Nguyễn Thông
Điều cần khẳng định ngay từ đầu, Thành Bưởi là công ty tư nhân, một doanh nghiệp hàng đầu về giao thông, nhất là vận chuyển hành khách ở miền Nam trong vòng hơn hai chục năm trở lại đây. Nói không quá, Thành Bưởi là đại gia vận chuyển, nhiều công ty nhà nước (quốc doanh) về quy mô, hoạt động, sự phục vụ hành khách, việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống v.v… phải xách dép cho nó.
Hồi những năm thập niên 10 thế kỷ 21 này, khi Phương Trang, Thuận Thảo, Cúc Tùng, Cúc Tư… còn khiêm tốn, thậm chí chưa là gì, thì cái tên Thành Bưởi đã nổi như cồn. Những người thường xuyên đi lại tuyến Sài Gòn – Đà Lạt chắc có nhiều kỷ niệm khó quên với Thành Bưởi, bởi nếu không có nó thì những nhà xe lặt vặt cả công lẫn tư sẽ hành mình không biết đến bao giờ.
Khá nhiều tờ báo in có tòa soạn tại Sài Gòn, muốn phát hành sớm, tới tay bạn đọc kịp giờ ăn sáng, uống cà phê ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã được Thành Bưởi hợp đồng, giúp đỡ nhiệt tình vận chuyển. Chỉ có điều, sau khi báo đã đủ lông đủ cánh, in tại chỗ không cần lụy Thành Bưởi nữa, không xin được quảng cáo nữa, lúc “bạn Bưởi” bị nạn thì quay ngoắt, bới lông tìm vết, đánh Thành Bưởi tới tấp, chẳng hạn thống kê trong một tháng có bao nhiêu vụ chạy quá tốc độ.
Sống trả ơn mới khó, chứ vô ơn thì dễ lắm. Ông bạn tôi cười bảo, muốn được báo lờ đi, hoặc lên tiếng bảo vệ, cứ phải nuôi quảng cáo, nhất là trên báo tết, báo xuân.
Hôm qua 4.11, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, ông Xô phát ngôn bộ công an và ông thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bộ Tài chính, người thì nói công ty Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế, nặng nhất là “trả tiền cho người lao động nhiều hơn so với khai báo nộp thuế”, người thì hé lộ đã có nhiều tố giác tội phạm liên quan tới Thành Bưởi (cứ chung chung vậy thôi, còn tội gì thì có lẽ công an chưa thể công bố được). Quyền trong tay nhà chức trách, nói gì làm gì mà chả được, chỉ cần cứ đúng pháp luật.
Thành Bưởi là một doanh nghiệp, hoạt động theo pháp luật và nhu cầu của cuộc sống, phục vụ người dân theo thỏa thuận về dịch vụ, giá cả. Nó làm không tốt thì khách (dân chúng) sẽ tẩy chay nó, chẳng hạn vé đắt hơn, dịch vụ dở hơn hãng khác, thì ai mà thèm đi. Nó vi phạm pháp luật thì cứ chiếu theo pháp luật mà trừng trị những vụ việc, con người cụ thể. Tài xế xài bằng giả hoặc không có bằng, lãnh đạo cố tình dùng người không đúng theo quy định, có lỗi rõ ràng, gây ra hậu quả nghiêm trọng (chết người, thiệt hại vật chất…) thì cứ khởi tố, truy tố, xét xử, kết án. Không thể vơ đũa cả nắm, xử theo kiểu tước giấy phép, bắt ngưng hoạt động, đóng cửa một doanh nghiệp, dù là một ngày hay một tháng, nói chi ba tháng.
Các nhà chức việc, quan quyền, phát ngôn, các cơ quan báo chí ăn theo không phải không biết đằng sau những cái gọi là “vi phạm” ấy có cả nghìn người lao động chân chính sống nhờ vào công ăn việc làm ổn định ở Thành Bưởi (thậm chí được trả công cao hơn so với hợp đồng như chính ông thứ trưởng Chi kết luận). Rất nhiều gia đình, người thân của họ (cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái) trông chờ vào nguồn thu nhập từ Thành Bưởi, và không thể tính đếm được những người dân có nhu cầu đi lại trên những tuyến đường mà Thành Bưởi đã hoạt động, chuyên chở lâu nay. Tước giấy phép hoạt động của Thành Bưởi ba tháng, đâu chỉ liên quan tới một mình cái tên Thành Bưởi.
Thành Bưởi, nếu vi phạm pháp luật, thì cũng như nhiều doanh nghiệp sai phạm khác, như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Tân Hiệp Phát… đương sự nào phạm tội, cứ chiếu theo luật mà xử lý. Bắt giam Trịnh Văn Quyết không có nghĩa đòi phải đóng cửa FLC, Bamboo, truy diệt tới cùng doanh nghiệp, đẩy hàng nghìn hàng vạn lao công ra đường. Máy bay của Bamboo vẫn được bay, tại sao lại buộc mấy trăm chiếc xe khách hiện đại của Thành Bưởi trùm mền 3 tháng, trong khi người dân đi lại còn khó khăn vất vả. Cực kỳ lãng phí.
Và cũng nên biết rằng khi những chiếc xe khách của Thành Bưởi hoạt động, số lượng nhiều thêm, thì nhà sản xuất ô tô nội địa, như Trường Hải-Thaco (mà Thành Bưởi là khách hàng sộp) càng có đà phát triển. Ngồi xe, nằm xe Thành Bưởi mobihome, mới biết Thaco tầm cỡ đỉnh thế nào. Người Việt Nam dùng hàng xịn Việt Nam chính là đây chứ đâu. Rồi bao chuyên ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác nữa cùng hoạt động và tồn tại trong mối liên kết sống còn, chứ đâu phải chỉ tác động riêng cái nhà xe “trốn thuế” và “bị tố cáo”.
Tôi chỉ là đứa dân thường, chả dám dạy khôn ai, chỉ khuyên rằng, làm điều gì, dù là thực thi pháp luật, hãy nghĩ đến dân. Trong vụ này, đó là người lao động ở Thành Bưởi, và nhất là hành khách cần đi xe. Tôi chả nợ một xu của Thành Bưởi, nhưng là người đã từng nhiều lần mua vé, đi xe của “nó”, được nó phục vụ, tôn trọng như mọi người, thấy bất bình thì nói thôi.
Chấn chỉnh Thành Bưởi là việc cần thiết, để không còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông, những gian dối, vi phạm như vừa rồi. Và không chỉ hãng xe này, các hãng khác cũng cần bị “soi” vậy. Ai dám cam đoan các hãng xe khác không vi phạm, có khi chỉ chưa lộ ra thôi.
Đừng bắt dân mới được dễ thở một chút, lại phải quay trở về cuộc sống ngột ngạt như thời bao cấp; doanh nghiệp mới khấm khá một chút lại chịu cảnh tanh bành bởi điều này luật nọ.
Có quyền thì có luật, nói gì làm gì cũng bắt người khác phải theo. Thời cải cách ruộng đất thập niên 1950, mỗi lời của “đội”, của các ông Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương… không ai dám chê là sai, na ná như lời ông Xô, ông Chi hôm qua vậy. Chỉ có điều, đã hơn nửa thế kỷ rồi, các vị nay đừng dẫm vào vết đấu tố, gây bao nhiêu hệ lụy, bắt dân phải gánh chịu như thời man rợ nữa.
No comments:
Post a Comment