HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các vụ mua sắm vật tư chống thiên tai như bão lũ hoặc chia tiền quyên góp cứu trợ luôn là dịp béo bở để quan chức các địa phương tha hồ xà xẻo, kê giá và ăn chặn.
Hôm 16 Tháng Tư, báo VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội: “Chúng ta được giao nhiệm vụ này [chống dịch] mà có biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn thành phố, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế.”
Khuyến cáo của ông Chung được đưa ra trong thời điểm Sở Y Tế và các quận, huyện ở Hà Nội đang được rót tiền thuế và tiền đóng góp của người dân để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
Để việc mua sắm này diễn ra “minh bạch,” ông Chung hứa hẹn thêm là sẽ cử Ban Kinh Tế Ngân Sách của Hội Đồng Nhân Dân thành phố “giám sát,” nếu cần thì mời thêm Mặt Trận Tổ Quốc.
Hồi Tháng Sáu, 2018, tờ Người Lao Động tường thuật vụ cơ quan phòng chống thiên tai ở Thái Bình dự định chi tiền ngân sách cho cán bộ đi thị sát tình hình lũ lụt, trong đó chỉ tính riêng tiền áo mưa đã hết 300 triệu đồng ($12,780), áo mưa không rõ thương hiệu của công ty nào nhưng giá 1 triệu đồng ($42.6)/bộ. Sau khi bị dư luận chỉ trích, vụ mua áo mưa giá cao đã bị dừng lại.
Mặt khác, đến nay quan chức chỉ quen “nói lời chót lưỡi đầu môi” về yếu tố “minh bạch” trong chuyện chi tiền thuế hoặc tiền đóng góp của người dân chứ không có hành động mang tính thuyết phục. Việc buộc tất cả các mạnh thường quân, doanh nghiệp muốn quyên góp chống dịch COVID-19 đều phải qua Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc càng khiến người ta nghi ngại về việc liệu đồng tiền mà họ chi ra có đến được các y bác sĩ ở những bệnh viện trên tuyến đầu.
Facebook Thanh Hằng kể trên trang cá nhân về vụ một doanh nghiệp muốn đóng góp 500 triệu đồng ($21,300) cho Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật thành phố Hà Nội nhưng “lòng thành không được đón nhận,” vì Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc được chỉ định nhận tất cả tiền và hàng tài trợ rồi phân bổ lại sau.
“Tôi thấy cách quản lý cũ kỹ kiểu này hoàn toàn không phù hợp với thực tế nóng giãy của dịch bệnh hiện nay. Nhà tài trợ đương nhiên muốn nhìn thấy đồng tiền của mình trao tới nơi họ muốn tặng, là các nhân viên y tế trên tuyến đầu, chứ không bao giờ muốn tiền của họ trôi nổi bao giờ đến, có đến không và đến được bao nhiêu phần trăm, mà họ lại không biết được! Tiền là mồ hôi nước mắt chứ có phải vỏ hến đâu?,” theo Facebook Thanh Hằng. (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment