Wednesday, May 22, 2024

Tô Lâm được Quốc Hội CSVN ‘bầu’ làm chủ tịch nước

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đúng “quy trình,” sáng 22 Tháng Năm, sau khi Quốc Hội CSVN tiến hành thủ tục phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng Công An, ông Tô Lâm, 67 tuổi, được 472/473 đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu “nhất trí” bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Như vậy, chỉ có một đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống, không được 100% “nhất trí” như khi bầu ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch Quốc Hội CSVN.

Ông Tô Lâm tuyên thệ làm chủ tịch nước hôm 22 Tháng Năm. (Hình: Tuổi Trẻ)

Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Tô Lâm đã được đảng CSVN quyết định từ trước. Hôm 18 Tháng Năm, ông đã được Trung Ương Đảng giới thiệu để Quốc Hội bầu cho vị trí này.

Hồi tuần trước, đảng bầu bổ sung bốn ủy viên cho Bộ Chính Trị, cùng lúc với việc công bố bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, xin nghỉ “vì có một số sai phạm.”

Đáng lưu ý, bà Mai là người thứ sáu bị loại khỏi Bộ Chính Trị kể từ cuối năm 2022, trong bối cảnh có hai chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc Hội đã từ chức khi chiến dịch “đốt lò” leo thang ở Việt Nam.

Các báo ở Việt Nam cho hay trong bài phát biểu tuyên thệ sau đó, ông Tô Lâm hứa “sẽ tích cực thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, quốc phòng an ninh của đất nước, nỗ lực thực hiện thắng lợi mọi chủ trương đường lối của đảng; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân trong giai đoạn mới; kiến tạo nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, tiên tiến, phát triển, nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại…”

“Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa…” ông Lâm nói.

Ngoài ra, ông Lâm cũng khẳng định “kiên định và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, mang đậm bản sắc ngoại giao ‘cây tre Việt Nam,’ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.”

Trước khi ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước, Tiến Sĩ Bill Hayton viết trên trang web Chatham House của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoàng Gia Anh, rằng “Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước công an trị.”

Bởi lẽ khi đó “tứ trụ” có đến hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính, thủ tướng.

Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính Trị có năm nhân vật xuất thân từ công an.

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, ôm chúc mừng ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước. Bên phải là ông Trần Thanh Mẫn, tân chủ tịch Quốc Hội, bên trái là ông Lương Cường, tân thường trực Ban Bí Thư. (Hình: Hoàng Phong/Tuổi Trẻ)

Trước khi chính thức nắm ghế chủ tịch nước, ông Tô Lâm được ghi nhận thời gian qua đón tiếp một loạt giới chức cao cấp của Mỹ và các nước khác.

Trong buổi tiếp gần nhất, theo báo Lao Động hôm 16 Tháng Năm, ông Tô Lâm tiếp ông Thomas Gass, đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Do việc ông Tô Lâm ngồi vào ghế chủ tịch nước không còn bất ngờ, điều công luận quan tâm là ai sẽ thay ông này nhận chức bộ trưởng Công An.

Cùng ngày, sau khi ông Tô Lâm nhận chức chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính đã ký quyết định giao cho ông Trần Quốc Tỏ, thượng tướng, thứ trưởng Công An, điều hành hoạt động của bộ này “cho đến khi kiện toàn chức danh bộ trưởng Bộ Công An.”

Ông Tỏ, 62 tuổi, quê Ninh Bình, là em trai ông Trần Đại Quang, cố chủ tịch nước, cố bộ trưởng Công An.

Viết trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Đức Dục, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, châm biếm: “Công cuộc ‘toàn dân làm nhân sự’ đã thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!” (Tr.N) [qd]

No comments:

Post a Comment