LONG AN, Việt Nam (NV) – Liên quan đến vụ người bắc cầu vào “ốc đảo” bị phạt nặng và buộc đập bỏ, chính quyền xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Guộc, quyết tâm thu tiền phạt cho bằng được rồi mới tính đến sự tồn tại của cây cầu, khiến công luận bất bình.
Ngày 9 Tháng Giêng, 2020, anh Nguyễn Văn Thiện (38 tuổi, ngụ xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho báo Thanh Niên biết trong sáng 8 Tháng Giêng, Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông đã mời anh lên làm việc về thực hiện quyết định xử phạt hành chính của Ủy Ban Nhân Dân hyện Cần Giuộc về vụ “xây cầu không xin phép.”
Làm việc trực tiếp với anh Thiện là cán bộ Địa Chính, Giao Thông xã Phước Vĩnh Đông. Tại đây, cán bộ xã nhắc lại là quyết định của chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc ký ban hành từ Tháng Mười, 2019, có thời gian chấp hành trong vòng 10 ngày, nhưng đến nay gần ba tháng mà anh Thiện chưa có tiền đóng phạt.
“Xã nói đóng phạt xong đem biên lai lên giao cho cán bộ địa chính để biết đã chấp hành xong. Còn giờ chưa nộp tức là không thực hiện,” anh Thiện lo lắng nói.
Anh Thiện có hỏi nếu gia đình mượn được tiền nộp phạt, đồng thời xin cho cây cầu được tồn tại thì có được hay không, thì cán bộ địa chính xã cho biết: “Nộp phạt xong rồi tính. Còn phải họp ra dân xem ý kiến thế nào, có ai đồng tình hay phản đối gì không.”
Lo lắng lối đi duy nhất vào nhà bị tháo dỡ, anh Thiện đề nghị nếu chính quyền đập bỏ cây cầu và cũng là đường duy nhất đi qua nhà anh cùng vài gia đình khác, thì Ủy Ban Nhân Dân xã hỗ trợ bằng cách thuyết phục với những hộ xung quanh “mở đường” băng qua bờ ruộng để gia đình anh có đường ra vào nhà. Song, phía Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông lập lờ yêu cầu anh đóng phạt xong “rồi sẽ họp để tính tiếp.”
Trước đó, hôm 21 Tháng Mười Hai, anh Thiện được Ủy Ban Nhân Dân xã Phước Vĩnh Đông mời lên làm việc về quyết định xử phạt của Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc đối với anh Thiện vì đã tự ý bắc cầu qua kênh. Xã yêu cầu anh Thiện “chấp hành quyết định, nếu không sẽ họp dân.”
Theo quyết định của Ủy Ban Nhân Dân huyện Cần Giuộc, anh Thiện bị phạt số tiền 40 triệu đồng ($1,730) và buộc phá bỏ cầu trả lại hiện trạng ban đầu.
Anh Thiện cho biết để ra vào nhà trước đây người dân ở “ốc đảo” đi qua cánh đồng ruộng của dân địa phương để về nhà. Tuy nhiên, hai tháng gần đây chủ đất đã bán phần ruộng này, trong khi chủ mới không cho đi đã rào bít lối đi trên bờ ruộng và con đường duy nhất để đi ra bên ngoài là phải lội qua kênh Bảo Sinh.
“Người lớn thì dễ dàng rồi, khi cần thì cởi quần áo bơi qua kênh, nhưng tụi nhỏ thì rất khó khăn. Không lẽ năm này tháng nọ phải đi bằng cách đó,” anh Thiện nói với báo Thanh Niên.
Bí lối, anh Thiện buộc phải gom góp hết tài sản để làm cây cầu bắc qua kênh Bảo Sinh để các đứa trẻ và mọi người có đường đi mà không phải lội qua kênh khi có nhu cầu đi ra bên ngoài.
Anh cho hay, cây cầu đã làm xong trụ đà hai bên nhưng chưa thể chạy xe qua được, nếu chính quyền không tháo dỡ, thì cho phép anh tiếp tục mượn tiền làm hoàn thành cho mấy đứa con chạy xe đi học.
“Đây là nhu cầu thực tế chứ tôi chưa bao giờ muốn làm gì sai để nhà nước phải phạt. Mà phạt chừng đó tôi biết lấy đâu ra tiền để đóng,” anh Thiện than thở.
Ông Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi) ở cùng ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, cho biết con kênh mà anh Thiện bắc cầu để đi vào nhà mình và vài nhà khác có khu vực bao quanh toàn ao đầm nuôi tôm, cua nên mạnh ai nấy rào chắn hết lối đi. Cây cầu xây nằm ở vị trí gần cuối con kênh, không có xuồng ghe đi lại, hai bên là bãi bồi và dừa nước, dân cư thưa thớt nên về lâu dài chưa thể phát triển rộng hơn.
“Đây là vùng sâu, đặc biệt khó khăn, anh Thiện làm được cây cầu gần như bằng cả tài sản của mình. Nếu chính quyền đập bỏ thì họ sẽ phải lội kênh mỗi khi qua lại, đó là điều mà không ai muốn,” ông Hùng nói.
Báo Thanh Niên cho hay, vợ anh Thiện đi làm công nhân, còn anh Thiện làm thuê đủ nghề để sống và nuôi hai con nhỏ. Dù đã rất cố gắng nhưng do không có đất canh tác, công việc bấp bênh nên cuộc sống gia đình còn khó khăn.
“Mỗi lần nhìn mấy đứa nhỏ đi học bò qua đây thấy tội lắm, cầu mà phá đi thì không biết thế nào nữa. Hơn nữa, tôi nghèo quá không có tiền đóng phạt,” anh Thiện nói.
Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ bất bình sự cố chấp của chính quyền địa phương.
“Cán bộ và chính quyền địa phương phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân thì mới thấu hiểu cho dân được,” độc giả Nguyễn Kim Đạt (Sài Gòn) bất bình bày tỏ trên báo Thanh Niên.
Độc giả Dân Hiểu (Long An) tức giận: “40 triệu đồng tiền đâu mà đóng phạt? Với họ, người dân lương thiện vùng quê là số tiền quá lớn.”
“Chuyện quá giản đơn! Đừng phức tạp hóa vấn đề các vị ơi! Hãy vì dân nghèo mà xử lý tình huống, không nên cứng nhắc bảo thủ theo ‘quy trình’ vậy mới là chính quyền do dân vì dân,” độc giả Đoàn Trọng Thủy (Sài Gòn) ta thán.
“Điều này thể hiện bản chất thật sự của chính quyền do dân vì dân. Thật ưu việt nhân văn!!!” độc giả ghi Lô A Kiến Thiết (Lạng Sơn) châm biếm. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment