SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cho rằng “dù công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng nhiệm vụ để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy trình để vụ lợi…”
Báo Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Mười Một, dẫn phúc trình của Công An thành phố Sài Gòn, cho biết trong quý 3 năm 2020, công an đã thụ lý điều tra 18 vụ án với 24 bị can liên quan đến vụ án tham nhũng với tổng số tiền thiệt hại hơn 1,000 tỷ đồng ($42.81 triệu). Qua đó đã thu hồi hơn 664 tỷ đồng ($28.42 triệu).
Nhà cầm quyền thành phố cho rằng mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng “đã được cán bộ lãnh đạo chú trọng,” nhưng một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ “còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, giám sát nội bộ chưa thường xuyên.”
Bên cạnh đó, các đơn vị “còn thiếu sót về việc công khai minh bạch thu chi tài chính, quản lý tài sản công. Tiến độ xử lý tin báo tố giác tội phạm và công tác điều tra, khởi tố, xét xử còn chậm…”
Theo Ủy Ban Nhân Dân thành phố, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức “thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy trình để vụ lợi.” Cùng với đó, do cán bộ và cả người dân “còn e ngại, cả nể nên hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu.”
Trong thời gian tới, Sài Gòn “sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hành vi tham nhũng.” Trong đó, tập trung ở những lĩnh vực “có nguy cơ cao” như các dự án trọng điểm của thành phố; công tác quản lý, thu hồi, giải tỏa mặt bằng; dự án BOT; cổ phần hóa doanh nghiệp…
Liên quan đến cán bộ tham nhũng, hôm 21 Tháng Mười Một, Công An thành phố Sài Gòn đã ra lệnh khởi tố, khám xét đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên phó chánh Văn Phòng Thành Ủy ở Sài Gòn, và ông Lê Hoàng Minh, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cùng 10 bị can khác để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Trước đó, Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy ở Sài Gòn đã kỷ luật cách hết tất cả chức vụ đối với ông Phạm Văn Thông và kỷ luật cảnh cáo ông Lê Hoàng Minh.
Hàng chục bị can trên được xác định có liên quan đến những sai phạm của ông Tề Trí Dũng, nguyên tổng giám đốc công ty IPC, “đàn em” Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thành ủy Sài Gòn, trong việc quản lý vốn nhà nước tại công ty IPC và SADECO.
Các vụ bắt giữ này diễn ra trong tiến trình mở rộng điều tra bà Hồ Thị Thanh Phúc, tổng giám đốc Sadeco, và bị can Tề Trí Dũng, nguyên tổng giám đốc IPC, về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.”
Sau hai vụ bắt ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc hôm 14 và 15 Tháng Năm, 2019, nhiều Facebooker dự đoán người kế tiếp sẽ bị “sờ gáy” là ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy Sài Gòn. Tuy nhiên đến nay ông Cang vẫn “bình an vô sự.”
Ông Cang chỉ bị mất chức ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương CSVN khóa XII và ghế phó bí thư ở Sài Gòn, nhưng lại khiến công luận bất bình khi được giao làm phó “Ban Chỉ Đạo Công Trình Lịch Sử TP.HCM” hồi cuối Tháng Ba, 2019.
Hai công ty IPC và SADECO được cho là hai nơi do ông Cang điều hành, chỉ đạo trực tiếp trước khi xảy ra các vụ bê bối liên quan đến hai doanh nghiệp này. Do vậy, việc bắt giam ông Dũng, bà Phúc và đến nay là thêm ba bị can mới được công luận đồn đoán cho là “mở đường cho việc khởi tố, tống giam ông Cang” và các “khúc củi” gộc hơn vào lò.
Tuy vậy, gần như các bài báo về các vụ bắt giam các bị can, nghi can đều tránh nhắc tên ông Cang, ngoại trừ báo Một Thế Giới chạy tít “Sai phạm liên quan đến ông Tất Thành Cang, tổng giám đốc Công Ty Tân Thuận bị bắt.”
Trong vụ bị cách chức, ông Cang chỉ bị các báo nhà nước nêu sai phạm một cách chung chung “vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc…” (Tr.N) [kn]
No comments:
Post a Comment