HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức và nhóm dân Đồng Tâm bị cáo buộc cầm đầu vụ chống cưỡng chế đất, được báo nhà nước đưa tin là “nhận tội” như bị cáo buộc “giết người” và “xin khoan hồng.”
Buổi chiều Thứ Hai, 7 Tháng Chín, của ngày đầu tiên xử vụ chống đối cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm bước qua phần xét hỏi các bị cáo theo sự áp đặt rút ngắn xét xử của chủ tọa phiên tòa. Những người bị thẩm vấn coi như cầm đầu chống trả lực lượng võ trang của nhà cầm quyền, dẫn đến cái chết của ba sĩ quan công an và cảnh sát cơ động sáng sớm ngày 9 Tháng Giêng, 2020.
Họ gồm: ông Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), ông Lê Đình Công (56 tuổi), ông Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), ông Lê Đình Doanh (32 tuổi), ông Lê Đình Chức (40 tuổi). Hai ông Công và Chức là con trai ông Lê Đình Kình đã bị bắn chết đêm 9 Tháng Giêng.
Ông Lê Đình Công, con trai lớn của ông Lê Đình Kình, “thừa nhận đã chỉ đạo chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, dao phóng lợn để chống đối cảnh sát nhằm mục đích ‘giữ đất’ tại khu vực cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức,” bản tin VNExpress viết.
Tuy nhiên, theo VietNamNet, ông Công phủ nhận là người chủ mưu cùng với các người khác. Ông nói những vũ khí dùng trong vụ chống đối từ bom xăng đến dao phóng, lựu đạn, là tiền đóng góp chung của dân làng trong kế hoạch giữ đất, chống cưỡng chế bất công.
Còn ông Lê Đình Chức, con trai thứ của ông Lê Đình Kình, thì “thừa nhận ngồi trên trần nhà hàng xóm, dùng dao phóng lợn chọc xuống dưới khiến ba cảnh sát đang di chuyển qua cửa sổ ngã xuống hố sâu 4m giữa hai nhà. Bị cáo đổ xăng, châm lửa làm ba cảnh sát hy sinh. Bị cáo biết chọc dao là nguy hiểm và là hành vi trái pháp luật, nhưng lúc đó vì muốn bảo vệ bố là Lê Đình Kình. Mong tòa xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng,” VNExpress kể.
Ông Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, theo VietNamNet, “Thừa nhận đã cùng ông Lê Đình Kình thành lập ‘Tổ đồng thuận’ để giữ đất.” Ông “thừa nhận đã lên trần nhà ông Kình, ném 2 chai ‘bom’ xăng về phía lực lượng chức năng.”
Còn ông Nguyễn Văn Tuyển thì cũng khai đã tham gia “Tổ đồng thuận” từ Tháng Tư, 2017, và “tham gia chống đối theo lời ông Lê Đình Kình,” theo báo mạng Zing. “Bị cáo Tuyển thừa nhận hành vi là sai” và “quý tòa xem xét cho bị cáo hình phạt nhẹ.”
Tất cả các bản tin trên báo chí chính thống của chế độ đều dồn tội làm chết ba tay sĩ quan công an và cảnh sát cơ động cho ông Lê Đình Chức và người cháu Lê Đình Doanh (con trai ông Lê Đình Công).
Tờ Thanh Niên dẫn lời ông Lê Đình Công: “Sau khi bị bắt thì mới biết ba cán bộ công an hy sinh. Bị cáo rất hối hận. Cho bị cáo thành thật xin lỗi ba gia đình, mong ba gia đình cán bộ chiến sĩ tha thứ cho các bị cáo trong vụ án. Bị cáo đã nhận ra những sai lầm của mình và đã thành khẩn khai báo để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.”
Không có nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng và chưa thấy các luật sư biện hộ của họ phát biểu gì.
Như các báo trong nước kể lại, có vẻ phiên tòa diễn tiến nhanh chóng theo lời khai của những người bị cáo buộc là “cầm đầu.” Dự trù phiên tòa kéo dài 10 ngày nhưng rất có thể xong rất sớm. (TN) [kn]
No comments:
Post a Comment