Tuesday, August 4, 2020

Nghĩ suy từ nghề đòi nợ thuê

08/04/2020 - 05:20 — nguyenngocgia

Facebooker Nguyễn Hoàng Vi chia sẻ trên trang cá nhân, vào ngày 02 tháng Tám năm 2020, đã xảy ra một vụ đòi nợ, với 2 thanh niên xăm trổ đang túm lấy 1 người đàn ông trung niên và cho cô biết, người đàn ông là kẻ lừa đảo mà hôm đó, 2 thanh niên kia mới bắt được, sau nhiều ngày tìm kiếm.
 
Cô Nguyễn Hoàng Vi khuyên 2 thanh niên, nếu quả thật người đàn ông là tên lừa đảo hãy gọi công an giải quyết, không nên manh động. Người đàn ông nghe vậy, bèn van vỉ cô Vi làm ơn gọi công an giúp giùm.
 
Cuối cùng, công an tới hiện trường...
 
Câu chuyện chấm dứt tại đó.
 
Nghề đòi nợ thuê được nhìn nhận chính thức, sau khi Luật Đầu Tư được ban hành và có hiệu lực từ 01 tháng Bảy năm 2015. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa trước đó, nghề này không hoạt động.
 
Báo Tiền Phong ra ngày 01 tháng Tám năm 2013 với tựa [1] "Kinh hoàng những vụ đòi nợ bằng mìn và súng giữa Hà Nội", cho biết từ năm 2012, việc đòi nợ thuê dẫn đến án mạng bằng súng và mìn cho cả phía thiếu nợ và đòi nợ.
 
Báo Vietnamnet ra ngày 01 tháng Mười năm 2012 đưa tin [2] một nhóm 4 người đòi nợ thuê lãnh án tại Hà Nội, với mức án cao nhất là 42 tháng tù giam.
 
"Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TPHCM cũng hé lộ, nhiều vụ tấn công vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phát hiện đa phần các đối tượng có gốc từ miền Bắc, khi hoạt động tại TPHCM trong lĩnh vực tín dụng đen, đòi nợ thuê..." [3] như báo Tiền Phong đưa tin vào ngày 24 tháng Năm năm 2017.
 
Bài báo cho biết thêm: "... lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM đột kích bất ngờ vào cùng một lúc 10 căn hộ ở 2 chung cư trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8. Tại các căn hộ này, công an đã phát hiện, tạm giữ khoảng hai chục tay anh chị đều là dân có máu mặt, gốc Bắc, đầy tiền án, tiền sự. Tại các căn hộ, khi công an khám xét còn thu giữ rất nhiều sổ sách, giấy tờ, hồ sơ thể hiện chúng cho rất nhiều người ở các địa bàn quận, huyện vay tiền với lãi suất cắt cổ. Các đối tượng này nằm dưới sự chỉ đạo của hai trùm, là “nữ quái” Nga và đối tượng Lai đều đến từ Hà Nội...". Trong bài báo cũng nói, không thiếu những chủ nợ xuất thân từ Hải Phòng, Nghệ An.
 
Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM nói hôm 9 tháng Mười Hai năm 2019 trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX rằng [4]:  Tại Tp.HCM còn 51 nhóm, 178 người thực hiện việc cho vay nặng lãi, đòi nợ trái pháp luật. Trong khi đó, năm 2018 là 94 nhóm 393 người nhưng không xử lý hình sự được vụ nào. Riêng năm 2019, Công an Tp.HCM đã khởi tố 9 vụ, 31 người và xử lý 38 nhóm, 168 người khác, tuy nhiên, trung tướng Phong không nói rõ "xử lý" là như thế nào (!) .
 
Những hậu quả do nghề đòi nợ thuê mang lại rất kinh khủng cho xã hội.
 
Nghề đòi nợ thuê chính thức bị nhà nước CHXHCNVN cấm từ ngày 01 tháng Giêng năm 2021. Điều này không lấy gì bảo đảm chấm dứt những cảnh tượng bẩn thỉu, man rợ và kinh hoàng cho xã hội.
 
Giới luật sư cho biết [5], chỉ riêng nghề đòi nợ thuê bị cấm, còn các nội dung liên quan đến nợ nần rất khó xác định ranh giới. Vì thế, theo giới này, các chủ nợ có thể kiện ra tòa để đòi được nợ hoặc giả ủy quyền cho các hãng luật hay thực hiện mua bán nợ các loại.
 
Thực tế của những vụ đòi nợ thuê gây hoảng loạn cho xã hội, lại hầu hết đều từ những món nợ cá nhân.
 
Chưa có thống kê chính thức và khách quan nào cho thấy, hoàn cảnh thật của những người cần các món tiền lớn nhỏ nào đó, để cho mục đích gì, ngoài những lời than vãn do chính người thiếu nợ trình bày.
 
Suy tư
 
Thông thường, trong mắt người dân Việt Nam, các con nợ là những người túng quẫn tội nghiệp, thất cơ lỡ vận và luôn ở phía "thiện". Ngược lại, các chủ nợ và người đòi nợ thuê ở phía "ác". Thiện - Ác hình như được nhìn nhận khá dễ dãi?!
 
Tất nhiên, tuyệt đại đa số người ta luôn đứng về phía "thiện" bằng đạo đức phổ quát và đôi khi những tác động từ hoàn cảnh xã hội ngày xưa, dễ thấy qua các hình ảnh kẻ mắc nợ như trong: Tắt Đèn, Lá Sầu Riêng v.v... được truyền bá như là những tác phẩm kinh điển phản ánh hiện thực xã hội. Dù sao, chị Dậu hay cô Diệu là của... 100 trăm về trước. Ngày nay, đỏ mắt đi tìm không dễ gì thấy được.
 
Vẻ ngoài hiền lương và yếu đuối dễ làm con người rung động và xét đoán theo cảm tính. Những yếu tố đó thật dễ dàng làm người ta tin tưởng. Thế nên mới có "bọn lừa đảo". Và "bọn lừa đảo" vẫn phây phây sống bằng vẻ bề ngoài thiện lành và đạo mạo!
 
Hoàn cảnh xã hội hiện tại đã quá khác. Giá trị đạo đức gần như đảo lộn. Nhân cách dần cùi mòn...
 
Trong khi các nhà: giáo dục,  xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học cùng giới văn nghệ sĩ, có lẽ họ đã bỏ quên thực tại trong hành trình tiến lên... CNXH, dù không ai biết đến cuối thế kỷ này đã tìm được chiếc "Lá Diêu Bông" đầy phù du và đủ phù phiếm!
 
Cũng không cơ quan nhà nước nào tìm hiểu "tại sao" và "làm thế nào" mà các chủ nợ hầu hết là người gốc Bắc như phía công an tuyên bố chính thức?! Làm thế nào mà họ có nhiều tiền để cho vay như vậy? Tại sao họ không tuyển chọn giang hồ "sở tại" mà phải đưa người từ ngoài Bắc vào?
 
Về phía con nợ, có bao giờ người ta thắc mắc "tại sao" những con nợ biết rõ và chấp nhận lãi suất cắt cổ mà lại trốn nợ? Khi trốn nợ như vậy, các con nợ có nghĩ đến những hậu quả và hệ lụy kéo theo khủng khiếp cho người thân mình không?
 
Trong khi đó, một người đàn ông ở Long An vì nợ tiền đá gà [6] qua mạng gần 10 tỷ đồng và liên tục bị đòi nợ bằng mạng sống và cả gia đình bị khủng bố .Quá sợ hãi, người đàn ông đã uống thuốc tự tử, do báo Công An Tp.HCM đưa tin hôm 01 tháng Sáu năm 2020 và tờ báo này gọi những người đòi nợ là "nhóm côn đồ".
 
Cùng nội dung nợ và đòi nợ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu FE CREDIT chấn chỉnh việc cho vay và đòi (dưới mỹ từ "cấp tín dụng"). Người dân biết FE CREDIT thuộc VP Bank [7]
 
Nếu bạn đọc có đủ thời gian và hứng thú chỉ cần gõ trạng ngữ "tự tử vì mắc nợ" sẽ thấy hơn 16 triệu kết quả từ Google để "diện kiến" thêm nhiều cái chết quanh việc mượn nợ mà trong đó không thiếu những hoàn cảnh" nợ để đánh đề, cá độ đá banh, đánh số đề, bài bạc và có cả cảnh tượng cả hai vợ chống cùng treo cổ tự tử, để lại món nợ trong hoài nghi được gán cho,  tại vì bán hàng đa cấp là... thủ phạm, thay vì lòng tham (!).
 
Không thấy tin tức nào đứng về phía chủ nợ theo cách khách quan.
 
Kết
 
Ông bà Việt Nam có câu "oan có đầu, nợ có chủ" cả nghĩa bóng và nghĩa đen  để răn dạy khi xảy ra vấn đề oan khuất, nợ nần, cần phải xét nguyên nhân cặn kẽ, hơn là vội vã nhìn nhận hậu quả theo cảm tính. Đó cũng là cách nhìn khoa học, theo cặp phạm trù Triết Học "Nguyên nhân - Kết quả".
 
Đài RFA cho hay [8] Nhà nước CHXHCNVN đã hoàn tất món nợ 145 triệu USD  vào ngày 31 tháng Mười Hai năm 2019. Món nợ này do Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ trước 1975 phục vụ quốc kế dân sinh, không có khoản vay nào phục vụ cho chiến tranh. Món nợ này được phía nhà nước CHXNCNVN gọi là "món nợ ô nhục" và không chịu trả, nên gây ra sự trì trệ một quãng thời gian dài, trước khi bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ được nối lại chính thức.
 
"Ăn cho buôn so" - một tục ngữ của dân tộc Việt Nam, có lẽ nên nhắc lại cho tất cả con nợ, dù là cá nhân hay pháp nhân, rằng: Đừng viện cớ hoàn cảnh bi đát, túng quẫn để quỵt nợ, trong khi trước đó đã chấp nhận cuộc chơi "có vay có trả".
______________
 
Nguyễn Ngọc Già
 
 
 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment