Đá Tư Nghĩa trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép
Tại cuộc họp báo ngày 1.7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey công bố Chiến lược quân sự quốc gia 2015. Trong đó, Mỹ sẽ xem Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa an ninh lớn.
Biển Đông dậy sóng
Tài liệu Chiến lược quân sự quốc gia 2015 chỉ trích Trung Quốc về những hành động xây đắp, quân sự hóa và ngang nhiên khẳng định chủ quyền trên các khu vực thuộc Biển Đông. Phản ứng của Mỹ đến không lâu sau khi Trung Quốc ngày 30.6 tuyên bố đã hoàn tất việc xây đắp cơ bản trên các đảo, đá thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng về những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp. Tại Hội nghị G7 tổ chức ở Đức, lãnh đạo các nước ra tuyên bố chung vào ngày 8.6, phản đối việc Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La tổ chức ở Singapore hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khiến phái đoàn Trung Quốc “nóng mặt” với bài phát biểu chỉ trích nhằm thẳng vào Bắc Kinh.
Trung Quốc xây dựng cầu cảng trái phép ở Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của Mỹ đã khiến Trung Quốc nổi giận. Ngày 3.7 cũng là lúc Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng Mỹ đang hành xử với tư duy "chiến tranh lạnh".
Không thể im lặng vì Trung Quốc quá hung hăng
Trao đổi với Thanh Niên Online, Chuẩn đô đốc, thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng) cho biết: "Sở dĩ Mỹ nhảy vào Biển Đông lúc này vì họ cảm thấy Trung Quốc đã hung hăng quá đáng. Các động thái của Trung Quốc vừa qua mang nhiều thông điệp nguy hiểm cho khu vực hơn so với một vài tuyên bố chủ quyền trước đây".
Cùng ý kiến ấy, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cũng cho rằng Trung Quốc là nước đã gây ra tình trạng căng thẳng trên Biển Đông.
Chuẩn đô đốc, thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng:
"Tại sao trước đây Mỹ và Nhật cũng như cộng đồng quốc tế không lên tiếng như vừa qua? Vì Trung Quốc đang ảo tưởng rằng việc phát triển kinh tế mạnh mẽ sau nhiều thập kỷ liên tục đang giúp họ đủ mạnh để hành động. Tất cả đều đang cảm thấy Trung Quốc đã đến lúc cần dừng lại"
"Câu trả lời đã quá rõ ràng. Khi áp dụng luật pháp quốc tế, vấn đề nằm ở Trung Quốc vì họ đã xây dựng đường băng có thể phục vụ mục đích quân sự, điều này sẽ không được chấp nhận", ông Carl Thayer nói với Thanh Niên Online.
Trước những tuyên bố và sự hối thúc mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ phía Mỹ, Trung Quốc có những cách xử lý khác nhau ở từng thời điểm.
Một mặt vẫn hành động và bao biện tại các vùng biển tranh chấp, một mặt Trung Quốc hạ giọng với Mỹ. Hồi đầu tháng 5 qua, họ lên tiếng mời Mỹ sử dụng chung đường băng và những cơ sở xây dựng trái phép trên Biển Đông. Cuối tháng 6, một tướng Trung Quốc lại tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc.
Đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp
Điều này khiến nhiều nhà phân tích liên hệ với chủ trương xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” Trung – Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Và rõ ràng, vấn đề được quan tâm như Biển Đông không thể đứng ngoài mối quan hệ kiểu mới mà ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy.
Dù không có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông, nhưng Mỹ luôn nhấn mạnh lợi ích hàng hải tại khu vực, đồng thời kiên quyết với chiến lược tái cân bằng ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương của mình, ông Robert Farley, phó giáo sư chuyên về an ninh quốc gia, vấn đề hàng hải và quân sự tại trường Patterson thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) trả lời Thanh Niên Online.
Khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” được ông Tập Cận Bình, khi đó là phó Chủ tịch Trung Quốc đưa ra trong chuyến thăm Mỹ năm 2012. Ngày 12.11.2014, tại Đại lễ đường Nhân Dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama cam kết thúc đẩy quan hệ nước lớn "kiểu mới" giữa hai nước.
Ông Tập đưa ra 6 hướng ưu tiên trong quan hệ nước lớn “kiểu mới” với Mỹ, trong đó nhấn mạnh hai nước cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như hệ thống chính trị và con đường phát triển của mỗi bên. Đồng thời, hai nước sẽ quản lý tranh chấp và các vấn đề nhạy cảm trên tinh thần xây dựng, dù luôn có sự khác biệt, cả hai bên sẽ luôn dùng đến đối thoại và tham vấn, không hành động đi ngược lại lợi ích cốt lõi của nhau. Bên cạnh đó, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, theo Tân Hoa xã.
|
Với mối quan hệ “nước lớn kiểu mới” hiển hiện xung quanh những căng thẳng tạo ra trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc sẽ chọn cách tiếp cận nào cho vấn đề của khu vực này? Mời bạn đọc đón xem kỳ 2 trên Thanh Niên Online: "Mỹ - Trung sẽ chọn cách ứng xử nào trên Biển Đông?"
14/07/2015 08:06
Ngọc Mai - Nhật Đăng
No comments:
Post a Comment