Monday, March 30, 2020

Sài Gòn những ngày ‘gần như phong tỏa toàn diện’ vì COVID-19


Trước 12 giờ khuya 28 Tháng Ba, vài quán cà phê hè phố Sài Gòn vẫn đông người. (Hình: Bùi Văn/Người Việt)

Bùi Văn/Người Việt
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Từ 12 giờ khuya ngày 28 Tháng Ba, 2020, nhà cầm quyền Việt Nam và thành phố Sài Gòn ra nhiều chỉ thị mà họ gọi là khẩn cấp, như cấm tụ tập đông người, hạn chế đi lại, người trên 60 tuổi phải ở nhà… Như vậy, dù không chính thức tuyên bố phong tỏa quốc gia vì dịch bệnh COVID-19 thì dư luận vẫn cho là đã phong tỏa khẩn cấp.
Ở Sài Gòn, tiếp theo lệnh cấm nhà hàng, vũ trường, karaoke, từ ngày 28 Tháng Ba, có lệnh cấm hàng quán mua bán đồ ăn, thức uống có trên 10 người khách, các dịch vụ như hớt tóc, mỹ viện… Nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ khác, kể cả khu vực trung tâm vốn quanh năm suốt ngày đêm hàng quán ăn, uống nhộn nhịp như đường Lê Quý Đôn Quận 3, đường Vĩnh Khánh Quận 4, đường Bùi Viện Quận 1, Nguyễn Thị Nhỏ Quận 11, Thành Thái quận 10… tất cả đều buộc phải tạm đóng cửa.
Khu trung tâm Sài Gòn, góc đường lê Duẩn – Tôn Đức Thắng vắng lặng như bị bỏ hoang. (Hình: Bùi Văn/Người Việt)
Trên thực tế lệnh cấm này bị chính quyền phường xã tiến hành rất cực đoan. Một anh chủ quán nhỏ ở một góc phố quận 3, bán cà phê pha máy chỉ có 5 bàn, số khách lúc đông nhất chưa tới 10 người vậy mà như anh cho biết, bà tổ trưởng dân phố theo lệnh của phường bắt phải đóng cửa, anh chỉ còn biết than với trời, việc không cho bán thì lấy đâu ra tiền trả tiền thuê mặt bằng với nhà trọ của gia đình anh.
Chợ Bình Thới, quận 11 Sài Gòn, sáng ngày 29 Tháng Ba, cô bán rau nói với khách hàng: “Kiểu này ngày mai nghỉ bán vì không có xe bus về.” Người đàn ông mua rau nói: “Xe bus còn chạy mà.” Cô bán rau than: “Xe về Xuân Thới Thượng (Hốc Môn) bình thường 15 phút chuyến giờ chờ cả tiếng đồng hồ cũng chưa thấy.”
Việc đời sống tinh thần và đời sống thể chất của người Sài Gòn bị cấm hoặc hạn chế tối đa, lần đầu tiên trong lịch sử biến thành đô thị mất hết sức sống như vốn có, dù dịch COVID-19 ở Việt Nam chính quyền tuyên truyền được thế giới và WHO khen là khống chế thành công so với nhiều nước khác.
Ban ngày mà một hẻm ở đường Vườn Chuối quận 3 không bóng người. (Hình: Bùi Văn/Người Việt)
Người Sài Gòn và Việt Nam đều có chung tâm trạng không biết đâu mà lường khi nhà nước luôn ra rả tuyên truyền, “Việt Nam chưa có người chết, các ca bệnh liên tục được trị khỏi ra viện, phần lớn các ca dương tính đang xét nghiệp âm tính với COVID-19” và “kiên quyết” khống chế, không để số ca nhiễm không hơn 1,000 ca; nhưng mặt khác lại liên tục ra lệnh cách ly phong tỏa các địa bàn, địa phương và hạn chế mọi hoạt động thường nhật của toàn xã hội.
Việc kêu gọi, áp đặt tự cách ly đến hạn chế tối đa tiếp xúc cộng đồng trong thời điểm mà chế độ gọi là 14 ngày vàng chống dịch COVID-19; người dân dù biết công việc làm ăn mình bị thiệt hại nhưng cũng phải đồng thuận chấp hành. Riêng với tầng lớp dân cư lao động, mua gánh bán bưng ở Sài Gòn và các đô thị lớn thiệt hại về kinh tế càng nặng nề bội phần, vì sức chịu đựng của họ chỉ có mức giới hạn một khi mất nguồn thu nhập hàng ngày.
Trốn vào một góc khuất ở đầu con đường nội bộ cư xá Lữ Gia, quận 11. Bà xe đẩy bán món khoai lang chiên, chuối chiên nói như muốn khóc, “Tui cứ liều bán, có đuổi thì chạy, chớ dẹp nghỉ theo lệnh thì hơn cả triệu tiền chuối dự trữ tui mua biết đổ đi đâu.”
Sài Gòn là thành phố duy nhất ở Việt Nam khi nhà cầm quyền tuyên bố trợ giúp người lao động mất việc, thất nghiệp 1 triệu đồng/tháng. Nhưng với người nhập cư ở thuê, làm mướn, mua bán linh tinh thì chắc chắn không thuộc diện được nhận số tiền ít ỏi đó.
Bờ kè Nhiêu Lộc nơi luôn nhộn nhịp quán ăn, quán nhậu về đêm giờ như phố ma. (Hình: Bùi Văn/Người Việt)
Chưa hết, tin mới nhất sáng ngày 29 Tháng Ba, từ cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành. Ông thủ tướng chế độ lại đưa ra lệnh: Các công ty xổ số nhà nước phải ngừng việc phát hành vé số để tránh việc các người bán vé số lang thang gây lây dịch bệnh COVID-19.
Vậy từ nay cho đến khi hết dịch, số lượng hàng chục ngàn người nghèo, người già, người tàn tật từ các tỉnh thành về Sài Gòn bán vé số sẽ thất nghiệp, muốn về quê thì bị nạn cấm xe chạy liên tỉnh, muốn ở lại chịu đựng thì không có tiền mua thực phẩm, đó là chưa nói không có tiền trả phòng trọ để đặt lưng qua đêm.
Sài Gòn và các đô thị lớn ở Việt Nam từ nay trong đỉnh điểm dịch COVID-19, dù với cách gọi gì đi nữa thì về mặt thực tế vẫn là bị phong tỏa xã hội gần như toàn diện.
Đương nhiên số ca nhiễm bệnh hiện nay đa số chưa phải là người nghèo hay giới bình dân, nhưng chính họ trước mắt và lâu dài mới là diện cư dân phải gánh thiệt hại kinh tế với đời sống với hậu quả nặng nề nhất. (Bùi Văn)

No comments:

Post a Comment