CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Nhiều làng xóm với hàng trăm gia đình cùng những cánh rừng, đê điều ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long đã bị xóa sổ trước nạn sạt lở mà chính quyền các nơi chỉ biết bất lực đứng nhìn.
Hàng loạt các tỉnh ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang… phải ban bố “tình huống khẩn cấp,” tổ chức di dời dân ra khỏi những vùng bờ biển, bờ sông bị sạt lở nặng.
Theo báo Tuổi Trẻ, cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, từng là nơi hội tụ của hàng trăm gia đình, hiện chỉ còn lại khung cảnh điêu tàn với những chiếc cọc trơ trọi, những mảng bê tông đổ nát trước các con sóng lớn liên tiếp uy hiếp bờ.
Anh Trương Minh Tài, một trưởng ấp ở Vàm Xoáy, cho biết bờ biển phía Tây từng có 47 gia đình sinh sống nhưng giờ chỉ còn 2-3 gia đình cố bám trụ vì sinh kế, còn lại đã tản cư hết. Bên kia sông là ấp Kinh Đào Đông với hàng chục gia đình cũng đã bị xóa sổ vì sạt lở.
Kể với báo Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Suốt (60 tuổi), nhà bên mé biển cho biết khu vực này từng là nơi mà cây mắm, cây đước phát triển sum suê với con lộ xi măng dẫn vào trung tâm xã chưa bao giờ sóng đánh tới vì hai bên lộ còn có hai bờ cát bảo vệ.
Nhưng vài năm trở lại đây, biển gặm mất bờ cát rồi tiếp tục tấn công vào sâu bên trong bờ. Các khu đất mà hàng loạt gia đình từng sinh sống trước đây, nay chỉ còn trơ trọi những chiếc cọc. Người dân phải “chạy biển” và chỉ sau vài năm, xóm làng đã trở nên tan tác.
“Nhà tôi trước đây ở phía trước con lộ xi măng, nhưng bị sóng biển đánh dữ quá nên phải dời vào bên trong. Song, nhà càng dời, biển càng đuổi theo. Hết cách, các gia đình phải bỏ nhà để vào khu tái định cư,” bà Suốt cho biết.
Không chỉ nhà dân ở ven khu vực cửa biển Vàm Xoáy lâm nạn, những cánh rừng phòng hộ cũng bị biển nuốt mất. Nhiều đoạn của các cánh rừng mắm, rừng đước đã không còn, nhiều nơi chỉ còn lại những gốc cây trước từng đợt sóng tạo “hàm ếch” khoét sâu vào bờ.
Theo Kỹ Sư Lâm Trường Ân, cán bộ Chi Cục Thủy Lợi Cà Mau, tại cửa biển Vàm Xoáy biển đã lấn vào sâu hơn 50 mét.
Đến nay, bờ biển Đông và Tây của Cà Mau đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. Trong đó, bờ biển Tây bị sạt lở khoảng 57 cây số, bờ biển Đông bị khoảng 48 cây số, có nhiều đoạn sạt lở sâu, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80-100 mét mỗi năm, tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê biển, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn gia đình vùng ven biển.
Nếu tính chung diện tích sạt lở bờ biển và bờ sông, mỗi năm Cà Mau mất đi diện tích đất tương đương một xã.
Hôm 25 Tháng Chín, 2019, báo Tuổi Trẻ cho hay, riêng tại cửa biển Vàm Xoáy, biển đã lấn vào sâu hơn 50 mét, là một trong tám điểm mà Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau vừa ký công bố “tình huống khẩn cấp” do sạt lở.
Theo ông Lê Văn Sử – phó chủ tịch tỉnh Cà Mau – vào mùa mưa, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Còn ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch tỉnh Cà Mau, bất lực cho biết: “Sạt lở tại Cà Mau diễn biến nhanh hằng ngày, hằng giờ, cả biển lẫn sông. Nếu không kịp thời giải quyết sẽ còn nhiều nơi buộc phải ban hành ‘tình huống khẩn cấp.’”
Ngoài Cà Mau, liên quan đến việc sạt lở, ông Trần Văn Chuyện, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết ở Sóc Trăng ngoài đoạn giáp ranh ở hai xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với tỉnh Bạc Liêu, hàng loạt điểm bờ sông thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách… cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, phải công bố “tình huống khẩn cấp” để có các biện pháp bảo vệ dân.
“Dự báo từ nay đến cuối năm, do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường, nguy cơ sạt lở còn diễn biến phức tạp, đe dọa tính mạng, diện tích sản xuất cây ăn trái, rau mùa của người dân,” ông Chuyện nói.
Tương tự, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu cũng vừa ban hành ba quyết định phê duyệt “tình huống khẩn cấp” sạt lở bờ biển “đặc biệt nguy hiểm,” gồm bờ biển ở xã Vĩnh Trạch Đông, bờ biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu và bờ biển phía Bắc kè Gành Hào, huyện Đông Hải. Theo đó, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Bạc Liêu và huyện Đông Hải được yêu cầu xây dựng kế hoạch tản cư, di dời cấp bách các gia đình có liên quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Trung, chánh văn phòng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có tuyến đê biển dài khoảng 200 cây số từ huyện Kiên Lương tới huyện An Minh. Do tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 80 cây số đê biển này đang bị sạt lở, trong đó khoảng 20 cây số “sạt lở nghiêm trọng.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment