Thursday, November 9, 2023

Tham nhũng không vụ lợi?

 Phạm Lê Đoan


(VNTB) – “Nguyên nhân đưa đến việc phạm tội” có thể là không xuất phát từ “ý muốn tham nhũng” 

 “Thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi. Chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay”.

 Từ lý do trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND) Lê Minh Trí đề nghị xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.

Báo cáo trước phiên chất tại Quốc hội, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay VKSND Tối cao đã chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

VKSND Tối cao cũng đã thực hiện các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Lê Minh Trí nhấn mạnh, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi; cụ thể Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.

Diễn giải trên của ông Lê Minh Trí rất dễ đưa đến… hiểu lầm. Theo ý mà ông trình bày trước Quốc hội, ông tán đồng việc xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Ngược lại, theo ông Trí thì ở đây “nguyên nhân đưa đến việc phạm tội” có thể là không xuất phát từ “ý muốn tham nhũng”, mà đơn giản chỉ vì trong quy trình quản lý nhà nước, khi cấp trên đã mệnh lệnh thì cấp dưới phải thi hành. Vì vậy nên cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả; giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục. 

Ở đây đáng tiếc là ông Lê Minh Trí đã không đi tới cùng vì sao quy trình quản lý nhà nước lại mang đến điều đó, trong khi cơ chế “phê – tự phê” trong Đảng luôn bắt buộc như một hình thức của đánh giá chất lượng đảng viên. Hơn nữa, cấp trên ở đây là làm theo nghị quyết Đảng, vậy phải chăng có kẻ hở của lợi ích nhóm ở nội dung chen vào; và khi vỡ lỡ thì có thể xuất hiện nhiều Lê Lai cũng thế vai nhau để cứu chúa?

Thế nhưng dù nói thế nào thì việc sử dụng cụm từ “tham nhũng không vụ lợi” như cách diễn đạt của người đứng đầu VKSND Tối cao là khó thuyết phục. Thứ nhất, theo Luật phòng, chống tham nhũng, thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 3.1). Không có điều luật nào về “tham nhũng không vụ lợi”.

 “Theo giải trình của ông Lê Minh Trí, có thể hiểu là ông ấy nói đến như trường hợp ‘Tình thế cấp thiết’ của Điều 23 Bộ luật hình sự. Để được coi là ‘Tình thế cấp thiết’ cần toà án quyết định, không có cá nhân nào, kể cả ông Lê Minh Trí có đủ thẩm quyền” – một luật sư nêu tình huống giả định như vậy về cách hiểu “tham nhũng không vụ lợi”. 

Chương IV của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự , quy định “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-tham-nhung-khong-vu-loi/ .


No comments:

Post a Comment