HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 10 Tháng Giêng, cư dân mạng bàn tán xoay quanh phát ngôn mới nhất của ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Kế Hoạch Đầu Tư CSVN, được báo VnEconomy dẫn lại: “Cần cơ chế huy động vàng, ngoại tệ trong dân.”
Bộ Trưởng Dũng được ghi nhận nói điều này tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư.
Tuy vậy, ông Dũng không cho biết bằng cách nào cụ thể để người dân tin tưởng khi giao vàng, đô la cho nhà nước như “cho vay tương đương ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức).”
Thật ra, trước ông Dũng, giới chức CSVN đã nhiều lần lên báo đảng đòi tìm kế huy động vàng, đô la của người dân nhưng không thành.
Phát ngôn của Bộ Trưởng Dũng khiến công luận bày tỏ sự hoang mang. Vì đến nay, Chính Phủ CSVN luôn tuyên truyền về “tăng trưởng dương,” “dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục” nhưng trên thực tế, cứ vài tháng lại có giới chức lên tiếng nhăm nhe, thòm thèm số vàng và đô la do người dân tích cóp được để phòng thân.
Liên quan vụ này, hồi Tháng Năm, 2019, công luận từng xôn xao trước phát biểu tại nghị trường của “đại biểu Quốc Hội” Trần Quang Chiểu được báo Zing trích dẫn: “Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân, phục vụ cho nền kinh tế hàng năm. Thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ đô la để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi lượng vàng và ngoại tệ của dân lại rất lớn.”
Phản hồi đề nghị này, Facebooker Cát Linh ở Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Theo tôi thấy vàng và ngoại tệ trong quan rất lớn thì đúng hơn đấy. Tại sao chỉ nghĩ cách khai thác tài sản của dân mà không nghĩ cách thu hồi hết tài sản tham ô tham nhũng của quan? Bắt quan tham bỏ tù cũng chỉ tốn thêm tiền thuế nuôi bọn đấy thôi. Tiền tụi nó tham nhũng, gửi trong nước ngoài nước mới quan trọng.”
Trước phát ngôn đòi vàng và ngoại tệ của dân, Bộ Trưởng Dũng hồi cuối Tháng Sáu, 2020, từng bị chỉ trích là “đi trên mây” khi ra lệnh cho lãnh đạo tỉnh nghèo Nghệ An phải trở thành “trung tâm Bắc Trung Bộ.”
Thời điểm đó, báo Nghệ An trích dẫn mệnh lệnh chung chung của ông Dũng: “Tỉnh cần phải cởi trói tư duy, phải có tầm nhìn mới, từ đó có cơ hội mới, bước phát triển mới, nếu không sẽ không phát huy hết tiềm năng, lợi thế.”
Đến nay, Nghệ An vẫn được ghi nhận là một trong những “tỉnh nghèo bền vững” và hàng năm đều phải nhận gạo cứu đói của chính phủ, nhất là dịp Tết Nguyên Đán. Hồi Tháng Giêng, 2020, trang web của Đài Truyền Hình Nghệ An cho hay hơn 19,000 gia đình thuộc 17 trong 21 huyện, thị ở tỉnh này được cấp phát hơn 1,200 tấn gạo cứu đói dịp Tết Canh Tý 2020.
Hồi Tháng Hai, 2020, công luận chỉ trích kịch liệt giới lãnh đạo tỉnh Nghệ An về quyết định lấy hơn 8 tỷ đồng ($344,285) từ tiền thuế dân để xây công trình vườn hoa, đài phun nước tại tượng đài Lênin ở thành phố Vinh. (N.H.K) [kn]
No comments:
Post a Comment