LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Hàng chục cây bạch tùng hơn trăm năm tuổi ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, bị “lâm tặc” cưa hạ tan tác, xẻ lấy gỗ ngay tại hiện trường rồi mang bán cho tổ trưởng Quản Lý Bảo Vệ Rừng.
Sáng 24 Tháng Mười Một, lãnh đạo Công An huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã khoanh vùng và xác định được sáu người tình nghi liên quan đến vụ phá rừng bạch tùng tại tiểu khu 249 ở xã Đạ Đờn, thuộc huyện.
“Công An huyện Lâm Hà đang tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm Lâm huyện củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng bạch tùng cổ thụ tại tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, để điều tra xử lý,” vị lãnh đạo công an nói với báo Người Lao Động.
Nhận được tin báo của người dân, ngày 23 Tháng Mười Một, phóng viên báo Thanh Niên đến tiểu khu 249 là lâm phần do Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lâm Hà quản lý để xác minh.
Tại hiện trường, hàng chục cây bạch tùng có đường kính từ 60 đến 100 cm, tuổi đời hàng trăm năm bị cưa hạ nằm ngổn ngang. “Lâm tặc” đã ngang nhiên dùng máy cưa xẻ gỗ bạch tùng ngay tại rừng để lấy phần lõi gỗ hộp rồi dùng xe gắn máy, gắn xích vận chuyển bằng con đường mòn độc đạo đến thôn 5 và thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.
Ông Đồng Văn Tuyên, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Lâm Hà, cho biết khi lực lượng kiểm lâm phát giác việc phá rừng bạch tùng, thì tiến hành kiểm tra khu vực và thấy tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ), tổ trưởng Quản Lý Bảo Vệ Rừng, có hơn 1.5 khối gỗ bạch tùng.
Bước đầu ông Tuyến khai nhận mua số gỗ bạch tùng trên của ông Bùi Minh Chí (còn gọi là Chí “Phương,” 38 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ).
Cũng theo ông Tuyên, qua kiểm tra khu vực rừng bị phá có 11 cây gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng thiệt hại hơn 20.48 khối. Trong đó có 17.6 khối đã được đưa ra khỏi rừng, số còn lại nằm ngổn ngang tại rừng. Tại thời điểm kiểm tra “chưa xác định được người vi phạm.”
Cơ quan hữu trách đã thu giữ số gỗ nói trên, lấy lời khai những người liên quan để mở rộng điều tra.
Theo báo Tiền Phong, thời gian gần đây ở Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên, nằm trong vùng phòng hộ đầu nguồn, với quy mô lớn. Trong đó, huyện Lâm Hà trở thành “điểm nóng” phá rừng bởi không chỉ là nơi ở của nhiều “đối tượng xã hội phức tạp,” mà còn do sự buông lỏng quản lý của giới hữu trách. Ngay cả cán bộ quản lý bảo vệ rừng cùng người thân còn cất nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng…
Do diện tích rừng và đất rừng thuộc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Lâm Hà quản lý bị “bốc hơi” quá lớn, sai phạm xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nên các cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng nhận định “việc điều tra xử lý sẽ rất phức tạp.”
Bạch tùng có nguồn gốc từ cây thông ba lá (thông nang), trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Gỗ có chất lượng tốt, thường làm trang trí nội thất, xây dựng nhà nuôi chim yến nên có giá thành khá cao. (Tr.N) [qd]
No comments:
Post a Comment