Ý kiến về đá vỉa hè có độ bền 70 năm vừa lát đã hỏng
RFA 2020-11-18
Ảnh minh họa. Người dân tập thể dục buổi sáng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Hình chụp tháng 11/2000.-AP
Trách nhiệm thuộc về ai?
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 17/11, dẫn lời của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết chủ trương hoàn thiện để tạo nên sự bền vững của các vỉa hè là yêu cầu nhiều đô thị quan tâm, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh rằng thành phố Hà Nội trong những năm qua thay đổi rất nhiều vật liệu để lát vỉa hè, từ vật liệu gạch thiên nhiên cho đến các gạch lục giác, gạch con thoi, gạch xây chèn… nhưng đều không đảm bảo về tuổi thọ.
VTC News ghi nhận sau 4 năm Chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương cải tạo hè phố và vỉa hè, nhiều tuyến đường trong phạm vi 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên và chỉ 1-2 năm sau sử dụng thì nhiều đoạn bị nứt vỡ, lởm chởm, lồi lõm…Mặc dù Chính quyền thành phố Hà Nội loan báo rằng đá mới dùng để lát vỉa hè có độ bền đến 70 năm.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá và cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội liên quan việc giám sát và thi công lát đá vỉa hè. Song song đó, chính quyền các cấp phường, quận, huyện cũng phải có trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát và có thể do không tổ chức giám sát quá trình thi công nên mới dẫn đến tình trạng như hiện tại.
Về quản lý đô thị và các vấn đề cụ thể của công trình đô thị thì cách đây mấy chục năm rồi đã nhiều phản ánh từ báo chí về chất lượng của xây dựng, đặc biệt kể từ sau năm 1990 là thời kỳ Việt Nam đổi mới và xây dựng trên toàn quốc. Tuy nhiên từ thời gian đó đên nay đã tốn bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước, mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân, đã bị phung phí và bị lãng phí trong các công trình rất quan trọng. Những công trình nho nhỏ như công trình trồng cây xanh, công trình làm vườn hoa, công trình vỉa hè thì chuyện lãng phí còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy rằng rất nhỏ, nhưng theo thời gian thì khối lượng ngân sách tiêu tốn rất nhiều -Blogger Nguyễn Lân Thắng
Một cư dân Hà Nội, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, vào tối ngày 18/11, nói với RFA rằng ông có đồng quan điểm với kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm:
“Tôi đồng thuận với ý kiến của ông Đào Ngọc Nghiêm. Ông Đào Ngọc Nghiêm trước đây từng giữ chức kiến trúc sư trưởng của thành phố Hà Nội. Là người với trọng trách đó thì ông ấy hiểu rất rõ quy trình từ khâu thiết kế cho đến khâu lựa chọn vật liệu và thi công công trình. Cho nên ý kiến của ông ấy rất xác đáng.”
Một cư dân Hà Nội khác là kỹ sư xây dựng, lên tiếng với RFA rằng sẽ rất khó khăn để quy trách nhiệm thuộc về ai, bởi vì không chỉ việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội mà hầu hết các dự án xây dựng ở Việt Nam đều không mang tính chất thực chất.
Vị kỹ sư xây dựng, không muốn nêu tên, khẳng định rằng các đơn vị thi công vẫn có thể đảm bảo chất lượng tốt cho công trình. Thế nhưng, trong quy trình thi công, bởi do các yếu tố về lợi nhuận và chia chác, chung chi…nên chất lượng của công trình không thể bảo đảm chất lượng như mong muốn.
Về việc lát đá vỉa hè sau khi sử dụng một vài năm bị hư hỏng, vị kỹ sư xây dựng ẩn danh cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hậu quả.
“Bây giờ đơn giản là làm vỉa hè cho người đi bộ thì một người đi trên vỉa hè rất nhẹ. Thế nhưng xe máy chạy trên vỉa hè thì làm sao mà không hỏng? Làm đường cho người đi bộ và làm đường cho xe cơ giới, mà trong lĩnh vực xây dựng thì tính chất khác nhau. Do đó, làm đường vỉa hè mà xe máy chạy trên đó thì làm sao đảm bảo được?”
Đá lát vỉa hè Hà Nội bị hư hỏng sau 1-2 năm sử dụng. Courtesy: vtc.vn
Vai trò giám sát của người dân
Theo quan điểm của kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm thì vai trò giám sát của người dân cần phải được đẩy mạnh thông qua các ban công tác khi thi công, nghiệm thu và quản lý vỉa hè.
Ông Lê Hoàng, một cư dân Hà Nội, chia sẻ ý kiến của ông về vai trò giám sát của người dân trong việc thay đá vỉa hè:
“Nếu người dân được giám sát thì nói thẳng ra là có thể được chuẩn mực hơn nhiều. Nhưng mà họ đâu có cho làm như thế đâu. Sau khi cho đấu thầu xong thì họ có một ban bệ để đánh giá chất lượng…Thực ra, người dân có ý kiến nhưng họ đâu có lắng nghe đâu.”
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng cho rằng người dân cũng thờ ơ về vai trò giám sát của họ:
“Về quy trình xây dựng theo Luật Xây dựng thì chắc chắn phải có việc công bố thông tin cũng như lấy ý kiến của người dân từ khâu quy hoạch cho đến các công trình phục vụ dân sinh. Thế nhưng từ trước đến nay thì thứ nhất là các chủ đầu tư, thường là thành phố hay quận cũng không chú trọng trong việc công bố thông tin đó; thứ hai thì người dân cũng không có tinh thần trong việc giám sát công việc của nhà nước, không chỉ trong việc xây dựng mà còn nhiều vấn đề khác. Bởi do cũng có người này người kia đóng góp ý kiến cho các vấn đề của nhà nước rồi, nhưng thông thường ý kiến của người dân không được coi trọng.”
Nếu người dân được giám sát thì nói thẳng ra là có thể được chuẩn mực hơn nhiều. Nhưng mà họ đâu có cho làm như thế đâu. Sau khi cho đấu thầu xong thì họ có một ban bệ để đánh giá chất lượng…Thực ra, người dân có ý kiến nhưng họ đâu có lắng nghe đâu -Ông Lê Hoàng
Ông Nguyễn Lân Thắng nói thêm về nhận xét của mình liên quan việc lãng phí trong xây dựng kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” cho đến nay.
“Về quản lý đô thị và các vấn đề cụ thể của công trình đô thị thì cách đây mấy chục năm rồi đã nhiều phản ánh từ báo chí về chất lượng của xây dựng, đặc biệt kể từ sau năm 1990 là thời kỳ Việt Nam đổi mới và xây dựng trên toàn quốc. Tuy nhiên từ thời gian đó đên nay đã tốn bao nhiêu tiền của ngân sách nhà nước, mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân, đã bị phung phí và bị lãng phí trong các công trình rất quan trọng. Những công trình nho nhỏ như công trình trồng cây xanh, công trình làm vườn hoa, công trình vỉa hè thì chuyện lãng phí còn khủng khiếp hơn nữa. Tuy rằng rất nhỏ, nhưng theo thời gian thì khối lượng ngân sách tiêu tốn rất nhiều.”
Còn vị kỹ sư xây dựng ẩn danh quả quyết rằng dù người dân có giám sát, dù truyền thông có phản ánh thì cũng không có thay đổi nào, bởi vì quy trình xây dựng ở Việt Nam theo cách được gọi là “ai nói thì cứ nói và ai làm thì cứ làm”.
Blogger Nguyễn Lân Thắng khẳng định rằng “Nếu như không có sự thay đổi trong hệ thống chính trị thì tôi cho là việc quản lý đô thị và xây dựng các công trình công cộng như vậy chắc chắn sẽ còn rất tồi tệ.”
No comments:
Post a Comment