WASHINGTON 3-5 (NV) .- Hoa Kỳ thẳng thừng từ chối “lời mời” Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sử dụng các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, khi có nhu cầu tìm kiếm - cứu nạn.
Trung Quốc cưỡng đoạt bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa bồi đắp bãi này thành đảo nhân tạo, xây phi đạo và vừa ngỏ lời “mời” cộng đồng quốc tế sử dụng. (Hình: CSIS)
“Lời mời” bị từ chối được ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nêu ra trong một thông cáo được phát hành ngày 1 tháng 5-2015. Theo đó, việc Trung Quốc bồi đắp hàng loạt bãi đá tại biển Đông thành đảo nhân tạo và biến các đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự là nhằm “cải thiện chất lượng các dịch vụ công cộng tại biển Đông như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương, tìm kiếm – cứu nạn”, góp phần “thực thi các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế”.
Cũng vào dịp này, ông Lợi khẳng định việc Trung Quốc xây dựng chuỗi căn cứ quân sự ở biển Đông, “không đe dọa quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không”.
Ngay sau đó, ông Jeff Rathke, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuyên bố, Hoa Kỳ không quan tâm đến “lời mời” của Trung Quốc. Thậm chí, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khẳng định, ngay cả khi các cơ sở được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo chỉ được sử dụng cho các mục đích dân sự và nhân đạo thì việc đơn phương bồi đắp các bãi đá đang còn tranh chấp về chủ quyền vẫn nguy hại cho hòa bình và ổn định trong vùng.
Ông Rathke nói thêm, nếu thật sự muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp, mở rộng các bãi đá. Theo ông Rathke, nếu Trung Quốc muốn hợp tác cứu nạn, Trung Quốc nên làm việc với những cơ chế đa phương hiện có như cơ chế của ASEAN.
Trước đây, nhiều chuyên gia từng nhận định, các nỗ lực thay đổi nguyên trạng biển Đông của Trung Quốc nhằm đặt cộng đồng quốc tế trước một chuyện đã rồi. Nay, lời mời cộng đồng quốc tế sử dụng “các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa” khi có nhu cầu tìm kiếm - cứu nạn là minh họa rõ nhất và mới nhất cho nhận định đó.
Khi cần thực hiện các hoạt động nhân đạo, cộng đồng quốc tế phải xin phép và được Trung Quốc chấp thuận, tiếp nhận sự hỗ trợ từ Trung Quốc ở vùng biển mà Trung Quốc từng sử dụng sức mạnh để cưỡng đoạt chứ không có chủ quyền hợp pháp.
Cả Việt Nam, Philippines, lẫn Mã Lai, Brunei, Đài Loan – những quốc gia vốn đang có tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đều chưa có phản ứng nào về lời mời của Trung Quốc.
Sự kiện mới nhất liên quan đến chuỗi căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên biển Đông nhằm “cải thiện chất lượng các dịch vụ công cộng tại biển Đông như dự báo khí tượng, nghiên cứu hải dương, tìm kiếm – cứu nạn”, góp phần “thực thi các nghĩa vụ quốc tế về an ninh tại hải phận quốc tế” xảy ra hôm 19 tháng 4.
Một chiến hạm của Trung Quốc thả neo gần bãi đá Subi ở quần đảo Trường Sa đã chiếu đèn pha cực mạnh và bắn pháo sáng để ngăn chặn một chiếc phi cơ loại Fokker của Không quân Philippines. Bộ Ngoại Giao Philippines tố cáo, hành động của chiến hạm Trung Quốc là một kiểu khiêu khích. Tuy nhiên phi cơ của Không quân Philippines không đáp trả hành động khiêu khích đó.
Bãi đá Subi nằm trong cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1988. Thị Tứ là hòn đảo lớn thứ hai trong số các đảo tại quần đảo Trường Sa. Thị Tứ vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines từng bí mật đổ quân chiếm giữ vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 – 1975.
Vụ khiêu khích vừa kể đã khiến Philippines phải hủy kế hoạch vận chuyển một nhà báo Philippines đang chờ được đưa từ đảo Thị Tứ về đất liền cấp cứu. Cuối cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines phải tham gia hỗ trợ bằng cách đưa nhà báo Philippines cần được cấp cứu vào đất liền bằng phi cơ dân sự.
“Lời mời” của Trung Quốc có thể không thực tâm nhưng qua “lời mời” này, dường như Trung Quốc muốn xác định, chỉ Trung Quốc mới có quyền và đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng quốc tế tại biển Đông. (G.Đ.)
05-03- 2015 11:30:13 AM
No comments:
Post a Comment