Khi mà con người đã chinh phục mặt trăng và đang ước mơ vươn tới sao hỏa sao kim.
Khi mà thế giới đã thu nhỏ trong lòng bàn tay, chỉ một cái nhấp chuột là tầm nhìn vươn ra năm châu bốn biển.
Khi mà xã hội Việt Nam tự hào là có nền dân chủ gấp vạn lần hơn chủ nghĩa tư bản giãy chết.
Khi mà Việt Nam được tuyên truyền là nước hạnh phúc thứ 2 thế giới, do người dân hài lòng với cuộc sống hiện có.v.v.
Thì tại Trường mầm non Phước Bình, Ninh Thuận, niềm mơ ước của giáo viên và học sinh nơi đây là muốn có nhà vệ sinh cho thầy trò được bài tiết đúng nơi đúng chỗ cho hợp vệ sinh để giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Điều mơ ước ấy được cô giáo trẻ người dân tộc Raglai- PiNăng Thị Hải, giáo viên Trường mầm non Phước Bình, Ninh Thuận, trình bày khi gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi lễ tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tại Hà Nội.
Khi gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cô giáo đã nói: “Nếu có điều ước, “xin” cho các cháu có nhà vệ sinh”; “xin” cho những đứa trẻ ở trường mình được cải thiện cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị, bố trí đủ giáo viên để dạy các con tốt hơn”.
Chao ôi! Chữ “xin” ở đây sao nghe mà chạnh lòng và chua chát thế! Có lẽ không chỉ có ở ngôi trường ở Phước Bình, Ninh Thuận chưa có nhà vệ sinh, mà còn rất nhiều ngôi trường khác dưới xứ sở “thiên đường XHCN” này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn không kém.
Chúng ta đã nghe câu chuyện học sinh bắt chuột đồng về làm thịt, bữa trưa chỉ có cơm trắng với muối ớt rừng, của học sinh tại xã vùng cao Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long – Đắk Nông, được báo Dân Trí phản ánh ngày 7/12/2018.
Chúng ta từng nghe câu chuyện bữa cơm của những đứa trẻ vùng cao Đắk Lắk: Chỉ có cơm nguội trộn với ve sầu tại làng Mông, thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, được kể trên Kenh14.vn ngày 5/6/2020.
Và còn có rất nhiều ngôi trường khác đang lâm vào những hoàn cảnh tương tự, nhưng “chưa bị lộ” đó thôi.
Vì sao ư?
Cũng cần nói với giáo viên và học sinh tại những nơi ước mơ có nhà vệ sinh, tại những ngôi trường các cháu phải ăn cơm với ve sầu, hoặc ăn với thịt chuột ấy. Rằng vì những người có nhiệm vụ đang bận lo những việc quốc gia đại sự vô cùng quan trọng.
Đó là vì họ đang lo xây tượng đài, quảng trường trăm tỷ ngàn tỷ, để khi dân đói thì ra ngắm tượng đài cho đỡ đói.
Là vì họ đang lo xây cổng chào hoành tráng hết mấy chục tỷ để làm đẹp cho bộ mặt của địa phương.
Là vì họ đang lo làm băng rôn khẩu hiệu và trang trí hoa hòe rợp trời và thảm đỏ từ ngoài đường vào các cơ quan tổ chức đại hội đảng các cấp.
Đặc biệt là trong cuộc chiến giành ghế trước mỗi mùa đại hội như này, trong cuộc chiến đấu rất cam go một mất một còn này, giữ được ghế và củng cố được vị trí, và lo phấn đấu đi lên đã ngốn hết trí lực và tâm lực của các ngài. Làm gì còn đầu óc để lo ba cái chuyện vơ vẩn như nhà vệ sinh hay các cháu ăn gì.
Vì nhiệm kỳ của các quan có hạn. Họ đang lo “chuyến tàu vét” và những công việc bận rộn của “hoàng hôn nhiệm kỳ” trước khi trở về gặm nhắm những khối tài sản khổng lồ do nhiều năm “cống hiến” cho dân kiếm được.
Ngoài ra các ngài đang phải lo đài thọ cho những đứa con đang đi du học ở nước ngoài có cuộc sống sung túc đầy đủ.Vì chi phí học hành rất tốn kém. Và còn phải lo cho những đứa đang học trong nước sẽ tiếp bước anh chị nó. Và các ngài cũng cần phải lo đầu tư để mua cái “thẻ xanh” bên đó, để sau khi về “làm người tử tế”, hoặc khi có biến là…chuồn.
Còn phe đốt lò thì đang lo tìm tiêu diệt những loại củi “phe kia”, hoặc những kẻ “ăn dày” mà chia chác không đều rồi bỏ trốn. Như Trịnh Xuân Thanh và sắp tới là bà Hồ Thị Kim Thoa.v.v. Dù có tốn kém mấy cũng phải đưa về cho bằng được để trị tội. Do đó chưa có thì giờ nghĩ đến các cháu.
Các cháu còn trẻ, tương lai còn dài. Hôm nay tuy các cháu ăn thịt chuột, ăn ve sầu với cơm, không có nhà vệ sinh. Nhưng hãy tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
Vì dù “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
Vì “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?” Như TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Vì vậy các cháu hãy gác lại ước mơ “sánh vai với các cường quốc năm châu” đi nhé.
Đến cái nhà vệ sinh còn là điều mơ ước xa vời đối với các cháu, nói chi đến bốn biển năm châu, nghe như chuyện thần thoại vậy?
No comments:
Post a Comment