HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đang lúc đời sống kinh tế của người dân kiệt quệ, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo CSVN lại đưa ra dự thảo Nghị Định lần 2 “lấy ý kiến về việc tăng học phí từ năm học 2021-2022,” khiến người dân và cả giáo viên phản đối dữ dội, buộc phải tạm dừng.
Theo đề nghị của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12.5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7.5% so với năm học 2020-2021. Nghị Định này được ban hành sẽ thay thế Nghị Định số 86 ban hành hồi năm 2015 của chính phủ CSVN quy định về “cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.”
Báo Thanh Niên ngày 13 Tháng Mười Một cho biết, ngay sau khi Bộ Giáo Dục lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị Định trên, công luận và cả giáo viên đã lên tiếng phản đối về đề nghị này.
Độc giả Đỗ Tiến nêu ý kiến: “Theo tôi trước mắt không tăng học phí cho đến cuối năm 2021. Lý do là ngay lộ trình tăng lương, chính phủ cũng hoãn thời gian áp dụng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế và việc làm của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó còn thiên tai, bão lũ hoành hành, người dân gặp thêm nhiều khó khăn… Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế đã dự báo năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn bởi những tác động nói trên.”
Còn độc giả Nguyễn Thanh Vân, có con em đang học ở trường tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, Sài Gòn) lo lắng: “Hiện nay bậc tiểu học đang miễn học phí, dù không nhiều những cũng bớt lo lắng khi dịch bệnh khiến việc làm bấp bênh. Từ đầu năm đến nay, công việc hướng dẫn viên du lịch của vợ chồng tôi ngừng trệ. Nay các hoạt động kinh doanh chưa biết khi nào mới ổn định, mà thấy mức đề nghị học phí bậc tiểu học ở thành thị tăng gấp 10 lần mà muốn ‘đau tim’.”
Trong khi đó, khi tham khảo mức đề nghị học phí của Bộ Giáo Dục đối với bậc trung học cơ sở của năm học 2021-2022, anh TTB., phụ huynh học sinh trường trung học cơ sở Phan Công Hớn (huyện Hóc Môn, Sài Gòn) giật mình: “Hiện tại con gái tôi đang học lớp 6, học phí đóng 30,000 đồng/tháng, nhưng nếu năm học tới, áp dụng mức học phí theo đề nghị của bộ đối với khu vực thành thị là từ 300,000 đến 650,000 đồng ($12.95 đến $28.06)/tháng, thì có thể người dân Sài Gòn phải đóng mức học phí ít nhất là cao gấp 10 lần mức cũ. Đây thật sự là áp lực về kinh tế với các gia đình trong thời điểm này.”
Đặc biệt anh Dương Thanh Hùng, có con học lớp 6 tại quận 1, đặt vấn đề, từ năm 2019 đến nay, Sài Gòn đang thực hiện chính sách giảm học phí cho học sinh trung học cơ sở nên mức học phí của thành phố hiện nay thấp hơn khung học phí quy định rất nhiều. Nếu sang năm, Bộ Giáo Dục áp dụng mức học phí mới thì người dân sẽ rất khốn khó.
Cũng với đề nghị học phí của Bộ Giáo Dục thì bậc tiểu học đang từ miễn học phí sẽ phải đóng học phí, tùy theo vùng miền mà dao động từ 50,000 đến 650,000 đồng ($2.15 đến $28.06)/tháng.
Nóivề việc này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7, Sài Gòn, bày tỏ: “Trong Luật Giáo Dục sửa đổi có hiệu lực từ Tháng Bảy vừa qua, quy định học sinh tiểu học được miễn học phí, vậy thì Bộ Giáo Dục quy định thu học phí của học sinh bậc học này có đúng luật hay không? Thêm vào đó vào thời điểm này, khi mọi gia đình, mọi người dân và nền kinh tế Việt Nam đang gánh chịu những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thì việc đề nghị tăng học phí có phù hợp? Các cơ quan quản lý nên cân nhắc vấn đề này.”
Sau khi bị công luận phản đối mạnh, để xoa dịu ngày 13 Tháng Mười Một, ông Phạm Ngọc Thưởng, thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, loan báo trên báo đài nhà nước cho biết Bộ Giáo Dục “đã có văn bản báo cáo chính phủ đề nghị xem xét cho phép gia hạn áp dụng Nghị Định 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.”
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học trong năm học tới.
“Giữa lúc người dân đang khô kiệt vì tác động của đại dịch từ đầu năm, nhiều nơi khốn cùng vì lũ lụt, thì Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tăng học phí các cấp từ năm học tới. Đó là sự ngu xuẩn về chính trị.
Cho dù hôm nay ông Nhạ đã rút lại ý kiến vì bị phản ứng dữ dội, nhưng chính phủ cần thấy rằng ngày nào ông Nhạ còn làm bộ trưởng thì ngày đó tương lai giáo dục hết sức mờ mịt. Thưa thủ tướng, tôi cần một bộ trưởng giáo dục Việt Nam tầm cỡ như bộ trưởng giáo dục Cambodia hiện nay,” cựu nhà báo Nguyễn Thiện bày tỏ trên trang Facebook cá nhân. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment