Bình luận của Doãn An Nhiên
Trong phần một, gắn với chuyến công du dài ngày đến Trung Quốc của ông Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam sự chia sẻ quan điểm về “mô hình Trung Quốc” đang ở vào giai đoạn “thoái trào” của “chu kỳ lớn”, theo cách gọi của Raymond Dalio, được trình bày. Phần hai này sẽ nêu ý nghĩa của “vấn đề” mô hình Trung Quốc thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt cần thiết phải thấu hiểu hơn về việc giới lãnh đạo hai nước, một “cộng đồng chung” mà Trung Quốc mong muốn, cùng chia sẻ tương lai thế nào trong trật tự thế giới mới?
Trong buổi gặp với ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình khuyên ‘người anh em’ Việt Nam sử dụng ‘trí tuệ chính trị’[1] (tiếng Trung giản thể là “知识分子政治”, tiếng Anh là “political wisdom”) trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông và, khi hai nước “núi liền núi, sông liền sông” với cam kết “chia sẻ tương lai chung.”
Đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CS) được khởi xướng năm 1986 chính thức tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng. Đây là quyết định chính sách đột phá trước những thách thức lớn về kinh tế và chính trị đe dọa sự tồn vong của chế độ Đảng CS toàn trị theo mô hình Liên Xô với cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu. Về bản chất, ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và những ảnh hưởng từ thực tế “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã xác quyết đường lối Đổi mới. Giới lãnh đạo Việt Nam đã ‘gạt sang bên’ những xung đột căng thẳng, thậm chí là chiến tranh năm 1979, nói chung về chủ quyền biên giới phía Bắc và lãnh hải ở biển Đông để theo đuổi đường lối này. Mặc dù không ‘thần kỳ’ như Trung Quốc, nhưng những thành công kinh tế là rõ rệt, cụ thể tốc độ tăng trưởng tương đối cao và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, với lợi thế của một nước đi sau, Việt Nam đã không sử dụng đủ những cơ hội để phát triển vì bị ý thức hệ giáo điều níu kéo và ‘tính thực dụng’ chỉ được phát huy hạn chế, muộn mằn kiểu như chính sách “ngoại giao cây tre”.
Giới lý luận “cung đình” nhận thức, đại thể, thế này[2] về chính sách “cải cách và mở cửa” nói riêng và về mô hình Trung Quốc nói chung, trong đó nhấn mạnh về quá trình phát triển lý luận “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” được hình thành và hoàn thiện theo tiến trình thay đổi của thực tiễn cuộc sống! Quá trình này được chia thành bốn giai đoạn: một là, Lý luận Đặng Tiểu Bình; hai là, Tư tưởng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân; ba là, Quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào; bốn là, Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình.
Ông Đặng Tiểu Bình được ca ngợi vì đã ‘mưu lược’ ứng dụng triết lý thực dụng trong duy trì sự cai trị của chế độ Đảng CS Trung Quốc đồng thời thúc đẩy cải cách phát triển đất nước. Nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc, lý luận thực dụng được thể hiện với tư cách là đường lối của Đảng dựa trên chủ nghĩa Mác; Với tư cách là chế độ chính trị; Và, với tư cách là sự nghiệp chính trị của hệ thống. Những thế hệ lãnh đạo tiếp theo thúc đẩy tư tưởng này. Chẳng hạn, Giang Trạch Dân nêu thuyết “Ba đại diện”: đó là đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho xu hướng tiến lên của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích căn bản của toàn thể quần chúng nhân dân. Đến Hồ Cẩm Đào với quan điểm được ‘đúc kết’ hai thời kỳ trước và cho rằng cần thiết phải nắm được quy luật phát triển, lấy dân làm gốc, phát triển cần toàn diện, hài hòa và bền vững. Tập Cận Bình đã nâng tầm cá nhân lên thành “hạt nhân” dân tộc, viết lại lịch sử đảng ngoài việc biện minh cho chủ nghĩa Mác, giải thích theo nhãn quan lãnh tụ Đảng CS về nhân dân và các quy luật phát triển xã hội...
Không khó để quan sát “lý luận” Đảng đang ‘yếu dần’ bởi luận cứ, xa dần kinh điển chủ nghĩa Mác và thực tế ‘xã hội chủ nghĩa’… Đến thời Tập Cận Bình, như đã biết, diễn ra sự thay đổi bước ngoặt về chính sách và quyền lực. Sự trỗi dậy trở nên hung hăng, dần kết thúc chính sách thực dụng, với những thái độ hận thù “trăm năm quốc sỉ”, ý tưởng khủng về “một vành đai một con đường”, bất chấp luật pháp quốc tế như “đường lưỡi bò mười đoạn”… và, hơn thế, ảo tưởng sức mạnh quyền lực cá nhân tuyệt đối. Ông Tập Cận Bình thấy không đủ thời gian để hiện thực hoá các ý tưởng khi bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ 10 năm và, đã nỗ lực ở lại, có thể là ‘suốt đời,’ để theo đuổi chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Theo bài viết[2] trên trang Tạp chí Cộng sản, thì những gì được hàm ý cho Việt Nam? Gồm: “Một là, phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, sáng tạo lý luận là trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng.” “Hai là, đổi mới tư duy, nghiên cứu phát triển lý luận mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” “Ba là, phải luôn quán triệt tư tưởng, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường phát triển của Việt Nam.” “Bốn là, cần tăng cường đi sâu nghiên cứu phát triển lý luận mới để làm sâu sắc hơn những luận điểm về: 1- Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; 2- Con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; 3- Chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.” Tác giả gọi đó là bốn “gợi mở” nhưng thực ra là những yêu cầu và nhiệm vụ đối với Đảng phải cụ thể hoá “mô hình Trung Quốc” trong điều kiện Việt Nam.
Viết đến đây, chợt nhớ đến nhà lý luận “cung đình” Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, như trong phần một cũng đã giới thiệu qua rằng ông ấy hiện là Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (tương tự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc), nhân vật quan trọng thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS TQ, người cũng đã tiếp ông Huệ trong chuyến đi vừa nêu ở trên. Ông Vương làm quân sư cho ba đời Tổng bí thư và thăng tiến trong sự nghiệp chính trị khởi đầu với những nghiên cứu như “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ” (Huning Wang, America against America. 1990)[3]. Cuốn sách này là nỗ lực của ông ấy với tư cách học giả nhằm giải thích những lý do đằng sau sự thành công của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, đồng thời đưa ra quan điểm phê phán về các vấn đề cơ cấu khác nhau mà Hoa Kỳ đã phải đối mặt trong những năm 1990. Đó là một góc nhìn về lý do tại sao Hoa Kỳ có khả năng hướng tới sự suy thoái… Cùng với ông ấy, giới lý luận cung đình Trung quốc cũng đã góp phần không nhỏ trong việc biện minh cho lý luận về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Ngoài ra, vượt ra khỏi không gian Trung Quốc, cái gọi là “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”[4] cũng có dấu ấn của họ.
“Mô hình Trung Quốc” thấm đẫm tinh thần ý thức hệ chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam không thể buông bỏ bởi sự tương đồng về chế độ chính trị. Đường lối Đổi mới sắp trải qua 40 năm nhưng sự sáng tạo trong vận dụng cụ thể vào thực tế là gì vẫn là câu hỏi đối với giới lý luận cung đình nước nhà. Giới lãnh đạo nhìn tương lai đất nước thế nào? Cách thức tiến tới xã hội chủ nghĩa thế nào và bao giờ? Hơn thế, điều gì sẽ soi sáng cho các chính sách cải cách trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động khó lường. Và, quan trọng hơn, là trong bối cảnh “mô hình Trung Quốc” đang thoái trào.
______________
Tham khảo:
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo;
[3] https://ia801806.us.archive.org/12/items/america-against-america/America%20Against%20America.pdf
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment