Bùi Văn Phú
Theo VOA-22.06.2015
Thỉnh thoảng ra phi trường đưa đón người thân quen, tôi thấy những chuyến bay về các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines có nhiều khách đi mang theo hành lý là những kiện hàng vuông vuông vừa đúng kích thước của luật hàng không.
So với những chuyến bay đi châu Âu, hành khách ít khi mang theo thùng hàng mà chỉ những chiếc vali to.
Quan sát và trò chuyện với một số người Việt về quê, tôi biết trong những thùng hàng đó có phôma, có thịt bò bí-tết, có những trái mận đỏ (cherry) là những sản phẩm Mỹ được người Việt trong nước ưa thích. Đem những thứ đó về làm quà cho gia đình, cho bạn bè thân thương là điều quý nhất sau một chuyến du hành Mỹ.
Nếu không là thực phẩm, có người lại đóng vào thùng, giữa đống quần áo và bọc ni-lông có hơi là vài chai rượu ngon như Johnnie Walker Blue Label, hay những chai vang đắt tiền, đặc sản từ thung lũng Napa.
Ba mươi năm trước, những thùng quà gửi về Việt Nam là những thước vải, bánh xà-phòng, hộp kem đánh răng, lọ nước hoa, chai dầu xanh, hộp mỹ phẩm, kẹo bánh.
Ngày nay Việt Nam không thiếu các mặt hàng đó loại thượng hạng, được bày bán trong các siêu thị sang trọng không thua gì như ở các nước tân tiến. Nhưng hàng đem về từ Mỹ hay từ châu Âu bảo đảm được chất lượng và không sợ mua nhầm đồ dổm.
Dầu gió xanh nay cũng thường là sản phẩm được đem về làm quà. Có người còn đem cả xì-dầu Maggi sản xuất ở châu Âu, mua từ các siêu thị ở Mỹ, đem về làm quà hay cho người thân dùng.
Tâm lí không tin hàng sản xuất trong nước, hay hàng được nhập vào thị trường Việt Nam, là kém chất lượng hơn hàng Mỹ thường có trong giới tiêu dùng. Cũng có thể vì tâm lý sính hàng ngoại nên hàng từ Mỹ về là thơm là quí hơn.
Giống như người Việt, người Philippines và người Trung Quốc khi về thăm quê hương cũng thường mang theo nhiều thùng quà, như tôi đã có nhiều dịp quan sát tại quầy gửi hành lý của Philippines Airlines và Air China tại phi cảng San Francisco.
Trong dịp đi Cuba, tôi cũng thấy người Cuba từ Mỹ về thăm quê nhà mang theo những thùng hàng. Hành lý về Sài Gòn, Manila hay Bắc Kinh gói trong kiện dán băng dính là đủ. Còn về Cuba, những kiện hành lý đã gói, nịt và được cuốn thêm nhiều lớp ni-lông vì sợ bị rạch, bị moi đồ trước khi đến nơi.
Ngày xưa các hãng máy bay cho hành khách gửi theo mỗi người hai kiện hàng, mỗi kiện 70 cân Anh, nay giảm xuống chỉ còn mỗi kiện 50 cân, nên số lượng quà mang về quê cũng giảm đi.
Chè xanh và cốm vòng (ảnh Bùi Văn Phú)
Gia đình chúng tôi có liên hệ với xứ Quảng. Một lần đi xe qua cánh đồng lúa thấy một bác nông dân mặc áo com-plê đang cày dưới ruộng. Hỏi ra mới hiểu được vì nghèo quá, trời mùa lạnh nên có gì mặc đó để ra đồng làm việc. Những quần áo là hàng cũ người nước ngoài gửi về, dân ở quê xin được ai cái gì mặc cái nấy.
Vì thế khi có thân nhân về thăm quê nhà, gia đình chúng tôi không quản ngại đem theo những thùng quần áo cũ để cho người nghèo khó ở quê, dù có tốn thêm một vài trăm đô gửi thêm hành lý.
Quà tặng thì có quà nhận. Bạn bè biết tôi thích sách và các sản phẩm văn nghệ nên thường tặng sách, đĩa nhạc. Sách về văn chương, lịch sử, mỹ thuật. Các chương trình ca nhạc của Diva Việt Nam, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Quang Dũng hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.
Chè, cà-phê, bánh đậu xanh, mè xửng, kẹo mạch nha cũng là quà đặc biệt từ quê nhà. Có những loại chè từ miền thượng du Bắc Việt, uống thơm, nhưng tôi không quen nên nhiều đêm thức đến sáng. Cà-phê Trung Nguyên 3in1 khá phổ thông và có hương vị đậm đà. Pha uống liền hay nhìn ngắm từng giọt chầm chậm từ phin nhỏ xuống ly sữa thì tùy lúc, tùy nơi.
Rượu bổ có rắn, tắc kè ngâm với các thứ sâm nhung. Uống vào dễ thấy lung linh đất trời.
Có bạn từ bờ Đông nước Mỹ đi công tác ở Việt Nam về và có mua cốm xanh làm quà cho gia đình tôi. Không biết nửa ký cốm tốn bao nhiêu nhưng gửi Express qua California, cước bưu điện hơn 30 đô-la vì bạn biết để lâu cốm sẽ không còn tươi, thơm ngon. Thật đáng trân quý.
Một thứ quà Hà Nội mà tôi thích là mứt mơ cam thảo. Sau cơm chiều, uống trà thưởng thức loại mứt này thật là tuyệt vời.
Những năm gần đây, quà quê nhà còn là nhiều thức ăn đặc sản. Ốc hút xào dừa, cá thác lác xay, cá lóc nướng là những sản phẩm không bị luật Mỹ cấm mang vào. Hôm trước được người nhà chuẩn bị nấu nướng ở Sài Gòn, rồi đóng gói đưa lên máy bay là hôm sau thức ăn đến Mỹ cho bà con thưởng thức. Thỉnh thoảng gia đình tôi đã có những bữa ăn nhậu với ốc, chả cá chiên và cá cuốn bánh tráng.
Nhiều món ăn khác từ quê nhà tôi đã có dịp thử và thấy ngon. Tôm rim, cá cơm chiên giòn, về nhà chỉ hâm nóng lại, ăn với rau luộc chấm nước mắm là một bữa ăn đậm đà hương vị quê nhà.
Một thứ đặc sản của nhiều người Việt là mắm. Tuy trong các siêu thị ở Mỹ không thiếu loại mắm nào, nhưng có người, theo tôi biết, mỗi chuyến đi Việt Nam, khi đi mang theo thịt cùng bơ sữa, khi về lại Hoa Kỳ là cả thùng mắm các loại, cá kèo, cá sặc đủ cả.
Không biết đã có bao giờ xảy ra sự cố những lọ mắm vỡ đổ trên đường bay giữa Sài Gòn và San Francisco chưa.
Nhà văn Linh Bảo có truyện ngắn “Hũ mắm nêm đi Hương Cảng” viết từ những năm cuối thập niên 1950 kể chuyện một hũ mắm được trân trọng đưa ra nước ngoài, nhưng đến nhiều nơi lại bị chê cười, hất hủi không dám gần. Nhưng chính nó lại là biểu hiệu của quê hương trong những ngày bà sống bôn ba nơi xứ người.
Ngày nay, trên những chuyến bay từ quê nhà về lại Mỹ, nếu để ý bạn sẽ thấy từ Sài Gòn hay Hà Nội sang Taipei, Seoul trong khoang máy bay thoang thoảng có mùi nước mắm, mùi dầu xanh là hương vị quê nhà mà nhiều du khách nước ngoài nay đã nhận ra.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment