Wednesday, June 24, 2015

Gỗ tang vật bị đem bán khi vụ án chưa xét xử: Hải quan đấu lại hải quan?!

(LĐ) - Số 142 LÂM CHÍ CÔNG - 1:8 PM, 24/06/2015



Trong khi Tổng cục Hải quan (TCHQ), Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) thuộc tổng cục này quyết liệt khám xét, tịch thu gỗ và khởi tố vụ án buôn lậu thì các đơn vị hải quan địa phương thuộc TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị lại kiên quyết khẳng định việc bắt giữ, tịch thu gỗ trắc nhập khẩu của Cty Ngọc Hưng là không phù hợp pháp luật, những sai phạm của Cty Ngọc Hưng trong lô hàng gỗ nhập khẩu này cùng lắm chỉ là xử phạt hành chính.

Hải quan chống lại... Hải quan (!)

Trong bộ hồ sơ gửi kèm theo đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng trung ương, ông Trương Huy Liệu (Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng, bị can, bị cáo trong vụ án buôn lậu gỗ) đã có nhiều bằng chứng cho thấy lô gỗ có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào và đã được Hải quan các CKQT làm thủ tục thông quan sau khi Cty này đã nộp đủ thuế.

Ông Đỗ Danh Thắng - Chi cục trưởng Hải quan CK cảng Đà Nẵng - cho rằng: “Tính từ ngày Thông báo số 01/TB-TCHQ ngày 4.1.2012 của TCHQ chưa có văn bản nào thông báo lô hàng trên (gỗ nhập khẩu của Cty Ngọc Hưng - PV) không phải nguồn gốc của Lào. Những sai phạm của Cty Ngọc Hưng: Khai không đúng tên hàng, lượng thiếu... đến nay chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định”.

Còn tại cuộc họp của Cục Hải quan TP.Đà Nẵng ngày 9.3.2012, ông Phạm Ngọc Thuần - Phó Cục trưởng - đã nêu rõ quan điểm: “Văn bản chỉ đạo số 07/TCHQ-ĐTCBL ngày 18.1.2012 của TCHQ chỉ đạo tạm giữ cả lô hàng khi chưa xác định được hàng hóa vi phạm là chưa đúng quy định, vì vậy Chi cục ban hành Quyết định số 01/QĐ-HQCĐN ngày 20.1.2012 tạm giữ đối với toàn bộ 22 container của lô hàng theo văn bản chỉ đạo là sai. Vì vậy, nếu bây giờ lại ban hành quyết định gia hạn thời hạn tạm giữ thì tiếp tục sai”.

Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Lê Văn Tới cũng khẳng định: “Lô hàng gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng nhập khẩu theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/BO33 ngày 17.12.2011 có nguồn gốc, xuất xứ từ Lào. Đây là mấu chốt quan trọng để khẳng định rằng hành vi xuất khẩu lô gỗ trắc theo tờ khai số 849/XK/KD/C32D ngày 19.12.2011 không phải là hành vi buôn lậu, bởi trong trường hợp vụ án này, yếu tố quyết định tội buôn lậu khi xuất khẩu phải là gỗ có nguồn gốc, xuất xứ từ rừng tự nhiên trong nước” (công văn số 1248 của Cục Hải quan Quảng Trị ngày 3.10.2014).

Bất ngờ bán gỗ tang vật

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.Đà Nẵng xét xử (tháng 10.2014), cử tọa đã vô cùng sửng sốt và bất ngờ khi được Hội đồng xét xử thông báo rằng toàn bộ lô hàng gỗ trắc tang vật vụ án đã được bán đấu giá từ tháng 1.2014. Trả lời chất vấn tại tòa, bị cáo Trương Huy Liệu khai, lô gỗ theo thời giá khoảng hơn 300 tỉ đồng nhưng đã bị đem bán đấu giá khi vụ án chưa được tòa xét xử với giá chỉ 63,6 tỉ đồng.

Suốt gần 4 năm qua, ông Trương Huy Liệu đi gõ cửa kêu cứu, còn doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Ảnh: L.CH 

Đại diện Cục Hải quan TP.Đà Nẵng cũng nói với HĐXX rằng: “Đang trong quá trình điều tra vụ án mà bán tang vật là sai. Lô gỗ này chỉ tòa án mới có quyền cho bán”. Khoản 1 Điều 76 BLTTHS về “Xử lý vật chứng” quy định: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử”.

Bất chấp quy định đó của luật, ngày 16.1.2014, lô gỗ trắc vật chứng trong vụ án buôn lậu nói trên đã được đem bán đấu giá theo đề nghị của C44, do một cơ quan thẩm định giá ở Hà Nội tiến hành. Đơn vị mua lô gỗ là Cty Phú Xuân (Bắc Ninh) với giá gần 64 tỉ đồng.

Trong đơn kêu cứu gửi các lãnh đạo trung ương, ông Trương Huy Liệu cho rằng, việc cơ quan điều tra ban hành quyết định xử lý vật chứng cho bán tháo toàn bộ lô gỗ của Cty Ngọc Hưng đang trong giai đoạn điều tra chưa được đình chỉ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng; đồng thời đặt nghi vấn rằng việc bán tháo vật chứng nói trên nhằm đạt hai mục đích “làm thất thoát” hàng trăm tỉ đồng và tiêu hủy vật chứng.

Tất cả đều chống lại... tội danh buôn lậu!

“Có cơ sở để xác định cuối năm 2011, Trương Huy Liệu đã mua lô gỗ trắc và giáng hương của các đối tượng Đen và Hóm ở Savanakhẹt - Lào (trang 53 Kết luận điều tra của C44 - Bộ CA). Số gỗ trên được vận chuyển trên 13 xe ôtô, nhập cảnh vào Việt Nam qua CKQT Lao Bảo ngày 17.12.2011; trong đó có 8 xe ôtô biển kiểm soát Việt Nam, 5 xe ôtô biển kiểm soát Lào (trang 3 Cáo trạng của Vụ 1 Viện KSND Tối cao).

Cơ quan CSĐT (C44) thấy lời khai của Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung về việc đã chuyển tiền sang Lào để thanh toán cho lô gỗ trắc và giáng hương là có cơ sở” (trang 2 Công văn số 421 của C44 ngày 30.7.2014).

No comments:

Post a Comment