Sunday, April 28, 2024

Không phải chỉ tham và dốt, mà là cố tình phá hoại

 Song Chi


Lãnh đạo Sài Gòn tham, dốt nên chặt bỏ những hàng cây rợp bóng mát khiến Sài Gòn đã nóng càng thêm nóng, hay đây chỉ là một trong những sự cố tình phá hoại thành phố này?

Vì như nhiều người cũng nhận xét, trước kia tại những con đường có bóng mát việc kinh doanh cũng sầm uất hơn, người đi lại nhộn nhịp hơn, khách du lịch cũng thích thú đi dạo. Còn bây giờ, ngay cả những đại lộ khu trung tâm như Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… cứ vào những giờ nắng lên cao là vắng ngắt.

Về kinh tế thì xem Sài Gòn như con bò để vắt sữa, làm ra bao nhiêu tiền phải đóng vào ngân sách tới 82% rồi 79% (trong khi có những thành phố chả đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào ngân sách quốc gia thì tối ngày xây cổng chào, tượng đài tiền tỷ để “ăn”); hạ tầng cơ sở thì không xây dựng, không những thế còn phá. Phá nát tất cả những gì thuộc Sài Gòn xưa, từ kiến trúc cũ, những địa điểm, địa danh lịch sử cho tới phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt cũng bị biến thành phi trường nội địa, rồi những hàng cây rợp bóng mát một thời lãng mạn của Sài Gòn… Không phải cố tình phá hoại thì là gì?

Cộng sản ở đâu cũng tâm địa nhỏ nhen giống nhau. Cứ nhìn Hong Kong, từ một làng chài nghèo qua tay người Anh đã trở thành một trung tâm tài chính thương mại quốc tế, một thành phố tự do, dân chủ, văn minh, hiện đại, âm nhạc, phim ảnh gì cũng đều phát triển (thập niên 50, 60, 70, 80 của thế kỷ trước các nước láng giềng trong đó có Việt Nam đều mê phim Hong Kong, diễn viên tài tử ca sĩ Hong Kong, hồi đó phim Hàn, nhạc Hàn làm gì đã “xuất hiện” đình đám như bây giờ). Vậy mà, chỉ về với “đất mẹ” chưa tới 3 thập niên, toàn bộ sự tự do dân chủ của Hong Kong bị triệt tiêu, Hong Kong xuống về mọi mặt, bởi vì sau khi học hỏi những cái hay của Hong Kong một thời gian là Bắc Kinh siết lại, và chỉ tập trung đầu tư cho những thành phố lớn của đại lục như Thượng Hải, Thẩm Quyến…

Không chỉ Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long từng một thời trù phú, làm chơi ăn thật, không bao giờ biết đến hạn hán là cái gì, người nông dân Nam Bộ thông minh biết thuận theo thiên nhiên, mùa nào thì trồng cây gì, nuôi con gì. Vào tay các lãnh đạo duy ý chí, dốt nát, đem những bài học xử lý đê điều các thứ của vùng đồng bằng sông Hồng áp dụng vào miền Tây, làm đảo lộn hệ sinh thái sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long gây bao nhiêu thiệt hại, hạn hán ngập mặn bắt đầu xảy ra, cộng thêm việc Trung Cộng, Lào, Campuchia xây các đập thủy điện gây tác hại thêm mà không thấy Việt Nam có những động thái mạnh mẽ gì hoặc lo có kế hoạch đối phó; đến vụ kênh đào Funan Techo đã rập rình từ mấy năm nay rồi bây giờ mới thấy Việt Nam bắt đầu chính thức lên tiếng, liệu có quá trễ?

Quan chức lãnh đạo từ trên xuống dưới chỉ lo vơ vét cho đầy túi tham, rồi lo đánh nhau giành ghế, có quan tâm đến chuyện gì khác đâu?

No comments:

Post a Comment