Wednesday, October 25, 2023

54/13.000 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực: đáng tin hay nực cười!

 RFA

54/13.000 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực: đáng tin hay nực cười!Ảnh minh họa.

Khi trình Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong hơn 13 ngàn người phải xác minh tài sản, thu nhập, chỉ 54 người kê khai không trung thực bị xử lý.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí khi trả lời RFA hôm 23/10 nhận định:

“Tôi thấy những cán bộ nằm trong diện phải kê khai là những cán bộ có chức có quyền, chứ thường ở các cơ quan thì người không có chức quyền thường không phải kê khai, như tôi ngày xưa là sĩ quan cấp tá còn chưa phải kê khai. Kê khai 13 ngàn người mà chỉ có 54 người không kê khai trung thực, là con số tôi thấy rất nực cười. Tôi nghĩ nếu xác minh một cách chặt chẽ, khách quan thì có lẽ cả 13 ngàn người không trung thực.”

Tôi nghĩ nếu xác minh một cách chặt chẽ, khách quan thì có lẽ cả 13 ngàn người không trung thực.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Theo ông Trí, vì thông tin vừa nêu là từ báo nhà nước, nên cần phải xem lại mức độ trung thực của đảng và nhà nước Việt Nam. Ông nói tiếp:

“Cách đây vài năm có ông nguyên Tổng thanh tra Chính phủ là ông Trần Văn Truyền, về hưu bị báo chí phát hiện có nhiều nhà đất, trong đó có nhiều nhà đất có được không chính đáng, có biệt phủ… Nhưng cuối cùng cũng trôi qua và chẳng ai nói xử lý ông ta thế nào? Thì dưới góc độ như vậy thì có nghĩa là ông ta kê khai trung thực nên không bị xử lý (!?)… chứ còn không trung thực là sẽ bị xử lý. Hay ông Phạm Sỹ Quý, nguyên là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, cũng có biệt phủ, là em ruột của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hiện nay là bà Phạm Thị Thanh Trà, cũng nói tài sản có được do buôn chổi.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều. Ủy ban Tư pháp cho rằng con số này chưa tương xứng thực tế. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập còn hạn chế.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định thêm:

“Trong thực tế có nhiều người đã lên chức vụ cao, thậm chí rất cao như Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy… họ đã phải trải qua nhiều lần kê khai tài sản trước khi họ lên chức vụ cuối cùng, trước khi nghỉ hưu hoặc bị bắt… thì đều được coi là kê khai trung thực. Nhưng đến khi có sự việc xảy ra thì tất cả bản kê khai kia hóa ra đều là giả dối. Ví dụ như ngày hôm nay báo đăng nguyên Chủ tịch Khánh Hòa đã bị thu giữ 30 tỷ đồng, mấy trăm ngàn đô la, rồi một số bất động sản. Hay nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khi về hưu rồi cũng phát hiện ra rất nhiều bất động sản.”

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, vừa rồi là những ví dụ để cho thấy rằng, những bản kê khai tài sản mà Chính phủ Việt Nam đã tiến hành từ trước đến bây giờ là hoàn toàn không có sự trung thực.

81e5df9b-0536-4eb7-9a13-326df8cd2468.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại một kỳ họp Quốc hội trước đây. AFP PHOTO.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Nếu bị phát hiện kê khai không trung thực, có thể bị cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Dù vậy nhiều địa phương tại Việt Nam chỉ bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản kê khai. Một biện pháp được tiến hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và bị công luận chỉ trích.

Cụ thể, theo Thanh tra thành phố Đà Nẵng, cơ quan này đã tổ chức bốc thăm và xác định được 5 trong số 29 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 theo quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Hay Cơ quan chức năng TPHCM hôm 1/8/2023 cho báo chí biết đã tổ chức bốc thăm chọn 168 cán bộ thuộc 10 cơ quan để xác minh tài sản, thu nhập đợt hai và đã có 98 cán bộ thuộc địa phương này đã được chọn để xác minh tài sản.

Trong khi đó, theo số liệu của Sở Nội vụ TPHCM, tính đến tháng 6 năm 2022, tổng biên chế công chức của TPHCM là 14.470 người và số biên chế viên chức là 99.985 người. Với số liệu trên, có thể thấy, TPHCM có gần 100 ngàn công chức, viên chức, thế nhưng chỉ có 168 người bị chọn được nói là ngẫu nhiên… để xác minh tài sản, thu nhập. Liệu như vậy có thể chống tham nhũng?

Những bản kê khai tài sản mà Chính phủ Việt Nam đã tiến hành từ trước đến bây giờ là hoàn toàn không có sự trung thực.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí 

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định:

“Bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang... thì người ta có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh... khi đó nhà nước phải tịch thu. Nhưng bây giờ luật của Việt Nam họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh, đánh mất tài sản của dân của nước.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng cộng sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội... Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù... nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.

No comments:

Post a Comment