Sunday, April 28, 2024

Bộ trưởng Công an hối thúc cần ‘trảm’ nhanh hơn…

 

VNTB – Bộ trưởng Công an hối thúc cần ‘trảm’ nhanh hơn…

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo giải quyết nhanh các vụ trọng án nhưng dường như quên mất mình cũng từng phạm tội bắt cóc ở Đức.

“Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, vụ án dư luận xã hội quan tâm”.

Đó là ý kiến chỉ đạo công khai của Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại “Hội nghị Giao ban tháng 4-2024 và triển khai chương trình công tác trọng tâm tháng 5-2024”.

Có ý kiến cho rằng yêu cầu của Bộ trưởng Tô Lâm thực ra là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành hôm 27-3-2023. Theo đó tại quyết nghị được đánh số thứ tự là 2 ghi: “kịp thời truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được cử tri, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”.

Tuy nhiên như thế nào là “vụ án dư luận xã hội quan tâm” thì khá mơ hồ, phải chăng ở đây bao gồm cả các đồn đoán nghi án tham nhũng của những quan chức cấp cao, những “cựu sếp lớn” ở bậc thượng tầng chính trị, những ‘trùm cuối’ trong các canh bạc làm ăn như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, Võ Văn Thưởng, và mới nhất là Vương Đình Huệ; hoặc vẫn còn ngấp nghé ngưỡng đe dọa như Phạm Minh Chính từ đồn đoán liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC?

Ở đây dường như Bộ trưởng Tô Lâm tự cho mình không nằm trong danh sách vừa nêu, bất chấp ông từng dính líu tới vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, vốn dậy sóng dư luận.

Tại Hội nghị Giao ban, Bộ trưởng Tô Lâm còn lệnh “đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh…”.

Các chỉ đạo của Bộ trưởng Công an cho thấy có thể hình dung bất chấp các khuyến cáo về vấn đề nhân quyền từ quốc tế, Việt Nam sắp tới đây không có dấu hiệu sẽ dừng các đàn áp chính trị nhân danh cho lý do “thế lực thù địch”.

Có khác với “thế lực thù địch” theo cách quen thuộc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tướng Tô Lâm thì xem ra bất kỳ ai cản trở bước tiến thân hướng đến quyền lực chính trị tối cao của ông, thì đều phải chịu liệt vào danh sách đe dọa của “thế lực thù địch” cần phải bị thanh trừng bằng cách này, hay cách khác.

Nếp nghĩ đó của tướng Tô Lâm cho thấy nếu hiểu thuần về “dư luận xã hội quan tâm”, là ngoài những điểm dễ dàng có sự thống nhất, như dư luận xã hội là ý kiến chung của nhiều người; dư luận xã hội thể hiện nhận thức, thái độ của các nhóm người nhất định trước các vấn đề, sự kiện… có động chạm đến lợi ích, mối quan tâm của họ…; thì cũng có những điểm thiếu đồng thuận, thậm chí trái ngược nhau.

Sự khác nhau, trước hết, có liên quan đến vấn đề chủ thể của dư luận xã hội.

Bởi vấn đề gây tranh cãi là có phải chỉ có ý kiến của đa số mới được gọi là dư luận xã hội hay không? Thời Liên Xô (cũ), nhiều nhà nghiên cứu trả lời khẳng định đối với câu hỏi này.

Ở Việt Nam hiện nay cũng có một số học giả quan niệm chỉ có ý kiến của đa số mới được coi là dư luận xã hội. Hầu hết các nhà nghiên cứu trong các nước tư bản lại cho rằng dư luận xã hội bao gồm các ý kiến không chỉ của đa số mà còn cả của thiểu số. Ở nước Nga hiện nay, quan điểm coi dư luận xã hội chỉ là ý kiến của đa số cũng không còn đứng vững được trước sự phê phán gay gắt không chỉ dưới góc độ ngôn ngữ, lý luận mà còn dưới góc độ thực tiễn cuộc sống.

Về mặt ngôn ngữ, không có cơ sở để nói rằng dư luận xã hội là ý kiến của đa số. Thuật ngữ “xã hội” không đồng nhất với thuật ngữ “đa số”. Ví dụ không ai cho rằng đã gọi là tổ chức xã hội thì phải là tổ chức của đa số; đã gọi là chính sách xã hội thì phải là chính sách đối với đa số…

Và với cách hiểu đó, xem ra chỉ đạo “vụ án dư luận xã hội quan tâm” của tướng Tô Lâm là nghiêng về cảm tính thay cho lý tính là mọi khuất tất cần được tỏ tường trước ánh sáng công lý.

Đời sống xã hội sắp tới đây tiếp tục là những trận thư hùng phe nhóm quyền lực khi mà Đảng Cộng sản sắp kết thúc một nhiệm kỳ, đang chuẩn bị cho hình thành ê-kíp của khóa XIV với ghế Tổng bí thư chắc chắn không thể tiếp tục của Nguyễn Phú Trọng.

No comments:

Post a Comment