Thursday, November 9, 2023

Coi phim xong, cấm khen chê

 Lê Tự Do 

(VNTB) – Coi phim xong mà khán giả không được bình phẩm

Những vấn đề, sự việc được bàn tán xoay quanh bộ phim Đất rừng phương Nam tưởng chừng như đã dần lắng xuống. Giờ đây lại bị chính ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xới lên. 

Theo đó, tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP.HCM) đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội bạo hành.

Đăng đàn, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ làm nghệ thuật trên mạng xã hội để họ hành xử chuẩn mực. 

Ông cũng cho biết phim Đất rừng phương Nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép theo đúng Luật Điện ảnh. Phim không vi phạm pháp luật. “Dư luận cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói. 

Tra cứu thông tin là miễn phí, có một khái niệm, phê bình điện ảnh (tiếng Anh: Film criticism) là phép phân tích, đánh giá các bộ phim và phương tiện điện ảnh. Khái niệm này thường được sử dụng để thay thế các thuật ngữ như các bài đánh giá phim điện ảnh.

Một bài đánh giá điện ảnh ngụ ý giống như một lời giới thiệu tới đối tượng khán giả, tuy nhiên không phải tất cả các bài phê bình điện ảnh đều có dạng đánh giá. Nói chung, phê bình điện ảnh có thể được chia làm hai loại: phê bình từ giới báo chí thường xuất hiện trong các ấn phẩm như báo viết, tạp chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng khác.

 Loại thứ hai là phê bình hàn lâm của những nhà nghiên cứu điện ảnh, được giới thiệu dưới dạng học thuyết điện ảnh và xuất bản trong những ấn phẩm hàn lâm. Phê bình điện ảnh hàn lâm hiếm khi dưới dạng một bài đánh giá; thay vào đó nó có thể phân tích tác phẩm và vị trí của bộ phim trong lịch sử nhánh thể loại của nó, hoặc toàn bộ lịch sử điện ảnh. 

Chẳng lẽ, với một người đang ngồi ghế Bộ trưởng về một chuyên ngành hẹp như ông Nguyễn Văn Hùng lại không biết đến khái niệm như kể trên để rồi đề xuất “xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu”.

Đó là chưa kể đến việc với ý kiến của ông Hùng, vô hình trung đã vi phạm đến Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận của người dân. Chẳng lẽ người dân không có quyền bình phẩm về tác phẩm được “trình làng” trước công chúng? 

Và cũng nên nhớ một điều, cho dù có Luật An ninh mạng thì Hiến pháp là luật lớn nhất. Hiến pháp thì quy định rất rõ về quyền tự do ngôn luận. Tựu trung lại, nếu như một tác phẩm (phim điện ảnh, phim truyền hình, văn học viết, âm nhạc…) đưa ra công chúng, nói một cách văn hoa, cho dù có được Nhà nước đặt hàng hay không, thì khách hàng ở đây chính là những người dân. Có ủng hộ hay không ủng hộ đa số cũng đến từ người dân.

Vậy mà khi xem xong một bộ phim, khi nghe xong một bản nhạc, khi gấp lại một quyển sách, “khách hàng” lại không được cái quyền bình phẩm, không được cái quyền đem ra bàn tán với những người khác, không được cái quyền “góp ý” nhẹ nhàng hoặc nặng hơn là chê. Nếu ai có hành vi, lời nói theo chiều hướng đó thì sẽ luôn có một “thòng lọng pháp lý” luôn sẵn sàng “đeo vào cổ”. Vậy chẳng phải đang đi ngược lại với cái gọi là tự do ngôn luận là gì? Đang đi ngược lại với Hiến pháp. Về lý lẫn về tình có vẻ như đều… vô lý…

 Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật mà không cho người ta bình luận, chẳng khác nào kiến thức về lý luận phê bình văn học chỉ dành để… trưng bày giống như số phận các cuốn sách chính trị kiểu “Tuyển tập Lê-nin” ở thời bao cấp.

https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-coi-phim-xong-cam-khen-che/ .

No comments:

Post a Comment