BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Ông Phạm Duy Lăng, 30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng và sống ở Bình Phước, được trả tự do sau hơn 11 năm bị tạm giam.
Theo các báo nhà nước, ông Lăng “bị truy tố về tội giết người, trải qua nhiều phiên tòa, vụ án vẫn chưa tới hồi kết.”
Hồi Tháng Mười, 2018, báo Dân Trí dẫn cáo trạng cho hay, hồi Tháng Ba, 2009, khi tham dự đám cưới, nhóm bạn của ông Lăng bị một nhóm khác đánh. Ông Lăng cũng bị một người dùng cục đá đập vào đuôi mắt phải. Ông chạy vào nhà người dân tìm hung khí. Cáo trạng mô tả ông Lăng “cầm chày inox dài 20 cm đánh ông Trương Thanh Thức nhiều cái vào đầu khiến ông này tử vong vài ngày sau đó.”
Liên quan vụ án này, trang web Truyền Hình Pháp Luật Việt Nam hồi Tháng Mười Một, 2019, cho biết: “Dù còn nhiều khuất tất trong quá trình điều tra cũng như sai lệch về lời khai của nhân chứng và bị cáo trong các biên bản lấy lời khai ban đầu và khi xét hỏi tại tòa, thế nhưng Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước vẫn tuyên Phạm Duy Lăng 16 năm tù về tội ‘Giết người,’ đồng thời tòa Bình Phước cũng kiến nghị tòa án cấp trên hủy án sơ thẩm để điều tra lại do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Sự tắc trách trong quá trình xét xử của tòa Bình Phước khiến dư luận cũng như những người liên quan bất bình.”
Hôm 29 Tháng Tư, Luật Sư Ngô Anh Tuấn, người được gia đình ông Lăng cầu cứu, tường thuật trên trang cá nhân: “Trải qua nhiều sóng gió, cung bậc cảm xúc, vụ án này đã được kết thúc hôm nay bằng một kết quả mang tính ‘huề cả làng’: bị cáo [Phạm Duy Lăng] bị kết án bằng thời gian tạm giam và trả tự do tại tòa.”
Vị luật sư cho biết thêm rằng ở trong tù, ông Lăng “kêu oan liên tục và đã từng thắt cổ tự tử trong phòng tạm giam nhưng may mắn được cứu sống.”
Theo Luật Sư Tuấn, dù có nhiều luật sư thiện nguyện tham gia bào chữa miễn phí, nhưng có thể do gánh chịu áp lực trong trại giam mà ông Lăng “liên tục có những thay đổi khiến cho những người dễ tính nhất cũng phải bực mình – trong trại thì nhận tội, ra tòa lại kêu oan.”
“Có một điều mà nhiều người trong chúng tôi đều hiểu với nhau và bị cáo Lăng luôn khẳng định rằng bản án bao nhiêu cũng là oan và việc nhận tội để được phóng thích chỉ là bước kết thúc những ngày tù tội và khởi đầu cho một công cuộc kêu oan và yêu cầu bồi thường oan sai kéo dài đằng đẵng sắp tới,” theo Facebook Tuan Ngo.
Vụ án Phạm Duy Lăng được ghi nhận chỉ là một trong số nhiều vụ án oan tại Việt Nam. Hồi Tháng Tám, 2015, công luận xôn xao trước phát ngôn của bà Lê Thị Thu Ba, phó Ban Cải Cách Tư Pháp Trung Ương, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội: “Hoạt động điều tra xét xử lâu nay không chú trọng gỡ tội cho bị can, bị cáo, mà chủ yếu là tập trung vào việc chứng minh tội phạm. Thậm chí có những trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên một tội gì đó cho tương xứng với việc đã làm. Cái này xảy ra rất nhiều, rất vi phạm quyền con người.”
Một trong số trường hợp được công luận tin là án oan là tử tù Hồ Duy Hải được dự trù xét xử “giám đốc thẩm” vào ngày 6 Tháng Năm tới đây về cáo buộc “Giết người, cướp tài sản.” Vụ án này khiến báo chí nhà nước tốn nhiều giấy mực trong 13 năm qua.
Theo tờ Tuổi Trẻ, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng “có nhiều vi phạm nghiêm trọng như bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.”
Việc liên tiếp để xảy ra nhiều vụ án oan càng khiến công luận, nhất là giới luật sư bảo vệ nhân quyền, cảm thấy bất mãn trước dự án dựng tượng vua Lý Thái Tông trước trụ sở các tòa án ở Việt Nam như “biểu tượng công lý.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 28 Tháng Tư “đổ dầu vào lửa” khi dẫn lời ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, biện minh rằng việc dựng tượng vua Lý Thái Tông “thể hiện thượng tôn pháp luật của đất nước ta có từ hàng trăm năm trước” và rằng “nhiều nước trên thế giới cũng làm như vậy.” (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment