LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, nhưng nhiều đứa trẻ người H’Mông run rẩy vẫn phải chạy theo du khách chào bán hàng lưu niệm, thậm chí ăn xin để sống.
Theo báo VietNamNet, tình trạng trẻ em (nhỏ nhất là 4 tuổi) người H’Mông nghèo khó đến từ các xã Lao Chải, Tả Phìn, Trung Chải, Tả Van… phải theo gia đình đi bán hàng rong ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đã có từ lâu.
Đứng khuất trong một góc đường, tay ôm túi đồ lớn bên trong chứa bưu thiếp, đồ lưu niệm bằng thổ cẩm… vợ chồng chị Mú chờ ba đứa con từ 5 đến 7 tuổi chào mời du khách mua hàng. Khi có khách muốn mua đồ, một đứa chạy lại kéo cha mẹ đến giới thiệu sản phẩm.
Kể với báo VietNamNet, chị Mú cho biết mình lấy chồng từ năm 17 tuổi. Hiện giờ con gái lớn 7 tuổi, đứa thứ 4 vẫn còn ẵm ngửa. Ban ngày, vợ chồng chị ở nhà làm nương, rẫy. Đến khoảng 6 giờ chiều thì bồng bế nhau xuống thị xã Sa Pa bán hàng kiếm thêm. Thu nhập tùy ngày, hôm nào may mắn thì kiếm được vài trăm ngàn đồng, song có ngày ít hơn.
Anh Lý Láo San (35 tuổi, ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa) chạy xe ôm cho biết thêm ở xã anh cũng có rất nhiều trẻ em xuống thị xã Sa Pa bán hàng như vậy. Trước đây, các con của anh cũng từng đi bán hàng rong.
“Đời mình vất vả rồi, không được học hành đầy đủ nên cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây. Tôi bảo vợ khổ một chút, lấy tiền lo cho lũ trẻ đi học. Ban ngày tôi chạy xe ôm, tối tôi dựng sạp thuê ở chợ đêm, hết chợ lại ra dỡ sạp xuống cho chủ. Vợ bán hàng rong gần nhà thờ. Hai vợ chồng thuê phòng trọ nhỏ gần chợ, tiện đi lại,” anh San nói.
Mới đây, sau khi bị du khách đưa hình ảnh phản ánh tình trạng đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, những đứa trẻ người H’Mông run rẩy bám theo khách bán đồ lưu niệm lên mạng xã hội, chính quyền thị xã Sa Pa liền ra khuyến cáo khách du lịch “Không cho tiền, không mua hàng của trẻ em” song vẫn không thể thay đổi, nhiều em vẫn theo cha mẹ ra đường mưu sinh vì đói nghèo.
Anh Trần Thịnh, từ Sài Gòn đến Sa Pa du lịch cho biết nhìn các em nhỏ mưu sinh trong giá rét mà không khỏi mủi lòng.
Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Giêng, ông Ngọc Ánh, nhân viên Đội Kiểm Tra Trật Tự Đô Thị Sa Pa, cho rằng khi tổ công tác kêu gọi, nhiều người đã không cho con em mình đi bán rong nữa, tuy nhiên ở thị xã vẫn còn một nhóm chuyên chèo kéo du khách.
Theo đó, những người bố mẹ đưa trẻ đến thị xã rồi canh chừng một chỗ, để trẻ địu em đi bán hàng nhằm “lấy lòng thương hại của du khách.”
“Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhiều lần đưa trẻ về Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội, nhưng sáng đưa ra thì chiều chúng trèo tường trốn mất. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố,” ông Ánh nói.
Trong khi đó bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng Văn Hóa Thông Tin thị xã Sa Pa, cho biết hiện chính quyền thị xã đã “thực hiện một kế hoạch dài hạn. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện để chính người dân H’Mông tiếp cận với cách làm kinh tế văn minh.”
“Chúng tôi đang tập hợp nguyện vọng của từng gia đình. Hộ nào muốn bán hàng chúng tôi sẽ bố trí địa điểm, hướng dẫn kỹ năng. Hộ nào muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch… chúng tôi xây dựng chính sách để hỗ trợ,” bà Vượng nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment