao đổi về những vấn đề hiện nay còn vướng mắc như phải tiếp tục làm sao sớm đàm phán kết thúc và ký kết được Hiệp định TPP, vấn đề nhân quyền, vấn đề trên Biển Đông có những việc làm trái với pháp luật quốc tế, với thỏa thuận của các nước ở trong khu vực, và cũng bày tỏ quan điểm quan ngại về tình hình các diễn tiến mới trên Biển Đông.”
Vì sao, ông Trọng quay ngược 180 độ nhanh chóng như vậy? Phải chăng:
- Ông Trọng đã thức tỉnh khi thấy quân Tàu đang là kẻ xâm lược thật sự?!
- Ông Trọng đang bị phe phái chống Tàu ở thế mạnh nên ông phải “giả nhân giả nghĩa”, vì chúa Trịnh đang nắm quyền thì vua Lê phải ăn nói và đi đứng những gì mà chúa đã yêu cầu?!
- Ông Trọng đã thấy sức mạnh của Đồng bào, mà có nhiều nguồn tin cho biết người Việt hiện nay trên 75% thích gần Mỹ thân Mỹ hơn gần Tàu thân Tàu, điều này chính Phùng Quang Thanh cũng đã thú nhận: “Tôi thấy lo lắng lắm... chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại...”
- Ông Trọng và phe nhóm của ông bề ngoài cố gắng tỏ ra gần Mỹ xa Tàu để lấy lại thể diện cho đảng CSVN vì từ lâu đã quỵ lụy Tàu cộng quá nhục nhã?!
Vậy “Nỗi băn khoăn về tình hình nước Việt hiện nay” có lẽ chúng ta sẽ thấy hiện tình về đất nước rõ ràng hơn trong thời gian tới không còn xa nữa.
14.07.2015
No comments:
Post a Comment