(PL)- Bản án sơ thẩm của TAND TP Cà Mau tuyên nạn nhân bị bắn không phạm tội chống người thi hành công vụ không chỉ đúng luật mà còn đúng tinh thần cải cách tư pháp, cần nhân rộng để các nơi học tập.
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 21-4 có bài “Thi hành công vụ vì… một lời chửi đổng” phản ánh vụ án mà TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vừa xử sơ thẩm. Theo đó, tòa đã tuyên bị cáo Huỳnh Nhật Quang không phạm tội chống người thi hành công vụ như cáo buộc của VKS. Đồng thời, tòa nhận định hành vi của các công an xã Tắc Vân - trong đó có Phó Công an xã Dương Trí Dũng, người dùng súng cao su bắn bị thương anh Quang khi anh đang bị còng tay - không phải là thi hành công vụ. Tòa kiến nghị VKSND tỉnh Cà Mau xem xét lại quyết định không khởi tố ông Dũng của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau.
Có lẽ đây là trường hợp hiếm thấy vì tòa án không chỉ mạnh dạn tuyên bố bị cáo không phạm tội mà còn kiến nghị phải khởi tố cả người “thi hành công vụ”.
Gây sự chứ không phải thi hành công vụ
Mấu chốt của vụ án là việc xác định lực lượng công an xã có phải là đang thi hành công vụ hay không. Hành động dùng súng (công cụ hỗ trợ) bắn vào má anh Quang của ông Dũng có được coi là hành vi diễn ra trong khi thi hành công vụ hay không.
Theo cáo trạng, khoảng 24 giờ đêm 4-2-2013, tổ công tác Công an xã Tắc Vân đã kiểm tra giấy tờ xe bạn của Quang do không đội mũ bảo hiểm. Chưa bàn đến việc công an xã có được kiểm tra vi phạm giao thông hay không nhưng sau khi tổ công tác đã “làm xong nhiệm vụ”, đã bỏ đi thì anh Quang mới… chửi đổng. Như vậy việc anh Quang chửi đổng không hề có mối liên quan gì đến nhiệm vụ của tổ công tác. Giả thiết trong lúc anh Quang xin cho bạn mình mà có lời lẽ xúc phạm tổ công tác thì việc chửi đổng của anh Quang ngay lúc đó mới được coi là có lời lẽ xúc phạm người thi hành công vụ.
Anh Huỳnh Nhật Quang với vết thương do bị phó công an xã bắn. Ảnh: TRẦN VŨ
Nhưng ở đây ông Dũng được một công an viên báo cho biết là anh Quang chửi đổng nên ông này mới tức tối quay lại gây sự với anh Quang chứ có vì nhiệm vụ gì đâu! Tại thời điểm này, chỉ có thể nói ông Dũng cùng các công an viên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để “cho mày biết thế nào là lễ độ” khi dám chửi người của Nhà nước. Do đó mọi hành vi xâm phạm đến thân thể của anh Quang trong lúc này không được coi là hành vi diễn ra trong khi thi hành công vụ nữa.
Lợi dụng việc thi hành công vụ, ỷ vào số đông, tổ công tác đã còng tay anh Quang đưa về trụ sở đã là một việc làm trái pháp luật. Nghiêm trọng hơn, tại trụ sở, trong lúc anh Quang đang bị còng tay, không còn khả năng tự vệ thì ông Dũng lại dùng súng ngắn bắn anh Quang khiến anh bị thương phải đưa đi cấp cứu với tỉ lệ thương tật 8%.
Giả thiết việc bắt cũng như việc còng tay anh Quang là đúng pháp luật và nằm trong phạm vi thi hành công vụ thì sau khi đưa anh Quang về trụ sở, ông Dũng cũng không được có bất cứ hành vi nào xâm phạm đến thân thể của anh Quang. Mọi hành vi xâm phạm đến thân thể của anh Quang lúc này đều là hành vi trái phép và nằm ngoài công vụ.
Một phán quyết dũng cảm!
HĐXX của TAND TP Cà Mau đã đúng khi cho rằng trong vụ án này, lực lượng công an xã đã thực hiện hành vi công vụ không đúng đắn và hành vi của anh Quang không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ nên anh Quang không phạm tội.
Công an tỉnh Cà Mau cho rằng ông Dũng gây thương tích cho anh Quang chưa đến 31% nên không cấu thành tội phạm. Đây là cách hiểu sai lầm về thi hành công vụ và phạm tội trong khi thi hành công vụ. Vì vậy việc tòa sơ thẩm đề nghị VKSND tỉnh Cà Mau xem lại quyết định không khởi tố ông Dũng (mà nói trắng ra là nên hủy bỏ quyết định này bằng việc khởi tố) là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ỷ thế có chức, có quyền, có súng trong tay muốn hành xử thế nào cũng được đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở cấp cơ sở. Hành vi gây thương tích cho anh Quang của ông Dũng phải coi là trường hợp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành công an nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền nên cần phải xử lý nghiêm, không nên bao che, cho dù ông này có là con, cháu của ai.
Việc tòa án tuyên bố một người không phạm tội, nếu xét về thẩm quyền, chẳng có gì phải bàn. Nhưng trước giờ chuyện này rất ít khi xảy ra. Tòa biết bị cáo không phạm tội đấy nhưng vẫn cứ “bấm bụng” kết án hoặc trả hồ sơ “đến cùng” để viện đình chỉ. Sở dĩ tòa phải làm vậy là vì muốn “dĩ hòa vi quý” để mối quan hệ giữa tòa và viện không bị sứt mẻ hoặc tòa muốn “cứu” viện để viện khỏi bồi thường oan. Trong bối cảnh ấy, bản án của TAND TP Cà Mau được dư luận rất hoan nghênh, đồng tình. Nếu tòa án nào cũng dũng cảm như vậy thì công cuộc cải cách tư pháp sẽ đạt được kết quả mỹ mãn.
Qua vụ án này, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng nên rút ra bài học quý giá khi cân nhắc đưa ra một quyết định sao cho đúng pháp luật, hợp lòng dân, “thấu lý, đạt tình”.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Tòa kiến nghị, viện “chấp hành” ra sao?
Ngoài việc tuyên anh Huỳnh Nhật Quang không phạm tội, bản án sơ thẩm của TAND TP Cà Mau còn kiến nghị VKSND tỉnh Cà Mau xem xét lại quyết định không khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này. Về việc này, BLTTHS không có quy định bắt buộc VKS hay cơ quan điều tra phải chấp hành. Nếu có kháng nghị của VKS mà TAND tỉnh Cà Mau không chấp nhận, vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm thì kiến nghị của tòa đối với hành vi của ông Dương Trí Dũng cũng chỉ có ý nghĩa “chính trị” chứ không có giá trị pháp lý. Ngay cả trường hợp HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án thì quyết định của tòa cũng không bắt buộc VKS hay cơ quan điều tra phải chấp hành.
Nói cách khác, kiến nghị là chuyện của tòa, còn viện có làm hay không là chuyện khác. Tất nhiên với sự việc phạm tội rõ ràng mà VKS không khởi tố thì cơ quan giám sát (HĐND) sẽ có việc để làm!
|
No comments:
Post a Comment