Saturday, March 7, 2015

Hợp thức hóa một công nhân Trung Quốc chỉ tốn $95

GIA LAI (NV) - Nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai vừa công bố quyết định phạt Tập đoàn Xây dựng công trình Quảng Tây của Trung Quốc 60 triệu đồng vì đưa 20 công nhân vào Việt Nam làm việc không có giấy phép.


 Khu Kinh tế Vũng Áng nơi có khoảng 4,000 công nhân Trung Quốc làm việc và đa số không có giấy phép lao động. (Hình: VnExpress)

Tập đoàn Xây dựng công trình Quảng Tây được chọn làm nhà thầu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.

Tính ra tiền phạt trên mỗi công nhân Trung Quốc mà tập đoàn vừa kể đưa vào Việt Nam để làm việc nhưng không thèm xin giấy phép lao động chỉ có hai triệu đồng, khoảng 95 Mỹ kim/người. Dẫu vào Việt Nam làm việc không có giấy phép lao động song 20 công nhân Trung Quốc không bị trục xuất. Tập đoàn Xây dựng công trình Quảng Tây sẽ được “hướng dẫn” xin giấy phép lao động cho 20 công nhân này.

Chuyện vừa kể không chỉ xảy ra ở tỉnh Gia Lai mà đã thành lối ứng xử chung của hệ thống công quyền CSVN đối với những doanh nghiệp sử dụng công nhân Trung Quốc tràn sang Việt Nam làm việc mà không có giấy phép lao động.

Hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi phát giác 303 công nhân Trung Quốc đến Việt Nam làm việc cho một số dự án mà Tập đoàn Formosa đầu tư tại Khu Kinh tế Vũng Áng nhưng không có giấy phép lao động, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã phạt hai doanh nghiệp (Công ty MCC 19 và Công ty Anh Bảo) sử dụng các công nhân này khoản tiền là 4.5 tỉ.

Tính ra, hai doanh nghiệp vừa kể phải nộp phạt cho mỗi công nhân Trung Quốc mà họ đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa du khách nhưng thực chất là làm việc không có giấy phép lao động, khoản tiền từ 15 triệu đến 25 triệu/người.

Lúc đó, một viên thượng tá là Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng xác nhận, sau khi xử phạt, giới hữu trách ở Hà Tĩnh đã hướng dẫn Công ty MCC 19 và Công ty Anh Bảo đưa hồ sơ 303 công nhân Trung Quốc vi phạm đủ thứ qui định cả về xuất – nhập cảnh, lẫn lao động của Việt Nam ra Hà Nội, xin chuyển đổi mục đích nhập cảnh để 303 công nhân này có thể tiếp tục ở lại làm việc.

Sự khác biệt trong cả hai trường hợp vừa kể, nếu có, chỉ ở chỗ mức phạt của chính quyền tỉnh Gia Lai cho thấy tình hữu nghị với Trung Quốc của họ dạt dào hơn chính quyền tỉnh Hà Tĩnh. (G.Đ)
03-06-2015 4:52:42 PM

No comments:

Post a Comment