Nguyễn Thị Huyền – (VNTB) – Các tập đoàn kinh tế nhà nước được ví von đầy bạo lực là những quả đấm thép. Vậy thì họ đã đấm gì ở lúc này, khi mà đại dịch từ con virus ở Trung Quốc đang đe dọa hủy diệt cả nền kinh tế của Việt Nam?
***
Nên giảm ngay 50% tiền điện, nước, thẻ cào cho người nghèo
Điện – Nước – Viễn thông, cả ba ngành này đều thuộc những ‘ông lớn’ tập đoàn kinh tế nhà nước. Họ toàn quyền quyết định ngay lúc này về chuyện giảm một nửa đó cho các chi phí này.
Hiện có hàng vạn người lao động đang mất việc bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19, nhưng không được hỗ trợ giống như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách. Vì vậy, cần có ngay chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ tạm thời duy trì cuộc sống cho qua mùa dịch.
Nhiều nước cũng đã có trợ cấp trực tiếp cho người mất thu nhập, bên cạnh gói hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế. Như Chính phủ Mỹ cấp 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em, tức mỗi gia đình 4 thành viên nhận được 3.400 USD để người dân có thể sống qua ngày. Singapore cũng cấp 800 USD trong ba tháng cho người mất việc… (1)
Việt Nam, thì có thể lập luận “Chúng ta chưa đủ điều kiện trợ cấp trực tiếp và việc thực hiện cũng phức tạp vì phần lớn người nghèo không có tài khoản ngân hàng, trong khi chi bằng tiền mặt phức tạp và không phù hợp cho chống dịch”, thế thì vì sao nhà nước không yêu cầu các ‘tay đấm thép’ của mình đưa ra chính sách giảm bớt khó khăn cho họ, bằng cách như giảm trực tiếp 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước, Internet trong những tháng mất việc do dịch Covid-19 – thậm chí có thể là giảm ngay 100% các hóa đơn điện, nước đối với những hộ dân đang nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương.
Mất việc, không có thu nhập, phải ở nhà lên mạng internet, dùng điện, rửa tay nhiều hơn theo khuyến cáo của ngành y tế nên hóa đơn tiền điện, nước, thẻ cào điện thoại sẽ cao hơn các tháng khác. Giảm được khoản này, cộng với chủ nhà trọ ở nhiều nơi đang tiếp tục giảm hoặc miễn tiền thuê nhà là rất có ý nghĩa cho người nghèo.
Một nghị quyết ‘hỏa tốc’ từ Bộ Chính trị về an sinh: tại sao không?
Tại sao lại cần đến một nghị quyết từ Bộ Chính trị? Đơn giản thôi, vì Đảng có trách nhiệm cao nhất trong vấn đề an sinh cho người dân. Điều 4 của Hiến pháp nói rõ về bổn phận đó của Đảng.
Vậy thì nghị quyết này của Bộ Chính trị sẽ nói gì? Báo chí đăng rằng chính quyền TP.HCM đã dùng thu nhập tăng thêm của cán bộ công chức để san sẻ cho người mất thu nhập, một ‘cơ chế đặc thù’ của mùa dịch. Với nghĩa cử đó, số tiền 1 triệu đồng là lớn, dù không thể bù đắp được khoản thu nhập đã mất do mất việc.
Vậy câu hỏi đặt ra là có nguồn tiền nào khác để có được mức hỗ trợ cao hơn cho người không có trợ cấp thất nghiệp, hoặc có những chính sách kiểu ‘trao cần câu’ như cho vay vốn khi dịch đi qua? Hay các đô thị lớn khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… sẽ có những sáng kiến nào để hỗ trợ người mất thu nhập?
Câu hỏi đó tầm địa phương không giải quyết được. Muốn hỗ trợ, cần có tiền. Tiền đâu để giúp hàng triệu người trong cả nước tạm thời mất việc vì Covid-19 nhưng không có bảo hiểm thất nghiệp? Thời dịch bệnh, phải có biện pháp mạnh, táo bạo. Chẳng hạn nếu không cân đối được từ các nguồn khác, cũng cần tính tới tăng bội chi ngân sách để có thêm tiền hỗ trợ hàng triệu con người và gia đình họ sống qua mùa dịch – thậm chí là cả việc dừng các khoản ngân sách dành cho ‘đại hội đảng bộ’ các cấp, và khoản tiền này chuyển sang tài khoản cho an sinh của dân chúng vì dịch bệnh.
Tất cả các vấn đề trên hoàn toàn không tìm thấy ở nội dung của thông báo mới nhất từ Bộ Chính trị hôm 21-3 “Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19” (2). Trong khi đó thì ở nội dung thông báo lại tiếp tục yêu cầu “Các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14-3-2020 về tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở”.
__________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment