11/08/2023 - 08:34 — VietTuSaiGon
Đất phân lô được chia thành từng lô cụ thể và chưa xây dựng
Đến lúc này, mọi nơi, mọi chỗ đã được các ngài thánh kính phân lô, các ngài đã phân lô cực lực, phân lô nhiệt tình, phân lô hăng hái, phân lô không chừa chỗ nào, từ núi cao xuống tận biển sâu, cứ nơi nào thấy phân được, thấy lòi tiền ra là các vị phân lô, mặc cho việc ấy sau này có ra sao. Và cho đến lúc này, có ra sao hay không ra sao thì cũng như nhau rồi, những gì các vị phân lô không phải là mấy cục đất, mấy cánh rừng, mấy cây số vuông biển, mà là tinh thần tự cường của người Việt đã bị các vị phân lô, tùng xẻo và bán đến miếng cuối cùng, nếu bây giờ các vị ăn hết thì chỉ còn nước bốc... đất mà ăn!
Vì sao phải nói như vậy?
Bởi vì không phải mới bây giờ, khi câu chuyện phân lô Hạ Long chỉ là giọt nước cuối cùng khiến cho ly nước vốn đã tràn nhiều lần thêm một lần nữa bị tràn và nổi toàn bộ váng mỡ, váng dầu cũng như những thứ hôi thối từ trong nó ra mặt bàn, lúc này người ta mới nói, e rằng đã quá muộn màng!
Có bao giờ một thành phố từng mệnh danh “thành phố đáng sống” nhất Việt Nam như Đà Nẵng có một rốn lũ trên đường Mẹ Suốt mỗi khi mùa mưa về và toàn bộ khu vực Liên Chiểu, Hòa Khánh trở thành cái chảo chứa nước?
Có bao giờ thành phố Nha Trang, được mệnh danh bờ biển đẹp nhất nhì hành tinh bỗng trở thành cái túi chứa nước, nước từ trên núi ào ạt chảy xuống, cuốn phăng mọi thứ và đời sống người dân thành phố trở nên hoang mang, bất an hơn bao giờ hết?
Có bao giờ một hòn đảo đẹp và thơ mộng như Phú Quốc bỗng chốc trở thành hộp bê tông chứa đầy sắt thép và chỉ cần một cơn mưa nhẹ đi qua thì mọi thứ biến thành sông, nhếch nhác, dơ dáy, từ nghĩa đen cho tới nghĩa bóng đều dơ dáy?
Có bao giờ Sài Gòn trở thành hố nước đọng mỗi khi mùa mưa về và người ta lội bì bõm qua trận lụt chợt đến chợt đi ấy để tồn tại, để cố gắng tin rằng mình đang sống trên một cái nơi mệnh danh “hòn ngọc viễn đông”?
Có bao giờ Đà Lạt trở thành đồi trọc với nhà kính, nhà kính và nhà kính, núi non rên xiết, vặn mình trồi sụt và không riêng Đà Lạt, dường như cao nguyên Langbiang đang vặn mình rên xiết vì quá trình bê tông hóa?
Có bao giờ Sapa, Lào Cai trở thành thiên đường của bê tông, cốt thép và người ta mỏi mắt cũng không tìm ra được một gốc pơ mu nào, người ta đi từ đầu thị trấn đến cuối thị trấn chỉ thấy khách sạn, nhà hàng, những chiếc hộp chứa đầy ánh sáng, đủ các màu sắc và có lội bộ mỏi chân cũng không tìm thấy phong vị Tây Bắc, không tìm thấy đời sống, khí chất núi non cũng như bản làng H’Mong?
Có bao giờ Hà Nội, một thủ đô có ngàn năm văn hiến và một cái nơi được mệnh danh là “bất khả xâm phạm” bởi đây là trung tâm đầu não của quốc gia bỗng dưng trở nên nhặng xị với dây điện lằng nhằng, với con người thô lậu và cấu trúc đường sá, kiến trúc xây dựng lộn xộn, nhăng nhít, cháy nổ có thể diễn ra bất kì giờ nào, mùa mưa thì ngập lụt, mùa nắng thì chảy mỡ bởi mọi thứ đã bê tông hóa, chưa dừng, cứ hằng năm, người ta tháo gỡ lớp “đá vĩnh cửu” bị nứt, vỡ này đi để thay thế một lớp đá vĩnh cửu mới khác?
Có bao giờ rừng già trở thành ký ức và tưởng tượng, vườn Ba Đình nhiều chim chóc và động vật hơn rừng Ba Vì, rừng già từ Nam chí Bắc chẳng còn gì ngoài hai chữ Trơ Trụi?
Và còn biết bao nhiêu thành phố, tỉnh thành trên đất nước này đang phải đối mặt với nạn ngập lụt vào mùa mưa, nắng cháy, khô hạn vào mùa nắng, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất kì giờ nào?
Có bao giờ sông xé nhà cửa, ăn lặm vào vườn tược, chôn vùi hàng trăm ngôi nhà ở Tây Nam Bộ và biển xâm thực liên tục vào đất liền, con người phải đối mặt với khái niệm mới: Di cư thời tiết và Tị Nạn Khí Hậu như bây giờ?
Vấn đề di cư thời tiết, đương nhiên từ cổ chí kim đã có chuyện này, nhưng di cư theo trình tự thiên nhiên, giống như bầy chim cò mùa đông bay về hướng Tây, bay về phương Nam, mùa xuân lại bay về phương Bắc để kiếm ăn. Mà đâu riêng gì chim cò, hầu hết các loài chim đều chọn hướng di cư như vậy. Con người thì mùa xuân đổ vào thành phố, cuối đông lại về với tổ ấm quê nhà. Thế nhưng hiện tại thì sao?
Con người trở nên mất phương hướng di cư, bởi thời tiết thành phố còn đáng sợ và nguy hiểm hơn cả những vùng quê nghèo vốn dĩ luôn đối mặt với thiên tai, bão lụt. Chim chóc không còn mấy con và chúng dường như cũng mất phương hướng trước thực tại nghiệt ngã này.
Và đến lúc này, câu chuyện tị nạn khí hậu không còn là chuyện tưởng tượng nữa, vấn đề là ai đang tị nạn khí hậu? Xin thưa, kẻ đang tị nạn khí hậu chính là kẻ từng phá nát thiên nhiên Việt Nam, biến khí hậu Việt Nam trở thành chảo lửa vào mùa nắng và hố nước tử thần vào mùa đông, từ việc qui hoạch xây dựng, thi nhau phân lô, tranh nhau tùng xẻo núi rừng, biến mọi thứ thành của tư, biến rừng thành công viên, tiểu cảnh, biến núi thành hòn non bộ nhà quan... Và cuối cùng, quan lôm lấy tiền, chạy sang những quốc gia vẫn còn khí hậu tốt, môi trường tốt, điều kiện sống tốt để mà ung dung hưởng thụ, thi thoảng lại về quê thăm thú những nơi còn có đủ điều kiện để hưởng thụ, với dân đen thì sống chết mặc bây!
Cho đến lúc này, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, từ lòng đại dương, lòng đại ngàn cho đến lòng người Việt Nam còn gì ngoài hai chữ Tan Nát?
Đời sống vốn dĩ khó khăn về kinh tế, môi trường sống cho đến môi trường giáo dục còn gánh thêm nỗi bất hạnh của nợ công đâu đó đang đè nặng trên lưng, gánh thêm chấn động biến đổi khí hậu - hậu quả của tàn phá thiên nhiên, gánh thêm nỗi thống khổ của môi trường xuống cấp và thiên tai chực chờ... Tứ bề thọ nạn!
Trong khi đó, những kẻ tàn phá thiên nhiên và tranh nhau vơ vét của dân tộc đã cao chạy xa bay, nếu không kịp cao chạy xa bay thì chúng vẫn ung dung hưởng thụ ở nơi an toàn nhất giữa đất nước này, có bao giờ chúng chịu cảnh lội lụt giữa thành phố, có bao giờ chúng nếm nỗi lầm than của người lao động nghèo bị chết máy xe giữa cơn lụt do mưa bất ngờ, có bao giờ chúng nếm cảnh đang ngủ bị nước tràn vào nhà, phải dắt díu người già và trẻ con chạy thoát mà chẳng biết chạy về đâu giữa con nước chảy xiết?!
Chỉ có dân nghèo, chỉ có người lao động đang ngày đêm trực tiếp tạo ra thặng dư cho xã hội này mới nếm chịu cảnh này mà thôi!
Thử hỏi, sau bao nhiêu năm tưởng như phát triển, Việt Nam đang ra sao? Và nếu thực sự giàu có thì có bao nhiêu phần trăm nhân dân Việt Nam giàu có? Và trong số phần trăm giàu có ít ỏi ấy, có bao nhiêu phần trăm là nhà quan, là đảng viên gộc, là kẻ nắm quyền sinh sát trước nhân dân?
Thử hỏi, khi đất nước lâm vào khó khăn, khốn đốn, những phần trăm giàu có kia đang ở đâu?
Thử hỏi, khi mọi thứ đã phơi bày ra ánh sáng, những phần trăm giàu có kia đang làm gì, ở đâu và chúng có thực sự trả giá cho những hành động phá hoại lâu dài của chúng?!
Câu hỏi này hình như chỉ có Ông Xanh là trả lời được, và đôi khi Ông Xanh cũng trả lời rất ỡm ờ, chỉ có nỗi thống khổ của người dân là rất thật và chẳng cần giấu diếm hay dấm dúi với ai!
No comments:
Post a Comment