ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Bệnh Viện Đà Nẵng chính thức cảnh báo vi khuẩn bệnh Whitmore “ăn thịt người” đang vào mùa và đã có nhiều người ở thành phố này mắc bệnh.
Ngày 25 Tháng Chín, 2019, nói với báo Thanh Niên, Bác Sĩ Phạm Ngọc Hàm, trưởng Khoa Y Học Nhiệt Đới Bệnh Viện Đà Nẵng đã chính thức cảnh báo về vi khuẩn bệnh Whitmore “ăn thịt người” đang khiến nhiều người hoang mang.
Theo Bác Sĩ Hàm, Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh thành miền Trung nói chung đang vào thời tiết giao mùa, với nguy cơ bùng phát của rất nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra.
Tại Bệnh Viện Đà Nẵng, năm 2017 tiếp nhận 12 ca bệnh Whitmore, sang năm 2018 tăng lên 13 ca và từ đầu năm 2019 đến nay đã có sáu ca nhiễm bệnh.
Theo đó, ở miền Trung, bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một hằng năm. Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là chín ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ chết cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
“Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore ‘đa dạng phức tạp’sốt các kiểu như: sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân có nguy cơ bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác như: bệnh viêm phổi, bệnh lao phổi, áp xe cơ, bệnh nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…,” Bác Sĩ Hàm cho biết.
Đối với bệnh Whitmore, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Do vậy, cách để phòng tránh là người dân cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Nên trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.
Bác Sĩ Hàm cũng đặc biệt lưu ý người dân khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn.
“Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng việc phòng tránh bệnh Whitmore vẫn cần được thực hiện để hạn chế khả năng mắc phải, nhất là với những người có nguy cơ cao. Nếu nghi ngờ mắc phải có các triệu chứng của bệnh Whitmore, cần đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời,” Bác Sĩ Hàm cảnh báo.
Tin cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã phát hiện hàng chục trường hợp mắc bệnh này. Hầu hết các bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Riêng Tháng Tám, 2019, có đến 14 bệnh nhân Whitmore nặng, trong đó có bốn ca đã chết do vi khuẩn “ăn” nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh nhân.(Tr.N)
No comments:
Post a Comment