Chiến tranh đi qua, còn để lại những cảm giác khác nhau trong người Việt
Tôi thuộc lứa thanh niên sinh năm 1975 ở thành phần chính thống với cả cha và mẹ đều là Đảng viên.
Từ nhỏ tôi luôn luôn ghét những người ở bên kia chiến tuyến và Mỹ.
Nhưng đẩy đưa thế nào thay vì học tiếng Nga, tôi lại vào học lớp tiếng Anh và tôi học tiếng Anh rất giỏi. Tiếp tục đẩy đưa đến chỗ sau khi ra trường tôi toàn làm cho công ty nước ngoài và đặc biệt rất nhiều công ty của Mỹ, rồi đi công tác nước ngoài nhiều lần bên Mỹ nên tôi cũng hiểu thêm nhiều về Mỹ và những người Việt vượt biên, định cư ở Mỹ. Thậm chí tôi còn có vài người bạn khá thân mà gia đình trước đây hoàn toàn làm cho chế độ cũ. Những năm gần đây tôi thường xuyên xem xét các tin tức ở cả hai luồng chính kiến để có cái nhìn nhiều chiều về quá khứ, về chế độ và về cuộc sống.
Sau đây là những ý kiến của cá nhân tôi:
Hiện nay có quá nhiều ý kiến chia rẽ chống đối chế độ hiện tại, có ý gần như phủ định những gì chế độ hiện hành đã làm mà tôi cảm thấy không thỏa đáng. Nhìn nhận khách quan mà nói, tôi thích đất nước Việt Nam thống nhất và thanh bình như thế này hơn, dù có nghèo hơn một chút. Nhìn cảnh Nam và Bắc Triều Tiên tôi không thích chút nào vì tình cảnh gia đình ly tán.
Ngày xưa nhiều người hỏi vì sao Cộng Sản thắng? Tôi không biết nhiều lắm, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống và hình ảnh của cha mẹ tôi là tôi hiểu tại sao. Cha mẹ tôi mặc dù có những giai đoạn giữ chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước mà cực kỳ liêm chính, trong sạch, luôn luôn nghĩ và hy sinh vì người khác, luôn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc và trau dồi kiến thức, chính vì vậy mà khá nghèo (tôi học toàn theo diện học bổng của trường, vào Đại học cũng phải cày dạy thêm như ai). Cha mẹ tôi bảo hồi còn chiến tranh, gần như ai cũng như cha mẹ tôi cả. Do đó cha mẹ tôi hiện nay thấy tham nhũng tràn lan cảm thấy rất bất mãn.
Quan điểm của tôi về Mỹ và người Mỹ hoàn toàn thay đổi, có thể nói gần như tôi thích mọi điều về nước Mỹ và người Mỹ. Họ là đất nước văn minh, hiện đại, con người rất giỏi, giàu lòng nhân ái. Làm cho công ty của Mỹ tại Việt Nam là làm việc trong số những công ty tốt nhất về lương bổng, phúc lợi, điều kiện làm việc, cơ hội học hỏi.
Những người bạn thuộc gia đình làm việc trong chế độ cũ hiện vẫn ở Việt Nam hầu hết có cuộc sống tốt đẹp trừ khi tham gia vào các hoạt động chống chính quyền.
Về chính phủ: Rõ ràng chính phủ có rất nhiều chính sách sai lầm sau năm 1975 về kinh tế, về đối xử với những người thuộc chế độ cũ gây hiềm thù dân tộc, v.v. Những sai lầm này nên được nhìn nhận một cách công khai cho toàn dân đặc biệt là ở phía bên kia hiểu và tha thứ.
Độc đảng, đa đảng
Đôi khi tôi tự hỏi không biết nước mình độc đảng hay đa đảng thì sẽ tốt hơn. Theo nghĩa đơn thuần, cái gì độc thì là độc quyền không tốt cho sự phát triển là rất đúng. Nhưng đa đảng thì lại kèm theo những xáo trộn chính trị nhìn xung quang như Thái Lan, Philippines, và nhiều nước đa đảng nhưng vẫn nghèo đói như các nước ở châu Phi, châu Mỹ; đặc biệt với tình hình phức tạp ở Việt Nam làm sao tránh khỏi những cuộc thanh trừng đẫm máu sau này nếu ví dụ tổ chức của Việt Nam Cộng Hòa cũ thắng cử.
Nên chăng ta vẫn giữ một Đảng nhưng thay đổi tên, đừng dùng tên Đảng Cộng Sản, dùng tên gì đó thích hợp, cải cách lại toàn bộ hệ thống đem đến sự hòa giải dân tộc toàn diện. Chính phủ phải có biện pháp tích cực chống tham nhũng, chọn những con người vừa giỏi (được đào tạo kỹ ở những nước có trình học dạy học cao như Anh, Mỹ), vừa có tâm vừa có tầm đủ sức lãnh đạo đất nước.
40 năm từ ngày 30/4/1975, tôi thấy nước mình vẫn còn nghèo lắm. Tôi ước ao đất nước Việt Nam thân yêu của tôi ngày một giàu có, phát triển, thanh bình và không có tham nhũng ở các cấp chính quyền; và mọi người trong và ngoài nước ngừng đấu đá nhau và cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.
No comments:
Post a Comment