Tuesday, December 5, 2023

Thưởng tiền người tố cáo sai phạm: Lại trò phong trào!

 RFA-2023.12.05


Thưởng tiền người tố cáo sai phạm: Lại trò phong trào!Ảnh minh họa chụp tại TPHCM trước đây.-AFP PHOTO

Nhiều địa phương tại Việt Nam gần đây đã khuyến khích người dân cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông để cơ quan chức năng xử lý.

Chiến dịch mang tính phong trào

Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên toàn tỉnh. Trước đó, tỉnh Bình Thuận cũng có phong trào tương tự.

Sau đó, theo truyền thông nhà nước, đã có một số ý kiến đề xuất nên có chính sách mua thông tin để đạt hiệu quả cao hơn trong việc tố giác vi phạm giao thông.

Trước đây, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cũng đã từng đề xuất quy định cho phép người dân gửi đến những clip tự quay hoặc trích xuất qua camera hành trình ghi lại các phương tiện vi phạm.

Đại diện Cục xác nhận thông qua các clip người dân cung cấp, nếu Công an xử phạt được người vi phạm, người cung cấp sẽ được trả một phần trong số tiền đó.

Công an đã đi đâu? Trên thực tế có nhiều cái người ta chưa làm gì mà công an đã phát hiện, nhưng tại sao vi phạm giao thông lại không phát hiện?
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Với các đề xuất, kế hoạch trên, hôm 5/12, Bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn nhận định với RFA:

“Họ đề nghị là quyền của họ thôi, cũng giống như họ đề nghị tố giác tội phạm hình sự, tố giác quan chức tham nhũng hoặc đề nghị nhiều cái tố cáo lắm… họ thích thì họ đề nghị thôi. Còn người dân có nghe hay không là quyền của người dân. Nhưng vấn đề tố giác như vậy có bị trả thù hay có bị quy chụp gì không, có an toàn không, thì cũng khó mà nói trước được. Họ kêu gọi nhiều thứ lắm, còn hàng rào pháp luật là nhiệm vụ của công an. Công an đã đi đâu? Trên thực tế có nhiều cái người ta chưa làm gì mà công an đã phát hiện, nhưng tại sao vi phạm giao thông lại không phát hiện?”

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, việc kêu gọi người dân tố giác vi phạm giao thông chỉ là chiến dịch mang tính phong trào.

Ông Chinh, một người dân ở Hải Dương hôm 5/12 cho RFA biết, ông không tin vào những “kêu gọi” của nhà nước:

“Nếu dân phát hiện người vi phạm giao thông, báo cho cảnh sát giao thông để nhận tiền thưởng, thì tôi không tin những gì nhà nước nói. Ví dụ chính sách của họ nói người dân phát hiện tố giác những người tham nhũng, thì nhà nước sẽ có khen thưởng đích đáng. Nhưng khi tố giác là bị bắt vào tù ngay, thành thử làm gì tin được.”

Một trong những trường hợp tố cáo tham nhũng bị trù dập mà ông Chinh vừa nói là Cựu đại úy Công an Lê Chí Thành. Ông Thành vì tố cáo tham nhũng ở trại giam và của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội... đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’.

Ngoài ra ông Thành còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

fc89b61c-dcef-4900-ab56-b2a5f25c5c33.jpeg
Ảnh minh họa: Một CSGT đang điều tiết giao thông ở Hà Nội. REUTERS.

Ai bảo vệ người tố cáo?

Ông Minh Tuấn, một người dân sinh sống tại TPHCM hôm 5/12 nói với RFA:

“Tôi nghĩ nếu thưởng cho người báo vi phạm giao thông thì tiền thưởng chẳng bao nhiêu, mà chẳng ai bảo vệ… Nhưng cái gì cũng dùng tiền để mua thì tôi thấy kỳ quá, chứ tai mắt của công an đâu? Công an nhiều mà, một năm chi cho công an cả trăm ngàn tỷ, mà tại sao phải có người dân tham gia? Theo tôi tham gia thì tùy theo ý mỗi người, nhưng riêng tôi không đồng tình, kêu gọi bằng tiền nhiều quá thấy luật pháp không nghiêm.”

Theo ông Tuấn, công an dư sức làm (bắt vi phạm giao thông). Còn việc dùng tiền mua tin của dân, vẫn theo ông Tuấn, nhiều khi lại sinh ra hiềm khích giữa người này với người kia.

Việc kêu gọi người dân tố cáo lẫn nhau, về các hành vi có nguy cơ vi phạm giao thông thì tôi cho rằng không nên. Vì nó tạo ra một tình trạng xã hội hỗn loạn.
-Luật sư Nguyễn Văn Miếng

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 5/12 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Miếng ở Hoa Kỳ, và được ông cho biết ý kiến:

“Việc kêu gọi người dân tố cáo lẫn nhau, về các hành vi có nguy cơ vi phạm giao thông thì tôi cho rằng không nên. Vì nó tạo ra một tình trạng xã hội hỗn loạn, người dân sẽ nghi ngờ lẫn nhau, cũng không loại trừ người ta ghét nhau và sẽ chụp những hình ảnh chẳng liên quan gì đến giao thông để báo cho công an. Việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên đường, điều đó là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đã có lực lượng công an giao thông, hệ thống camera giám sát đã dày đặc hết rồi.”

Theo Luật sư Miếng, một khi đã sử dụng đến mặt trận người dân, thì hóa ra lực lượng công an của Việt Nam là bất tài, bất lực (?!). Do đó, luật sư Miếng cho rằng, quy định khuyến khích người dân tố cáo lẫn nhau là không nên và không phù hợp với nền văn minh tiến bộ mà nhà nước Việt Nam đã từng tuyên bố.

Ở Việt Nam, giới chức lãnh đạo thường hay hô hào khẩu hiệu ‘do dân, nghe dân, vì dân’... nhưng soi lại thực tế thì hoàn toàn khác.

Nhiều giới quan sát tình hình chính trị, xã hội Việt Nam chia sẻ ý kiến rằng, thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít có cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý cơ quan chức năng, các lãnh đạo chính phủ… có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị chụp mũ cho là phản động...

Đơn cử như trường hợp ông Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng tại Việt Nam, đã bị bắt đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội, nơi giam giữ những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ.

Hay trường hợp ông Lương Xuân Bình, người tố cáo sai phạm tại Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (năm 2017) lại bị phân công làm viên chức văn phòng, không đúng chuyên môn của ông. Ngay cả đến khi Thanh tra Chính phủ vào năm 2021 yêu cầu phục chức cho ông thì lãnh đạo cơ quan chủ quản vẫn làm ngơ!

No comments:

Post a Comment