PARIS, Pháp (NV) .- Tương tự như những năm trước, Việt Nam vẫn là một nước được xếp hạng gần chót bảng đánh giá về tự do thông tin báo chí của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, mới được công bố.
Tờ Thanh Niên loan tin ký giả của họ và tờ Tuổi Trẻ bị tống giam vì loan tin quá chi tiết về vụ án tham nhũng tại tổng công ty PMU 18 trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3/5/2015, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) trụ sở tại Paris, phổ biến bảng xếp hạng đánh giá về tự do báo chí tại 180 nước trên thế giới. Trong đó, họ xếp Việt Nam hạng thứ 175 tức gần chót bảng cùng với các nước độc tài cộng sản, quân phiệt và tôn giáo cuồng tín trên thế giới.
Cùng nằm một chỗ chót bảng, người ta thấy như sau: 169 Cuba, 170 Djibouti, 171 Lào, 172 Somalia, 173 Iran, 174 Sudan, 175 Vietnam, 176 Trung Quốc, 177 Syria, 178 Turkmenistan, 179 Bắc Hàn, 180 Eritrea.
Trong bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam bị RSF xếp hạng 174 tức năm nay còn tồi tệ hơn năm trước một ít trong nhận định tự do thông tin báo chí tại nước CHXHCNVN “càng ngày càng tụt lùi hơn trước”.
Những nước được tổ chức nói trên xếp hàng đầu về tự do báo chí hầu hết là các nước ở Bắc Âu như :1 Finland, 2 Norway, 3 Denmark, 4 Netherlands, 5 Sweden.
Hàng chục nhà báo tự do và ngay cả một số ký giả làm cho hệ thống báo chí tuyên truyền của nhà cầm quyền cũng bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù trong những năm qua. Các người viết blogs, facebook và các hình thức thông tin trên internet nằm ngoài tầm kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước...” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”.
Tất cả các bản phúc trình hàng năm về nhân quyền và tự do thông tin báo chí của các chính phủ Hoa Kỳ, Liên Âu và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đều lên án chế độ Hà Nội luôn luôn nói một đàng làm một nẻo.
Tại Việt Nam, hiến pháp mới CSVN thông qua hồi cuối năm 2013, điều 25 viết rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Nhưng toàn bộ hệ thống báo đài mà ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN mới khoe vào Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới năm nay là “hiện có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử” đều là các báo đài có một cơ quan “chủ quản” là nhà cầm quyền từ trung ương xuống tới địa phương, hoặc các bộ ngành và cơ quan ngoại vi của đảng CSVN.
Tư nhân hoàn toàn không được phép ra báo, mở đài phát thanh , truyền hình hay làm báo điện tử.
Ông Nguyễn Bắc Son còn không ngần ngại khoe rằng “Nếu chúng ta nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc thì sẽ thấy ngay mức độ tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam đang dễ thở hơn rất nhiều”, dù cái sự so sánh của ông chỉ là so sánh sự bóp nghẹt quyền tự do thông tin của người dân tại hai nước độc tài đảng trị bên cạnh nhau và cùng xếp hạng bên cạnh nhau gần chót bảng của RSF.
Giữa Tháng Hai vừa qua, ba bloggers là Lê Thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án từ 12 tháng đến 18 tháng tù chỉ vì họ đến săn tin săn hình về cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc của công nhân tại tỉnh Đồng Nai hồi giữa năm ngoái.
Hiện có hai bloggers nổi tiếng là Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Ba Sàm và Nguyễn Đình Ngọc, bút danh Nguyễn Ngọc Già, đang nằm trong nhà tạm giam, không biết bao giờ có bản án từ khi bị bắt. Blogger Nguyễn Ngọc Già bị bắt ngày 27/12/2014. trong khi ông Nguyễn Hữu Vinh đã bị bắt từ ngày 5/5/2014.
Hai bloggers nổi tiếng khác cũng bị bắt trong năm 2014 là các ông Nguyễn Quang Lập (tác giả trang mạng Quê Choa) và Hồng Lê Thọ (tác giả trang mạng Người Lót Gạch). Cả hai ông được cho tại ngoại từ hồi Tháng Hai vừa qua và cũng không biết bao giờ có án. (TN)
No comments:
Post a Comment