Sunday, February 22, 2015

CSVN yêu cầu ‘quản lý chặt nợ công’

HÀ NỘI (NV) - Mục tiêu của yêu cầu vừa kể nhằm “bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.” Yêu cầu được đề ra khi Việt Nam đã chìm trong nợ. 


Hầm đường bộ thay cho đèo Hải Vân, một công trình xây dựng bằng vốn vay của Nhật. (Hình: Wikipedia)


Trước đây, Quốc Hội CSVN xác định, nợ công không được vượt quá mức 65% GDP bởi đó là “ngưỡng an toàn” cho an ninh tài chính quốc gia. Dẫu chế độ Hà Nội đã bỏ bớt nhiều khoản vay để nợ công không vượt quá mức vừa kể song các số liệu chính thức về nợ nần cho thấy, nợ công đã xấp xỉ ngưỡng an toàn trong khi Việt Nam không thể ngừng vay mượn.

Mới đây, Học Viện Chính Sách và Phát Triển thuộc Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư CSVN công bố một đề án có tên “Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020.” Đề án nhằm biện bạch cho việc nên nâng ngưỡng nợ công lên... 68% GDP vì trên mức này thì nợ nần mới... “làm giảm động lực đầu tư phát triển, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm khả năng trả nợ và mức độ an toàn của nợ công.”

“Nghiên cứu và đề xuất” của Học Viện Chính Sách và Phát Triển khác hoàn toàn với nhận định của nhiều người, nhiều giới. Trong đó có cả những cá nhân đang là viên chức cao cấp của nhà cầm quyền CSVN.

Tháng trước, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội, nhận định trong một phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam rằng, “Nợ công hiện là một mối đe dọa cho an ninh tài chính quốc gia nếu không muốn dùng từ rất xấu.”

Trước nữa, vào trung tuần tháng 10 năm ngoái, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch Nhà Nước CSVN, cảnh báo, cách nay vài năm, chi thường xuyên (các khoản chi để nuôi bộ máy công quyền) chỉ khoảng 50%, nay đã tăng lên thành 72% và sẽ còn lên nữa nếu quản trị không hiệu quả. Cũng vì vậy, theo ông Sang, 28% còn lại không đủ để trả nợ thành ra Việt Nam phải vay để trả nợ. Ông Sang bảo rằng tình hình nợ nần đã nguy hiểm tới mức “không thể đủng đỉnh.”

Kế đó, đến hạ tuần tháng 10 năm ngoái, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính-Ngân Sách của Quốc Hội, cảnh báo, ngân sách Việt Nam đang ở giai đoạn “rất khó khăn.” Các khoản nợ phải trả đang ngày một lớn so với nguồn thu. Trong tài khóa năm tới, chế độ Hà Nội dự trù sẽ dành khoảng 40% ngân sách để trả nợ, vượt xa giới hạn mà Quốc Hội đề ra là chỉ dùng 25% ngân sách để trả nợ.

Vào lúc đó, ông Hiển lập lại nhận định mà Quốc Hội của chế độ đã từng đề cập nhiều lần thêm một lần nữa. Đó là thật ra, nợ nần của Việt Nam cao hơn mức mà chính phủ Việt Nam báo cáo rất nhiều. Cho đến nay, phía chính phủ CSVN vẫn cả quyết, không thể xem những khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước là nợ của chính quyền. Các doanh nghiệp nhà nước tự vay và tự trả.

Nhiều chuyên gia kinh tế và Quốc Hội Việt Nam thì khẳng định đó là một kiểu ngụy biện. Chính quyền Việt Nam ngụy biện như thế để trấn an mọi người rằng, nợ nần của chính quyền Việt Nam chưa vượt quá mức 65% GDP.

Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, ở phiên họp thường kỳ của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn khẳng định, nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, “chính phủ sẽ công khai tình trạng nợ nần và chịu trách nhiệm trước nhân dân.” Ngân sách vẫn đủ trả nợ còn việc phải “đảo nợ” (vay nợ mới để trả nợ cũ) là “giống như quốc tế,” sau “đảo nợ,” tổng nợ không thay đổi, những món vay sau có thời hạn vay dài hơn, lãi thấp hơn.

Ông Dũng khẳng định như thế sau khi từng báo cáo với Quốc Hội Việt Nam rằng nợ nần chính thức của Việt Nam đã tăng từ 54.2% GDP hồi năm ngoái lên 60.3% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng lên thành 64.9% GDP vào năm 2016.

Bây giờ, cũng ông Dũng yêu cầu “quản lý chặt các khoản vay mới, tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định” và “chỉ dùng nợ công cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.”

Đồng thời phải “khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn (các khoản vay mới cho đầu tư phát triển, kể cả vay cho mục tiêu cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên) để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.” (G.Đ)

02-20-2015 8:26:33 PM

No comments:

Post a Comment