Wednesday, June 24, 2015

Buôn lậu qua biên giới Trung Quốc: Chính quyền Việt Nam có thực sự muốn giải quyết?

Trọng Thành
RFI- 22 tháng sáu năm 2015

Buôn lậu qua biên giới Trung Quốc: Chính quyền Việt Nam có thực sự muốn giải quyết? Cầu qua sông Tà Lùng. Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng - Việt Nam) - Thủy Khẩu/Suikou (Quảng Tây - Trung Quốc). Ảnh : Wikimedia


Nạn buôn lậu qua biên giới Việt – Trung là một thực tế kéo dài từ hàng chục năm nay. Trong những năm gần đây hiện tượng này dường như gia tăng gấp bội về quy mô và số lượng. Chưa kể những hình thức buôn lậu bí mật muôn màu, muôn vẻ, buôn lậu quy mô nhỏ nhưng với số lượng lớn người tham gia thường diễn ra gần như công khai. Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia, kể cả giới chức chính quyền, chỉ đích danh một thủ phạm là « cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch ».


Một số so sánh giữa các số liệu thống kê hàng nhập khẩu vào Việt Nam của hai phía Việt Nam và Trung Quốc cho thấy độ vênh giữa hai phía ngày càng lớn theo năm tháng. Nếu như năm 2011, độ vênh chỉ là 4,5 tỷ đô la, thì đến năm 2014, con số này đã là 20 tỷ. Cho dù, không phải tất cả số vênh này đều có thể quy là buôn lậu, đầu tháng này, trước Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Công thương phải thừa nhận độ vênh về số liệu nói trên  cho thấy chắc chắn có « buôn lậu và kinh tế ngầm ».

Chưa kể những hình thức buôn lậu bí mật muôn màu, muôn vẻ, với nhiều phương thức rất tinh vi, buôn lậu quy mô nhỏ nhưng với số lượng người tham gia lớn diễn ra gần như công khai. « Buôn lậu (nhưng theo đường)… chính ngạch », đây là hàng tựa châm biếm của một bài viết trên báo Sài Gòn giải phóng đầu năm nay. Phóng sự mô tả tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, mỗi ngày có từ 1,5 đến 2 vạn người qua lại cửa khẩu để xách hàng miễn thuế, cao điểm có lúc lên đến 24.000 người. Riêng tại cửa khẩu này, năm 2014, tổng cộng có 1,95 triệu người qua lại, mà 87% trong số họ với "sổ thông hành xanh" (tức giấy phép xuất cảnh dành cho cư dân ven biên giới có giá trị trong một ngày). Theo chính quyền, rất nhiều người đã đút lót để có được sổ thông hành. Tại nhiều cửa khẩu khác, tình hình cũng diễn ra tương tự, như ở cửa khẩu Lào Cai, đội quân « cửu vạn », khoảng vài ngàn người sẵn sàng được mướn để thồ hàng, mà ước tính một phần không nhỏ không thông qua hải quan.

Theo một mô tả từ báo trong nước, « mỗi ngày hàng trăm xe tải ùn ùn chuyên chở đủ loại nông lâm thủy sản qua Trung Quốc và chở về quần áo, đồ chơi, gia súc, trái cây, hóa chất, đồ gia dụng... của Trung Quốc, tỏa ra bán khắp nước » (Bài « Buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc: Lợi bất cập hại », báo mạng Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 24/06/2014). Rất nhiều trong số những hàng hóa này đi theo cơ chế buôn bán tiểu ngạch, vốn chỉ để phục vụ đời sống và các hoạt động kinh doanh nhỏ của cư dân vùng ven biên giới. Trong số các hàng hóa tràn về xuôi, có rất nhiều hàng độc hại, hàng kém chất lượng, hàng giả hay hàng cấm.

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia, nhà báo và kể cả giới chức chính quyền chỉ đích danh « cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch » đã khuyến khích nhà nhà tham gia vào các hoạt động vận chuyển hàng trốn thuế. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định : « Biên mậu (hay thương mại tiểu ngạch) là nhập nhèm giữa (thương mại) chính ngạch và buôn lậu » (Bài « Rủi ro giao thương biên mậu », báo mạng Thanh Niên, ngày 09/01/2015). Vốn là một loại hình buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các cư dân vùng ven biên giới sau khi Việt Nam và Trung Quốc nối lại quan hệ đầu thập niên 1990, « tiểu ngạch » dần dần được chính quyền coi như là một phương thức hoạt động « thương mại qua biên giới » mang tính quốc gia, vì một số lợi thế như chịu thuế rất thấp hay thủ tục đơn giản hơn.

Áp lực của dư luận hồi năm ngoái dường như đã buộc chính quyền phải nhìn nhận lại chính sách « thương mại biên giới » của mình. Cuối tháng 4/2015, chính phủ Việt Nam vừa xem xét một dự thảo sẽ thay thế Quyết định 254 về buôn bán tại vùng biên giới (ban hành năm 2006). Quyết định – bị rất nhiều chỉ trích này - cho phép mỗi người dân sống tại vùng biên giới, có quyền mua đến 2 triệu đồng hàng hóa mỗi ngày miễn thuế (tức 60 triệu/tháng). Theo các phê phán, chính hạn mức miễn thuế cao như vậy (vượt quá nhu cầu vật tư sản xuất và tiêu dùng) đã khiến rất đông đảo người dân biên giới coi việc làm thuê chuyển hàng như một nghề kiếm sống chính.

Bất lực đủ đường

Trước làn sóng buôn lậu ngày càng phổ biến, nhiều người cảm thấy trong tình hình hiện nay hoàn toàn không có viễn cảnh nào cho thấy nạn buôn lậu có thể được ngăn chặn. Việc thay thế Quyết định 254 nói trên bằng một quyết định mới cũng không có cơ thay đổi được xu thế này, vì buôn lậu đã trở thành tập quán, một hoạt động bán công khai, với sự tiếp tay của những người bên trong bộ máy. Và để giải quyết nạn buôn lậu xuyên biên giới, trước hết phải cải thiện đời sống cho hàng chục vạn dân cư địa phương.

Trả lời RFI, Luật sư Trần Vũ Hải nhận định : Tất cả đều nhìn thấy điều đó, nhưng cho đến nay, không có giải pháp cho vấn đề này, chưa có giải pháp. Bản thân tôi đi một số địa phương, những người dân ở xung quanh những khu vực ấy rất ít việc làm. Họ chỉ có hai lựa chọn, hoặc qua Trung Quốc làm, hoặc buôn bán qua biên giới. Cho nên người ta đặt vấn đề, nếu phía Việt Nam siết chặt vấn đề ấy, thì phải tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn, thậm chí phải đến triệu người đang ngày đêm vận chuyển hàng hóa ấy. Đây là vấn đề quá lớn. Việt Nam đã có sai lầm ở đâu đấy, khi bắt đầu mở cửa với Trung Quốc, nên bây giờ phụ thuộc quá lớn vào vấn đề này ? Nếu siết chặt, Việt Nam sẽ phải xây dựng một đội ngũ quá lớn về quản lý thị trường, hải quan, mà cũng chưa chắc đã làm được, mà có khi tăng lên tiêu cực. Bởi vì rõ ràng người dân địa phương hoàn toàn có quyền nói chúng tôi có quyền mua lại hàng hóa của doanh nghiệp, rồi sau đó bán lại sang Trung Quốc, và ngược lại ?... Biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nhiều nơi không chỉ dân tộc Kinh và dân tộc Hoa, mà có nhiều dân tộc khác, có mặt cả ở hai bên biên giới, họ giao thương rất bình thường, họ dùng những ngôn ngữ mà những cán bộ biên phòng, hải quan cũng không thể biết được.

Tóm lại, câu hỏi thứ nhất là, có biết không ? Biết, chính quyền biết. Câu thứ hai : có giải quyết được không ? Khó ! Câu thứ ba là, muốn giải quyết thì phải tăng cường lực lượng rất lớn. Và câu hỏi thứ tư là, nếu tăng cường lực lượng sẽ gây tiêu cực, và câu thứ năm là người dân địa phương có nhiều cách để giao thương, mà không chống lại lực lượng kiểm soát…. Có lẽ Việt Nam phải tính đến đường khác trong vấn đề này…. Tôi nghĩ là có lẽ phải nghiên cứu lại (kinh nghiệm) những nước giao thương với nước lớn, cụ thể là với Trung Quốc, một công xưởng sản xuất rất nhiều hàng hóa…

Chừng nào thuế suất nhập khẩu còn cao, cả hai bên, chừng đó còn hàng áp dụng tiểu ngạch, hoặc buôn lậu. Phải chăng cần đặt vấn đề, một khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, 0% chẳng hạn, như vậy các công ty doanh nghiệp biết không đóng góp gì đáng kể, nên họ sẽ đóng thuế đàng hoàng, lúc ấy sẽ kiểm soát được…, như vậy họ chỉ còn có mỗi hàng rào « kỹ thuật thôi ».

Con đường cải cách thể chế

Trong khi đó, một số quan điểm khác cho rằng, ngăn chặn và đẩy lùi buôn lậu là có thể được, nhưng không thể chỉ với các biện pháp như tấn công giới tội phạm, mà cần phải tiến hành các cải cách về thể chế chính trị, để thanh lọc bộ máy, tạo điều kiện cho người dân và báo chí lên tiếng, cũng như nhiều cải cách kinh tế triệt để khác.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Gia Minh : Đây không phải chỉ là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề chính trị, hệ thống rồi. Cái cuối cùng là hàng trong nước phải vươn lên, để hàng Trung Quốc không thể thấm thấu được… Cứ tăng cường sản xuất chất lượng cao hơn, nhưng bây giờ chủ yếu vẫn là vấn đề chính sách, con người phải thay đổi, phải cải tiến lên, không thì chuyện nhập siêu với Trung Quốc, nhập lậu hàng hóa, nó còn dài dài và nó bóp chết sản xuất trong nước, dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.

Biện pháp chỉ mang tính chất kỹ thuật chống tham nhũng sẽ không hiệu quả, nếu không đi kèm với các biện pháp cải cách thể chế. Cải cách thể chế ở đây gồm thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Ví dụ như về chính trị, trên địa bàn một tỉnh, nếu xảy ra chuyện hàng buôn lậu biên giới, thì phải kỷ luật kịp thời, một cách mạnh mẽ người có trách nhiệm. Bây giờ đã làm được đâu ? Cho nên gọi là giám sát, kiểm tra, để nhân dân có tiếng nói trong việc phát hiện các sai trái đó. Việc này đang bị hạn chế. Phải có cải cách thể chế, để báo chí được phép nói một cách tự do hơn. Rồi việc kỷ luật những người đứng đầu phải mạnh mẽ, công khai hơn. Còn về thể chế kinh tế, phải có những luật chơi, bảo vệ hữu hiệu nền sản xuất trong nước…

Kiểm soát « biên mậu » không khó …

Về vấn đề buôn lậu qua biên giới với Trung Quốc, sau đây là phần phỏng vấn với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A. Trước hết nhà kinh tế học đưa ra một nhận định về độ vênh giữa các số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyễn Quang A : … Điều thứ nhất là số liệu thống kê của hai nước gọi là « xã hội chủ nghĩa » này là khó có thể tin cậy được, tuy là họ đã theo tập quán quốc tế trong một thời gian dài rồi. Thứ hai, dẫu không tin cậy được, những số liệu ấy cũng chứng tỏ căn bệnh nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc thực sự là căn bệnh kinh niên, càng ngày càng tăng, và nếu không có một sự thay đổi về đường lối lớn, về vĩ mô, thì căn bệnh này sẽ là vô phương cứu chữa. Điểm thứ ba là có rất nhiều giao dịch không được ghi nhận, kể cả ở bên Việt Nam, lẫn cả bên Trung Quốc. Đó là những khoản « biên mậu » ; những khoản buôn lậu, lậu từ Việt Nam ví dụ như xuất lậu than ; những hoạt động « chuyển giá » (vống giá lên, bớt giá đi) để tham nhũng… Đó là những chuyện có thể suy ra từ chênh lệch này.

Việc kiểm soát cái « biên mậu » thực sự không phải là khó. Cái khó là kiểm soát buôn lậu, và chuyện mà họ cố ý làm. Ví dụ như hàng có vẻ là Việt Nam, nhưng lại sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Tức là doanh nghiệp Việt Nam thuê Trung Quốc sản xuất, song rồi đóng mác Việt Nam mang về đây, rồi từ đây xuất đi chẳng hạn. Những cái kiểu như thế họ có thể « lách » được, cũng như những chuyện « nâng giá », « hạ giá » để chuyển tiền ra nước ngoài. Đó là những khoản tương đối khó, nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Tôi nghĩ rằng, những khoản che giấu không bị xuất hiện có lẽ là là những khoản này, kể cả trong nhập cũng như trong xuất.

RFI : Thưa ông, đối với những hàng hóa liên quan đến đời sống hàng ngày, như hàng tiêu dùng, nông sản, những hàng hóa cồng kềnh này, liệu có xảy ra những thất thoát quy mô lớn không ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ khá đáng kể. Vì thường họ không theo đường buôn bán đường hoàng, tức có hóa đơn, chứng từ, có thanh toán qua ngân hàng. Lượng hàng gọi là « biên mậu », hàng tiêu dùng tuồn vào có thể rất lớn. Việt Nam không thu được thuế, nên giá hàng có thể rất rẻ, cái đó không những thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn chèn ép, hủy hoại các doanh nghiệp sản xuất những hàng tương tự ở Việt Nam.

RFI : Ông có dùng từ « biên mậu ». Gần đây có nhiều phê bình đối với thuật ngữ « tiểu ngạch ». Có giới chức trong ngành đưa ra quan điểm : « tiểu ngạch » trên thực chất không còn tồn tại về mặt thể chế (« Xuất nhập khẩu tiểu ngạch : Phương thức không còn hiện hữu » của Trần Bảo Giám, nguyên Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công Thương, bài trên báo mạng Công thương, ngày 06/11/2011). Ông nghĩ thế nào ?

Nguyễn Quang A : Tôi cũng không hiểu từ « tiểu ngạch » ấy họ ám chỉ cái gì ?! Bởi vì thực sự là có những buôn bán nhỏ của người dân ở vùng biên giới, người ta đi sang bên kia cũng như đi chợ, vì những người ở đấy họ có cùng tiếng nói, thân thuộc với nhau. Người ta đi sang, người ta chỉ mua bán ở chợ. Nếu cái đó gọi là tiểu ngạch, thì tôi nghĩ là lượng hàng hóa mà người dân chỉ đi qua để trao đổi cho tiêu dùng của chính mình, thì thực sự là không đáng kể. Nhưng mà lợi dụng việc như thế (hình thức thương mại này), thực sự phải gọi là « buôn lậu » thì chính xác hơn. Hàng đoàn người sang mang lậu hàng cho một ông chủ nào đấy. Chuyện này xảy ra khá nhiều. Quản lý thị trường, công an có lúc họ làm ráo riết, nhưng có lúc họ lại lơ đi.

RFI : Thưa ông, tại sao việc kiểm soát buôn lậu cho đến nay không thực hiện được ?

Nguyễn Quang A : Có thể có một cách giải thích. Đây là một chuyện người ta đồn ở ngoài thôi, nhưng mình không có thông tin để kiểm chứng, nhưng người ta nói rằng : để vào được một vị trí biên phòng chẳng hạn, phải tốn rất nhiều tiền, cũng như cảnh sát giao thông đứng đường, có cơ hội tìm cách phạt người dân để thu tiền. Có thể những người ở các lực lượng có trách nhiệm canh gác, như quản lý thị trường, công an, biên phòng, phải theo cái guồng ấy. Và được khuyến khích (nhận hối lộ - ndr) để kiếm tiền. Trong trường hợp như thế, thì tôi nghĩ hoàn toàn là do tại bộ máy.

RFI : Vừa rồi, ông có nhắc đến từ « phải chuyển đối thể chế » mới có thể giải quyết được tệ nạn này (nhập siêu, buôn lậu). Có nghĩa là việc này không thể được làm thực chất, nếu chính quyền vẫn được tổ chức như kiểu hiện nay ?

Nguyễn Quang A : Vâng, tôi nghĩ là như vậy. Nhưng đây không có ý nói rằng là : nếu có một cái gọi là « dân chủ hình thức », thì sẽ giải quyết được vấn đề đấy. Cái này hoàn toàn là vấn đề tổ chức bộ máy hành chính của Nhà nước. Vấn đề lương lậu cho công chức (hải quan, biên phòng…). Còn nếu để kỷ luật kém, không ngăn chặn những « khuyến khích », những cái tạo động lực cho tất cả những người nằm trong các mắt xích của (dây chuyền) buôn lậu này, (khiến họ) đều làm bậy cả, đều có sự chia sẻ cả (trong việc tiếp tay, dung túng – ndr). Đấy mới là vấn đề quan trọng nhất.

« Tham nhũng chính sách » : Sự rệu rã của bộ máy và sự thờ ơ của giới trí thức

RFI : Dường như đây là lý tưởng mà một nền hành chính phục vụ xã hội, phục vụ người dân nào cũng phải hướng đến. Nhưng bên cạnh đó, phải chăng còn có thêm một chuyện nữa : chính quyền trung ương có thể đã ra những chính sách mập mờ, có lợi cho việc dung túng không khí như trên ? Tức là góc độ mà người ta gọi là « tham nhũng chính sách », dùng chính sách để tham nhũng ? Ông nghĩ như thế nào ?

Nguyễn Quang A : Điều này có cái lý của nó. Thứ nhất là việc tản quyền hay phân quyền cho địa phương là việc tốt. Nhưng phân cái gì, phân đến đâu, và khi phân, thì giám sát, kiểm tra việc người ta thực hiện như thế nào. Tôi nghĩ có mặt trái của sự phân quyền. Có thể có sự buông lỏng, và thậm chí trong những chính sách của trung ương, thì nhiều khi tạo ra những kẻ hở, những khuyến khích để khuyến khích (hay kích thích – ndr) cả một bộ máy địa phương dung túng cho việc này. Vì không loại trừ khả năng là, vì lợi ích cục bộ của địa phương mà làm hại cho lợi ích chung, và lợi ích lâu dài của chính địa phương đó. Những chuyện như thế, hoàn toàn có thể xảy ra.

Những giả thiết như thế hoàn toàn có lý của nó. Và có thể bằng những khảo sát nhanh, không tốn kém lắm nhằm xác minh những giả thuyết như thế có đúng không ? Chỉ trong những trường hợp như thế, mình có cơ sở, có bằng chứng, thì lúc đó mới tìm ra giải pháp, phải sửa ở khâu nào, ở chính sách, ở thực thi, ở một khâu hay tất cả.

RFI : Thưa ông, về nạn buôn lậu, xuất nhập khẩu bất hợp pháp, trong thời gian vừa qua, ngày càng được công luận, giới chuyên môn, kể cả Nhà nước, thấy là nghiêm trọng nhưng dường như có quan sát cho rằng không có việc gì đáng kể được làm, liên quan đến những điều ông vừa nói (nghiên cứu, điều tra nhanh để làm sáng tỏ, thẩm định các giả thuyết về lỗ hổng của bộ máy, các khuyết tật/mập mờ của hệ thống [về chính sách] khiến tham nhũng được dung túng). Dường như đã không có sự đầu tư thực sự từ giới chuyên môn, Nhà nước, và tình hình cứ tiếp tục như vậy, nên rất khó có thể hy vọng ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, nhận xét như thế có thể nói là đã mô tả tương đối là chính xác về tình hình. Rất đáng tiếc là bản thân bộ máy này nó là bộ máy bị rệu rã, nó bị hư hỏng đi, trong quá trình dài rồi. Và không có người nào dám đụng đến. Bởi vì, khi đụng đến chuyện bộ máy như thế, bởi vì nó dính với nhau hết, nó là một cái mạng, như cái mạng nhện, đụng vào chỗ này, thì nó lan sang chỗ kia, và với cái đấy thì phải có một quyết tâm rất là lớn - gọi là « quyết tâm chính trị » rất lớn - mới có thể làm được. Rất đáng tiếc, quyết tâm như thế không thấy mấy ở các vị lãnh đạo trung ương, cũng như địa phương.

RFI : So với không khí ở Việt Nam hồi giữa năm ngoái, sau sự cố « giàn khoan », khi không khí có vẻ hơi bùng lên, người ta cảm thấy rất cần và có thể « thoát » khỏi Trung Quốc, nhưng dường như từ nửa năm trở lại, khí thế đó dường như đang xuôi xuống ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, đối với người dân có lẽ không phải là như vậy. Người dân rất nóng ruột. Nhưng mà người dân thấy mình, nếu hăng hái, năng nổ quá, thì bị chính quyền quy cái nọ, cái kia. Thực sự, có thể nói là người ta chán. Tôi nói ví dụ, lẽ ra chuyện Trung Quốc xây cất ngoài biển như thế, rồi việc nó đánh bà con ngư dân của mình, đâm hỏng tàu…, đáng lẽ đã phải bùng lên một đợt biểu tình, lên tiếng của dân chúng, nhưng mà năm nay không thấy gì cả. Có thể bởi vì người dân cũng ngán cách ứng xử của chính quyền này rồi.

RFI : Trong bối cảnh hiện nay, nạn hàng lậu, hàng giả, nhất là từ Trung Quốc, khiến tình trạng kinh doanh ở Việt Nam hết sức khó khăn, phải không ạ ?

Nguyễn Quang A : Tất nhiên. Nhưng với sự tham gia TPP, nếu nó hình thành, các hiệp ước song phương giữa Việt Nam với EU (Liên Hiệp Châu Âu)…, sự hội nhập càng rộng như thế, thì cái môi trường kinh doanh sẽ bằng phẳng hơn và lúc đó sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà ở đây tôi nói đến những doanh nghiệp nào có sức cạnh tranh, còn doanh nghiệp nào không có sức, thì đằng nào cũng chết.

RFI : Đấy là về những triển vọng khi các sân chơi mới mở ra. Còn về chủ đề chính hôm nay, nạn buôn lậu, kinh tế ngầm qua biên giới Việt – Trung, theo ông, liệu có thể hy vọng rằng Nhà nước Việt Nam có thể làm được việc gì khiến tình hình không trở nên tồi tệ hơn ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng : nếu người ta muốn làm, thì làm cũng không khó. Còn nếu người ta không muốn làm, thì chẳng bao giờ có thể giải quyết được cả.

RFI xin cảm ơn các nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A, Phạm Gia Minh, luật sư Trần Vũ Hải và nhà văn Trần Đình Hiến.

***

Từ hơn mười năm nay, sự phát triển của thương mại Việt Nam – Trung Quốc đi liền với hiện tượng nhập siêu tăng vọt, cùng với buôn lậu và kinh tế ngầm với nhiều hình thái ngày càng tinh vi, nhưng cũng vừa diễn ra rất phổ biến, thậm chí nhiều khi trở thành một loại hoạt động được coi là « bình thường » trong xã hội. Nhiều nhà chuyên môn và người am hiểu cho rằng một nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do chính sách thương mại tiểu ngạch, vốn chỉ được áp dụng tại các khu vực biên giới, đã được (ngầm) mở rộng cho sự tham gia của các doanh nghiệp trên toàn quốc (có lẽ từ hơn 20 năm qua, ngay từ khi biên giới mở cửa trở lại). Chính sách này có thể coi là đã được hợp thức hóa với Quyết định 254/2006/QĐ-Ttg (năm 2006), dưới một tên gọi khác « thương mại biên giới » (bao gồm ba loại hoạt động : "mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới"; "buôn bán tại chợ biên giới"… và "xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các phương thức không theo thông lệ buôn bán quốc tế").

Lo ngại các hệ quả và hiểm họa ngày càng lớn của chính sách mập mờ này, Trung tâm WTO – Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – đã chính thức đề nghị Chính phủ xem xét và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn « chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch » này, « bị lạm dụng biến thành cơ chế trốn thuế của thương nhân hai nước » (bài « 20 tỷ đô la từ Trung Quốc vào Việt Nam đi đâu mất ? », báo mạng Vietnamnet, ngày 05/05/2015). Xóa bỏ chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch phải chăng cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ (hoặc sửa đổi) điều 1, chương I của Quyết định 254) ?

Hiện tại, Bộ Công thương Việt Nam vẫn tiếp tục có chủ trương thúc đẩy buôn bán « tiểu ngạch » với Trung Quốc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, để khơi thông xuất khẩu trước hết cho một số mặt hàng nông nghiệp. Trước thực tế này, không ít người có thể đặt câu hỏi : Liệu đây chỉ là một chính sách ngắn hạn để giải quyết một số bế tắc kinh tế nhất thời trong nước, với rất nhiều rủi ro đi kèm, hay là nỗ lực trì níu một phương thức làm ăn đã bộc lộ toàn bộ những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế và xã hội Việt Nam ?

Một khía cạnh khác cũng cần được ghi nhận là, trong lúc chính quyền Việt Nam dường như đang đứng trước ngã ba đường trong vấn đề này, thì những biểu hiện cụ thể và các tác động sâu xa của chính sách "thương mại biên giới" (tên gọi chính thức của chính sách "tiểu ngạch") (cũng như các hoạt động của Ban chỉ đạo thương mại biên giới) trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam, trong mối tương liên với quốc tế, cho đến nay dường như vẫn mới chỉ là một chủ đề để phê phán hay ủng hộ, hơn là một đối tượng nghiên cứu cơ bản của kinh tế học cũng như khoa học xã hội nói chung.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A (Hà Nội)
22/06/2015
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150622-nan-buon-lau-qua-bien-gioi-trung-quoc-chinh-quyen-viet-nam-co-thuc-su-muon-giai-qu/#

No comments:

Post a Comment