Theo RFA-Cao Nguyên-2020-08-04
Hình minh hoạ. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Đà Nẵng hôm 3/8/2020-Reuters
Ca bệnh thứ 416 được phát hiện tại Đà Nẵng vào ngày 25/7 vừa qua, đánh dấu làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai của Việt Nam, sau gần 100 ngày không phát hiện ca bệnh nào trong cộng đồng.
Ngày 27/7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các ca nhiễm vừa xuất hiện là chủng mới, chủng xâm nhập từ bên ngoài, tốc độ lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam. Ông Long cho rằng, đợt dịch lần này sẽ diễn biến phức tạp, có thể lan ra khắp cả nước.
Quyết liệt chống dịch, chưa thấy biện pháp “chống đói”
Từ ngày 30/7, Chính phủ ra lệnh giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Đà Nẵng trong vòng 15 ngày. Các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam và k Đă Lăk cũng phải thực hiện giãn cách xã hội một số địa điểm vì có người nhiễm bệnh.
Những thành phố lớn có nguy cơ lây nhiễm cao như Hà Nội hay TP.HCM tuy chưa áp dụng giãn cách nhưng đã có lệnh cấm tụ cập trên 30 người, dừng hoạt động các quán bar, karaoke…
Các chỉ thị này được công bố một cách nhanh chóng, quyết liệt, như là một trong những biện pháp chống dịch của Chính phủ.
Tuy nhiên, Trong đợt dịch tái bùng phát này, Chính phủ lại chưa đưa ra bất kỳ một giải pháp nào hỗ trợ cho cuộc sống người dân trong lúc cách ly xã hội, nhiều người không được đi làm. Nhất là trong bối cảnh đợt dịch lần trước vừa ngớt, người dân vừa bắt đầu ổn định lại công việc thì lại nối tiếp đợt dịch thứ 2.
Ông Nguyễn Văn Thi, là một hưu trí, sinh sống bằng dịch vụ cho thuê homestay tại thành phố Đà Nẵng, nói rằng ông bị hụt khoảng 2/3 doanh thu so với lúc chưa dịch, vì thành phố không còn khách du lịch:
“Ở Đà Nẵng lúc dịch COVID này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề kinh tế xã hội. Đa số người ta sống nhờ vào du lịch, mà các dịch vụ du lịch bây giờ không còn, cũng vắng lắm, buồn tẻ lắm.
Tôi có mấy cơ sở cho thuê lưu trú, nhà trọ. Bây giờ, họ đã về nước, một số thì không có việc làm họ không thuê nữa, thì nó giảm đi hết 2/3. Về kinh tế thì thiệt hại lớn, nguồn thu của gia đình mình từ đó cũng không còn nữa.”
Ông Bảy, một người bán vé số ở Quảng Nam cho hay những ngày nghỉ dịch như thế này thì ông mất thu nhập khoảng 60-70 ngàn đồng/ngày.
Lần nghỉ dịch trước, Nhà nước còn hỗ trợ hộ nghèo được 1 triệu 500 ngàn đồng, nhưng lần này thì chưa thấy gì. Ngay cả những người phát gạo, thực phẩm từ thiện, lần này cũng ít hẳn:
“Nhà nước cho được 1 triệu rưỡi mùa dịch đợt trước. Lần trước thì có người giúp nhưng lần sau này thì không có, chưa ai giúp.”
Hầu hết mọi thông tin bây giờ là về dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh COVID này, cũng như là truy tìm F0 và điều trị thôi. Còn bây giờ để hỗ trợ thì chưa. - Người dân
Ông K., một người dân Sài Gòn cho biết hiện giờ, ngoài gói hỗ trợ 62.000 tỷ vẫn chưa giải quyết xong, Chính phủ chưa có một chính sách nào khác nhằm hỗ trợ cho người dân vào thời điểm dịch bùng phát trở lại. Theo ông K., có thể trong lúc này Chính phủ phải dồn lực để “dập dịch” trước:
“Hầu hết mọi thông tin bây giờ là về dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh COVID này, cũng như là truy tìm F0 và điều trị thôi. Còn bây giờ để hỗ trợ thì chưa. Vì thực tế mình thấy rằng cơ quan Nhà nước cũng không có đủ khả năng để làm quá nhiều việc trong thời điểm hiện tại.”
Chiều ngày 3/8, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2020 rằng quan điểm của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 là “Tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, không ngăn sông cấm chợ để các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường.”
Gói 62.000 tỷ từ tháng Tư vẫn chưa giải ngân xong
Nói về gói hỗ trợ 62.000 tỷ, ông Nguyễn Văn Thi cho biết chưa có bất kỳ một ai thuộc diện lao động hay doanh nghiệp mà ông biết, nhận được tiền từ gói hỗ trợ này:
“Không có, họ chỉ nói trên TV vậy thôi. Thằng con tôi cũng có một cái shop bán đồ da thủ công để bán cho khách du lịch. Nhưng mà bây giờ khách du lịch họ không đi nữa, mà mặt bằng cho thuê thì lại đắt quá. Nó viết đơn xin hỗ trợ gửi lên nhưng cuối cùng cũng đâu thấy gì đâu, người ta chỉ nói vậy thôi chứ không có.”
Vào tháng Tư, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành với mục đích hỗ trợ khó khăn cho người dân trong đại dịch COVID-19. Đây được coi là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ.
Đối tượng được thụ hưởng là các hộ nghèo, gia đình các diện chính sách xã hội, người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch.
Đến cuối tháng Sáu, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ thông báo chỉ mới có 4 nhóm đối tượng nhận được tiền một lần là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Còn những người lao động tự do, doanh nghiệp và lao động bị cắt hợp đồng do dịch vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Cần Chính phủ hỗ trợ để đảm bảo đời sống cơ bản
Theo ông Thi, có 2 việc mà người dân cần Chính phủ làm ngay lúc này. Thứ nhất là xét nghiệm nhanh và nhiều nhất có thể. Thứ 2 là giải ngân cho xong gói 62.000 tỷ cho người dân sinh sống qua đợt dịch này:
“Bây giờ, việc cần hỗ trợ tức thì tốt nhất đó là phải xét nghiệm kiểm tra sức khỏe toàn dân Đà Nẵng. Xét nghiệm để biết người nào bệnh và không bệnh.
Người dân cũng yêu cầu có những hỗ trợ, trước mắt là gói 62.000 tỷ, phải hỗ trợ để cho họ sinh sống, chứ cứ nói mà không làm thì bây giờ họ cũng chán rồi. Người ta cũng không tha thiết gì nữa hết, coi như thiên tai, bệnh tật thì chấp nhận thôi. Họ không đòi hỏi gì thêm. Có đòi hỏi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.”
Ông K. nhận định, thực ra đa số người dân cũng hiểu rằng dịch bệnh là tình hình chung, cả thế giới đều khó khăn nên không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần được hỗ trợ cơ bản để họ sống qua những ngày không thể đi làm là đủ:
“Bây giờ, họ cũng hiểu rằng đây là bệnh ở toàn Thế giới, chứ không riêng của Việt Nam. Cho nên, khi bệnh xảy ra thì họ cũng cam chịu chấp nhận thôi. Tuy nhiên, trong thời điểm bị mất việc này, họ cũng mong rằng Chính phủ, Nhà nước sẽ quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết trong lúc thất nghiệp.
Đặc biệt là những lao động kiếm ăn từng ngày. Bây giờ công việc của họ bị ảnh hưởng hoặc bị mất việc thì họ cần ăn cái ăn và trang trải hàng ngày. Cho nên Chính phủ và Nhà nước cũng nên sớm giúp đỡ cho họ, chứ họ không có yêu cầu gì lớn lao cả. Hỗ trợ cái ăn, cái mặc đảm bảo cuộc sống hàng ngày thôi.”
No comments:
Post a Comment