Friday, November 13, 2020

Rừng nguyên sinh Việt Nam sắp mất, ngược lời của Trần Hồng Hà

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổ chức Hợp Tác Phát Triển GIZ của Đức cho hay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ có 0.25%.

Hôm 12 Tháng Mười Một, sau khi dẫn kết quả khảo sát của GIZ, báo Thanh Niên dẫn lời ông Oemar Idoe, đại diện tổ chức này, bình luận rằng con số nêu trên “phản ánh một thực tế rằng quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ của chính phủ, các cấp, các ngành.”

Hiện trường một vụ phá rừng thông ở tỉnh Lâm Đồng. (Hình: Lâm Viên/Thanh Niên)

Báo Thanh Niên cũng cho biết thêm: “Chính áp lực tăng dân số đang là mối đe dọa, ảnh hưởng tới phát triển bền vững rừng đặc dụng. Cụ thể, nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, các nhu cầu sử dụng gỗ và khai thác lâm sản ngày càng tăng, làm tăng áp lực chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp sang các loại đất khác và khai thác tài nguyên quá mức hoặc phá rừng bất hợp pháp.”

Bên cạnh những tác động do con người, việc diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp còn được tờ báo giải thích bằng yếu tố khách quan: Diễn biến về biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thay đổi quy luật thời tiết, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài sinh vật, gây ra những hiện tượng cháy rừng, sạt lở, ngập lụt đe dọa đến hệ sinh thái rừng.

Trước đó, liên quan đến chính sách bảo vệ rừng, tờ Người Lao Động dẫn phát ngôn của ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường CSVN, tại nghị trường: “Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời. Mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện, mất rừng còn do chúng ta có tư duy sai trái, trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng động vật hoang dã.”

Bộ Trưởng Hà cho biết ông sẽ cùng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN “xem xét, rà soát từng mét vuông đất nếu chuyển đổi từ rừng tự nhiên hoặc rừng phòng hộ, đồng thời chú trọng công tác phục hồi rừng.”

Báo Khoa Học và Đời Sống hôm 9 Tháng Mười Một dẫn ý kiến của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng Quản Lý Rừng Bền Vững và Chứng Chỉ Rừng, nói: “Dù tỉ lệ che phủ rừng [tại Việt Nam] hiện đạt đến 41% nhưng thực chất đa số là rừng trồng, rừng nghèo. Rừng tự nhiên, rừng giàu… còn rất ít. Điều đáng nói là không thể trồng được rừng tự nhiên nên khi đã bị tàn phá là mất trắng.”

Ông Lung cũng tiết lộ rằng, theo quy định thì cứ năm năm phải điều tra lại số liệu rừng một lần. Ngân sách chi một khoản không nhỏ để nghiên cứu, điều tra quy hoạch rừng.

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài Nguyên Môi Trường CSVN. (Hình: BNews.vn)

“Theo đúng quy trình, để được quyết toán nghiên cứu, số liệu điều tra về hiện trạng rừng phải được xác nhận của lãnh đạo địa phương. Mà nhiều khi vì bệnh thành tích, vì muốn phát triển, muốn ‘lên nữa’ nên số liệu cũng phải rất ‘đẹp.’ Do vậy, để được ‘ký’ để được giải ngân thì phải có số liệu sao cho ‘vừa lòng’ lãnh đạo, để vừa có ‘thành tích,’ vừa có đủ cơ sở pháp lý để giải ngân điều tra số liệu rừng,” ông Lung được tờ báo dẫn lời.

Vị viện trưởng nhấn mạnh: “Rừng tự nhiên mất đi là vĩnh viễn mất đi, thiên nhiên đã bị tàn phá, khó mà khôi phục được.” (N.H.K) [qd]

No comments:

Post a Comment