Thursday, November 16, 2023

Nghe đài địch (Kỳ 2)

 Nguyễn Thọ-14-11-2023

Tiếp theo kỳ 1

Máy thu hình còn có chỗ để tháo các “kênh đen”, nhưng máy thu thanh thì vô phương. Khi vặn núm dò sóng người ta lướt qua mọi tần số, không theo kênh như TV. Công an Đông Đức muốn phá sóng cũng không được, vì CHDC Đức là thành viên của liên minh viễn thông quốc tế, phải tôn trọng các tần số được phân bổ.

Thế là các bạn STASI nghĩ ra biện pháp gài một loại sóng có tần số thấp, phát xen vào đài phát thanh “địch”. Máy thu vẫn bắt được đài địch kèm tiếng ù ù tần số thấp, không đến nỗi khó chịu, nhưng đủ để STASI nghe thấy. Xe săn đài địch đi đến đâu nhận được tiếng ù ù này thì biết là trong nhà đang ăn trái cấm.

Sau một vài thắng lợi ban đầu, kế hoạch này của STASI cũng đổ bể. Thứ nhất là nó rất tốn tiền. Nghe đâu nhà nước phải xây rất nhiều đài phát sóng kiểu này đặt ở khắp mọi. Thứ hai là vì nó chỉ nhận biết tiếng ù ù qua sóng âm nên chủ nhà chỉ cần đóng cửa sổ lại là xe STASI bị điếc. Hơn thế nữa, có lúc chiếc xe đứng trong một khu phố mà có quá nhiều nơi phát ra tiếng ù ù thì nó bó tay trước thế trận chiến tranh nhân dân.

Ở Đông Đức, không phải chỉ có ông chủ tịch xã mới có cái đài Xiong Mao đeo bên hông, mà là cả làng. Với trình độ như vậy, dù trung thành với CNXH đến mấy cũng không ai cam chịu dùng đài mà không nghe đài địch.

Michael Verleih, bạn tôi, một nhà bất đồng chính kiến từng bị STASI bắt bỏ tù, dù cha bạn là người cộng sản khai quốc công thần của CHDC Đức từ năm 1949 [1]. Một hôm Michael đi học về thấy ông Heinz, bố bạn đang nghe đài RIAS [2]. Bạn ngạc nhiên hỏi: Ở trường cô giáo bảo nghe đài địch là xấu mà bố!

Bố ôm cậu vào lòng: Quan trọng là phải biết nghe tiếng nói từ phía bên kia con ạ!

Rõ ràng bức tranh “Nghe đài địch” ở Đức và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự khác biệt này biểu hiện qua cái cách mà hai đất nước được thống nhất.

Trình độ chống đài địch cũng vậy. Biết là không cách gì cấm dân nghe, STASI tìm cách phản công. Từ năm 1960, đài truyền hình CHDC Đức lên một chương trình gọi là “Kênh truyền hình đen” (Der schwarzer Kanal) [3]. Chương trình này do ông Karl Eduard von Schnitzler khởi xướng từ tháng 3.1960. Ông này tuy dòng dõi quý tộc (bá tước) nhưng thiên tả, chống phát xít từ trong trứng. Ông là nhà báo chính trị cộm cán ở miền Tây chạy sang CHDC Đức vì ghét tư bản như hủi.

Ảnh: Chương trình “Kênh truyền hình đen” của CHCD Đức, chuyên phản pháo các chương trình TV của Tây Đức. Nguồn: Der schwarze Kanal

Ông bá tước đỏ tìm những chương trình “địch” đang được dân Đông Đức thích. Ông không giấu giếm nội dung mà dùng chính các hình ảnh đó để phản kích. Ông có tài bẻ ngược mọi lập luận của phương Tây nên những người yêu CNXH như tôi rất khoái nghe ông bẻ ngược. Trong gần 30 năm tồn tại, cứ tối thứ hai hàng tuần, “Kênh TV đen” của von Schnitzler đã 1.519 lần đem các chương trình “có vấn đề” của các đài Tây Đức ra mổ xẻ. Không chỉ dân Đông Đức, mà giới cánh tả ở miền Tây cũng thích chương trình này. Báo chí Tây Đức ghét von Schnitzler lắm.

Ảnh: Nhà bình luận Karl-Eduard von Schnitzler. Vị bá tước đỏ này là nhà tuyên truyền hàng đầu của CHDC Đức, chuyên thách thức các nhà báo Tây Đức. Nguồn: © DRA Babelsberg

Năm 1986, tôi đi công tác ở Tiệp Khắc. Bên đó bắt được cả đài truyền hình Áo lẫn đài Đông Đức. Nghiện “kênh đen” tôi mò xem ông thầy nói gì. Bên Tây Đức chê nạn thiếu cà phê ở Đông Đức. Ông nói rằng, cà phê bên tây là “bóc lột xương máu của người lao động Nam Mỹ, vì mua với giá rẻ mạt, là cà phê thực dân mới”. CHDC Đức lúc đó mới sang Việt Nam đầu tư vào các nông trường cà phê. Cà phê Đông Đức sẽ mang lại phúc lợi xã hội cho hàng vạn nông dân Việt Nam, là cà phê chống thực dân. Tôi nghe mà ấm cả lòng.

Nhưng “Cà phê Đức” ở Tây Nguyên chưa kịp ra quả thì nước CHDC Đức đã sụp đổ vào năm 1989. Vì không phạm tội hình sự gì nên ông bá tước vẫn hưởng lương hưu cao ngất ngưởng trong nước Đức thống nhất, vẫn được làm cố vấn cho các tạp chí cánh tả. Năm 1999, trong một talk show chính trị, ông vẫn khẳng định là, CNXH ở Đức bị sụp đổ không phải vì nó xấu, mà vì những người làm tuyên truyền như ông chưa hoàn thành nhiệm vụ đưa thông điệp của nó đến mọi người dân. Tuyên truyền thế mới khủng.

Giá như Việt Nam cũng có các khủng long như vậy thì khỏi phải chặn BBC, VOA hay RFI tiếng Việt. Cứ lấy chính tin địch mà phang ngược lại. BBC đã nhiều lần giúp Việt Nam đào tạo phóng viên và luôn giang tay hợp tác. Vậy mà chặn đài của họ trên mạng thì quả là chơi không đẹp. Tường lửa trong thời buổi công nghệ chỉ còn là trò lố bịch. Đó là chưa kể đến tính cẩu thả của người Việt khiến cái tường lửa rách như tổ đỉa. BBC vẫn xác định được 70% độc giả truy cập trang của họ xuất phát từ Việt nam.

Rách việc! Sao không theo phương châm: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó… sợ gì” [4] cho xong.

Ngày nay ranh giới địch-ta lẫn lộn. Báo của “ta” vẫn bị bạt tai, phải gỡ bài. Có nghĩa là có lúc anh từng là địch, đưa tin độc hại. Còn báo đài địch thì đôi khi khen ta hùi hụi. Rất nhiều người đã từ bỏ khái niệm “địch-ta”, chỉ hướng tới thông tin đa chiều. Thậm chí có người từ báo ta, chỉ xem báo Tây. Nhưng báo Tây thì không phải lúc nào cũng chính xác. Tự do báo chí phương Tây không có nghĩa là không có kiểm duyệt và không định hướng.

Trong xã hội dân chủ, báo chí không nằm trong tay nhà nước mà do tư nhân hoặc xã hội nắm. Báo tư nhân thì phải sống bằng nguồn thu, vào lượng độc giả. Mỗi tờ báo đại diện cho một khuynh hướng và có khối độc giả riêng. Đã như vậy thì chớ làm cho họ phật lòng và quay lưng. Chạy theo sở thích “main stream” để kiếm ăn chính là sự kiểm duyệt và định hướng rất hiệu quả.

Cũng may là truyền thông tư sản bám vào nhiều nhóm lợi ích khác nhau nên chúng cũng chạy theo các main stream khác nhau. Vì vậy, bức tranh ít đơn điệu hơn là ở những nơi chỉ có một ban tuyên huấn.

Người Việt trước đây đói ăn nhưng nay thì nhiều người ốm đau vì ăn uống lung tung hơn là vì thiếu ăn. Và người ta đang bị rối trí không phải vì thiếu tin mà vì ngập trong các loại tin đểu, tin rác, quảng cáo và tin nhắn các loại. Vậy những ai thanh minh là mình thiếu thông tin thì nên xem lại mình.

Để tránh bị ngộ độc thông tin thì điều quan trọng là phải biết chắt lọc và phải biết nhìn nhận thực tế: Thông tin đa chiều hay ngược chiều là để mình biết thế giới quanh mình đang ra sao, chứ đừng chỉ tìm những nguồn tin nghe sướng tai, giúp mình hả giận để nhìn thế giới như mình mong muốn.

Người biết xử lý tin đa chiều sẽ không bao giờ nghĩ rằng nước Ukraine bé nhỏ, không có bom hạt nhân, lại có thể đe dọa một nước Nga có nhiều bom nguyên tử nhất thế giới. Người hiểu biết càng không thể biện hộ cho việc đem bom đạn vào tàn phá hủy diệt một đất nước, một dân tộc láng giềng nhỏ bé. Tin đa chiều cũng làm cho người ta không thể lạc quan rằng, lòng yêu nước của người Ukraine và vũ khí phương Tây sẽ mau chóng đập tan bọn “Nga ngố”. Ngố mà không coi xương máu dân mình ra gì thì ai cũng phải sợ, chưa nói đến chuyện nó không “ngố” như ta mong.

Tin đa chiều cũng sẽ giúp người ta không phát biểu hồ đồ kiểu: “Hồi giáo là hiểm hoạ toàn cầu”, “Các nước Ả Rập phải nhận hết người Palestine về đó để hòa bình cho Israel”… Người có hiểu biết thấy ngay vụ thảm sát của Hamas ngày 7.10 là tội ác chiến tranh man rợ và những thảm họa đang gây cho trẻ em, người già Palestine ở Gaza cũng là tội ác chiến tranh, nhưng kiểu “văn minh”.

Thông tin đa chiều cũng giúp người ta nhận ra bức tranh một cậu bé nông thôn xưa thiếu đói, nay đã có ăn. Cậu lớn nhanh nên bộ quần áo vải nâu sồng bị cơ thể xé bung đường chỉ. Cậu đã mua được những bộ quần áo jean lòe loẹt, rẻ tiền để mặc. Cậu lớn rất nhanh, nhưng bọn trẻ xung quanh vẫn lớn nhanh hơn cậu. Cơ thể phát triển nhưng đầu cậu vẫn nghĩ theo kiểu thằng Bờm nhà nông nên những bộ jean cậu sắm luôn cũn cỡn, để lộ nhiều vết sẹo. Cậu vụng về nên luôn đứt tay, đứt chân, tạo ra những vết sẹo mới. Nhiều người nhìn cách Bờm loay hoay thì buồn cười, chê trách cậu. Họ giục cậu học thằng nọ, con kia. Nhưng Bờm không thể là thằng Peter hay con Anna được. Bờm vẫn sống, vẫn nhút nhát, vẫn khôn lỏi, vẫn cười hề hề với mọi sai lầm của cậu và… vẫn đang lớn, đang bắt đầu học xài hàng hiệu, học sống kiểu tư bản.

Đó là thực tế, ai biết cách “nghe bên kia nói gì” cũng đều thấy.

______

[1] Cuộc đời của Michael Verleih được kể trong “Hai Quê Hương” https://books.google.de/books?id=L9-0EAAAQBAJ

[2] RIAS: Radio Im Amerikanischen Sektor = Đài phát thanh trong khu vực Mỹ (chiếm đóng) là đài được dân Đông Đức nghe nhiều nhất vì nó phát từ Tây Berlin, nằm lọt thỏm trong lòng CHDC Đức.

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Der_schwarze_Kanal

No comments:

Post a Comment