Friday, May 22, 2015

Có ai còn thực lòng yêu Đảng?

Có ai còn thực lòng yêu Đảng?
Ảnh minh họa
Biên tập viên của một chương trình truyền hình kể lại rằng, trong một lần đi tìm nhân vật cho một phóng sự nhân kỷ niệm 30/4- Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị đã nghe các đồng đội của một người lính hy sinh trong mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972 kể lại chuyện hết sức cảm động về anh. Trước khi qua đời, người chiến sĩ bị thương nặng đã chỉ tay vào ngực trái mình. Một đồng đội mở cúc túi áo trái của anh lấy ra mấy chục đồng bạc. Ai cũng nghĩ rằng anh sẽ nhờ đồng đội chuyển số tiền này về cho mẹ anh ở quê Hà Tĩnh, nhưng người lính đã thì thào với đồng đội: “Tháng này tôi chưa kịp đóng đảng phí. Hết chiến dịch các đồng chí đóng giúp tôi”. Anh tắt thở trên tay các đồng đội. Nhà văn Chu Lai cũng từng kể lại rằng, khi người lính đặc công cắt xong hàng rào dây thép gai cuối cùng để công phá đồn giặc thì đồng chí chỉ huy, bí thư chi bộ, nằm ngay sau anh, cấu vào bàn chân anh nói nhỏ: “Thay mặt chi bộ tôi xin tuyên bố: từ giờ phút này đồng chí đã trở thành đảng viên”. Đồn giặc bị phá, người lính đặc công ấy đã mãi mãi nằm lại với đất lành Duy Xuyên.
Vâng, một thời hai từ đảng viên thiêng liêng như vậy. “Đảng viên” là danh dự, là thước đo về phẩm hạnh của một cán bộ cộng sản. Chả nói đâu xa, như gia đình nhà tôi đây thôi. Năm 1964 anh tôi được kết nạp vào Đảng trước khi ra chiến trường. Bác tôi đã dựng rạp ngoài sân mời cả họ đến liên hoan, đặt cái Quyết định kết nạp đảng lên bàn thờ báo cáo với tổ tiên. Rồi anh tôi đi và không bao giờ về nữa.
Trong thập niên 60, 70 (mà tôi chứng kiến) dường như không một thanh niên nào ở miền Bắc XHCN không mơ ước, không phấn đấu để trở thành đảng viên, và, chắc chắn rằng, nhiều người trong số họ phấn đấu vào đảng “không phải là để thăng quan phát tài, mà là để phục vụ tổ quốc, là đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân” (như Cụ Hồ đã nói).
Nhưng rồi với thời gian, với nhiều người, động cơ vào đảng đã bắt đầu thay đổi. Từ vào đảng “là để trở thành đầy tớ trung thành của nhân dân” sang “là để thăng quan phát tài”.
Vì muốn trở thành một lãnh đạo ở bất kỳ cấp nào trong hệ thống nhà nước điều kiện tiên quyết phải là đảng viên (trừ một vài trường hợp hy hữu), có chức vụ còn quy định cụ thể là phải có bằng chính trị cao cấp.
Trong các trường đại học không ít sinh viên đã nhìn thấy hoạt động đoàn là nơi dễ “thăng quan phát tài” hơn phấn đấu học giỏi. Ở các cơ quan nhà nước không ít người muốn lên trưởng phòng, ban phải có cái thẻ đảng viên. Mấy anh nhà báo muốn lên chức Tổng biên tập phải có bằng chính trị cao cấp.
Việc quy định “phải là đảng viên”, “phải có bằng chính trị cao cấp”, theo tôi, chả có gì xấu, nhưng hệ quả của nó dẫn tới “động cơ” vào đảng đã không còn trong sáng nữa. Chả thế mà cách đây chừng chục năm có anh cán bộ cấp khá cao đã dùng “phao” khi thi khóa học chính trị cấp cao bị giám thị bắt lập biên bản, báo chí làm um một thời đó thôi.
Thử hỏi, các Đ/C đối tượng đảng, các Đ/C đảng viên xem: bây giờ có những ai còn thực lòng yêu đảng, vào đảng “không phải là để thăng quan phát tài mà là để trở thành đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”?
05-22-2015
Lê Thọ Bình
Nguồn:https://www.facebook.com/letho.binh/posts/880849492036022

No comments:

Post a Comment