Sunday, February 22, 2015

Nhiều Việt kiều chỉ ra lý do trái cây Việt Nam bị chê

SÀI GÒN (NV) - Không chỉ yếu về công nghệ bảo quản mà cách tiếp thị, bán hàng của nông sản Việt Nam ở nước ngoài quá kém khiến giá trị giảm sút, khách hàng đang quay lưng.



Vải thiều Bắc Giang nổi tiếng nhưng không xuất đi được nhiều nước trên thế giới. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Tờ Pháp Luật Sài Gòn cho biết, tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước” do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tổ chức vừa qua tại thành phố Sài Gòn, nhiều Việt kiều đã chỉ rõ điểm yếu của trái cây Việt vì sao không bán được ở nước ngoài.

Theo bà Đinh Kim Nguyệt, chủ một doanh nghiệp Việt kiều ở Canada, thực tế một số mặt hàng trái cây Việt Nam như xoài, vải... rất được người tiêu thụ ưa chuộng nhưng không tìm ra để mua.

Nhưng thanh long Việt đã có mặt tại Canada lại bị coi thường. Lý do là vì doanh nghiệp quen kiểu bán đổ đống như ở Việt Nam. Ở Canada, họ cũng bán kiểu đổ đống không bao bì, nhãn mác, không áp phích, poster giới thiệu đây là trái cây gì, nhập ở đâu, chất lượng ra sao.

“Người tiêu thụ nước ngoài họ không thích mua hàng kiểu vậy, họ muốn biết thông tin, muốn hàng được chăm chút, bảo quản có bao bì, thương hiệu. Do vậy, thanh long Việt đổ đống được một thời gian bị xấu mã, hư hỏng giá có rẻ cũng không ai thèm mua. Chính vì vậy trái cây Việt nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trường bởi hàng Thái Lan,” bà Nguyệt cho biết.

Còn ở thị trường Nga, dù là trái cây Việt Nam tốt, rẻ, ngon nhưng lại cạnh tranh không nổi với trái cây các nước khác ở khâu bảo quản.

Theo bà Vũ Thị Mai Liên, chủ một doanh nghiệp Việt kiều ở Nga cho biết, trái thanh long, nhãn, vải, xoài... được thị trường Nga rất chuộng. Nhưng do vận chuyển bằng đường biển mà công nghệ bảo quản lại kém nên sang đến Nga chỉ bán được một thời gian ngắn là bị hư thúi.

Còn tại Trung Quốc, trái cây Việt cũng không ít lần bị “làm nhục.” Cảnh hàng ngàn xe tải chở dưa hấu, thanh long, vải... xếp hàng dài ở cửa khẩu nhiều ngày liền, khiến cho trái cây bị hư hỏng nặng bán không được, đổ đi cũng không xong.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chúc, một chủ hàng ở Bình Định cho biết, thương lái Trung Quốc thường dùng chiêu để ép giá trái cây Việt: “Họ chê dưa héo cuống, chín quá để mua giá thấp. Biết rằng chở dưa lên cửa khẩu rồi mặc cả với người Trung Quốc là bấp bênh, như đánh bạc, nhưng ở trong nước tiêu thụ không được, đành phải liều chở lên cửa khẩu để hy vọng kiếm chút lời,” bà Chúc nói.

Thực tế đã nhiều lần chứng minh công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam chính là nút thắt để nâng, hạ giá thành nông sản Việt. Nhiều năm qua, công nghệ sau thu hoạch được nhắc tới nhưng tới thời điểm này mới chỉ ứng dụng được với một vài sản phẩm như nhãn, vải sang các thị trường khó tính.

Ông Ngô Chi Phượng, doanh nghiệp Việt kiều ở Thụy Điển, cho rằng, dù có tốn nhưng Việt Nam cũng buộc phải đầu tư về lâu dài, nếu không người nông dân mãi nghèo, doanh nghiệp cũng không khá được vì lợi nhuận quá thấp.

“Hãy học những công nghệ bảo quản của người Nhật, chỉ với túi nylon nano, với ít hơi nước, trái cây có thể tươi như mới cả tháng mà rất an toàn cho người sử dụng,” ông Phượng nói. (Tr.N)
02-20-2015 9:01:51 PM

No comments:

Post a Comment